Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 3)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 4)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 5)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 6)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 7)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 8)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 9)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 10)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 11)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 12)
Chúng ta bắt đầu loạt bài này với cái chết của một Hoàng đế, nên cũng sẽ kết thúc loạt bài này với cái chết của một Hoàng đế. Và đối với trường hợp của Hán Linh Đế Lưu Hoành, việc ông băng hà cũng là điểm chấm dứt cuối cùng của nhà Hán, bởi 2 người con của ông là Lưu Biện và Lưu Hiệp sau này không nắm được thực quyền và sống cả đời làm Hoàng đế bù nhìn.
Trước khi bắt đầu cũng cần phải làm rõ về Lưu Hoành một chút, bởi phần lớn bài viết trong loạt bài này thường tập trung nói về việc Linh Đế tham nhũng như thế nào. Và đúng là những điều ấy hoàn toàn có thật, chúng ta cũng không thể đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu ông được. Chúng ta cần phải nhớ rằng ông chỉ là một cậu bé mồ côi cha, vô tư vô nghĩ lúc được ngoại thích Đậu Vũ đưa lên làm Hoàng đế bù nhìn. Hơn thế nữa, ông lại được hoạn quan nuôi dưỡng, những người này làm ảnh hưởng đến việc giáo dục của ông ngay từ bé. Và Linh Đế cũng rất tin tưởng họ, bởi ông cho rằng hoạn quan là người cứu mình khỏi trở thành Hoàng đế bù nhìn của ngoại thích Đậu Vũ. Thật ra nếu so sánh với tiên đế Lưu Chí và hậu đế Lưu Biện, Lưu Hiệp, chúng ta có thể thấy Hán Linh Đế là người có nhiều quyền lực nhất, nhờ có các hoạn quan của mình. Nói vậy là để mọi người biết việc nhà Hán sụp đổ là do hệ thống chính trị mục rỗng chứ không riêng gì Hoàng đế.

Nói về ngoại thích nắm giữ quyền lực, đối với Lưu Hoành mà nói, cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng đã khiến Hoàng đế vô cùng bất ngờ, vốn trước đây nghĩ Trung Hoa đang vô cùng yên ổn và chỉ lo sống hưởng thụ. Để đối phó với quân Khăn Vàng càng ngày càng tiến gần đến kinh thành, Hoàng đế đã thay mối nguy ngắn hạn bằng mối nguy dài hạn, bằng cách phong anh rể của mình là Hà Tiến làm Đại tướng quân, chỉ huy Ngự Lâm Quân và Ngũ Doanh để bảo vệ Lạc Dương.
Ban đầu thì việc này khá hợp lý, bởi Hà Tiến là người ít có thể phản bội ông nhất, và gia tộc Hà vốn nợ Hoàng đế rất nhiều ân tình. Do cha của Hà Tiến vốn chỉ là dân thường, kiếm sống bằng nghề bán thịt, mẹ ông mất sớm nên cha tái hôn và sau đó sinh 1 người con trai 1 người gái, sau này là Hà Hoàng hậu. Mặc dù Hà Tiến và Hà Hoàng hậu chỉ là anh em cùng cha khác mẹ, nhưng do cha họ mất sớm nên Hà Tiến phải đi làm từ nhỏ để nuôi em mình, 2 người trở nên vô cùng thân thiết. Từ dân thường và được lên làm Đại tướng quân và Hoàng hậu, tất nhiên nhà Hà rất mang ơn cứu giúp của Hoàng đế. Lưu Hoành và Hà Hoàng hậu cũng có người con cả là Lưu Biện, nên họ cũng không cần phải lo về chuyện nối ngôi nữa.
Nhưng Lưu Hoành có 1 người con khác là Lưu Hiệp, nhỏ hơn Lưu Biện 5 tuổi, lại được Hoàng đế yêu thích hơn, do vốn có tố chất thông minh từ nhỏ. Hán Linh Đế muốn bí mật muốn đi ngược lại với truyền thống, và cho Lưu Hiệp lên làm Hoàng đế sau này. Có thể thấy vì sao để Hà Tiến là Đại tướng quân có thể là mối nguy cho Hoàng đế sau này. Ban đầu, mọi người có thể nghĩ đây là xung đột giữa Hoàng đế và gia tộc Hà, đứng đầu Hà Hoàng hậu và Hà Tiến. Trong thực tế, cả 3 nhân vật này đều đại diện cho 3 phe phái khác nhau, bởi Hà Hoàng hậu cũng là một nhân vật vô cùng quyền lực và đã xây dựng một liên minh với các hoạn quan, những người anh trai bà muốn tiêu diệt.
Như vậy về vấn đề ai sẽ nối ngôi, Hà Tiến và Hà Hoàng hậu đều cùng phe với nhau, nhưng đối với những vấn đề khác như quyền lực của hoạn quan và sự kiện “Đảng cố chi hoạ” đã nói trong phần 3, Hà Hoàng hậu và Hoàng đế lại có chung ý kiến với nhau, trong khi Hà Tiến là một người giữ chức vị cao trong triều lại liên minh với các sĩ nhân và các quý tộc như Tào Tháo và Viên Thiệu.
Tuy nhiên, có thể thấy dù là vấn đề nào đi nữa thì Lưu Hoành và Hà Tiến đều đối lập với nhau, và vì Hoàng đế không thể phế truất Hà Tiến khỏi chức Đại tướng quân mà không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ông và Hà Hoàng hậu, Linh Đế phải nghĩ ra cách khác để làm giảm binh quyền của Hà Tiến. Vì vậy vào tháng 8 năm 188, ông hạ lệnh thành lập một đội quân cho riêng mình, đứng đầu là “Tây Viên Bát Hiệu uý” (西园八校尉), lấy cớ là để là dẹp yên các cuộc nổi loạn diễn ra liên tục như ở Lương Châu và U Châu, nhưng thực tế Lưu Hoành bí mật muốn đội quân này làm suy yếu, thậm chí giết luôn Hà Tiến và đảm bảo Lưu Hiệp sẽ lên ngôi sau khi ông mất.
Như cái tên đã nói, Lưu Hoành chọn ra 8 tướng lĩnh chỉ huy đội quân, và để Hà Tiến không phải nghi ngờ, Linh Đế đồng thời cũng đưa một số sĩ nhân và quý tộc thân thích với ông lên làm chỉ huy, sau đây là danh sách các hiệu uý từ cấp cao xuống thấp:
1/ Kiển Thạc (蹇碩), Thượng quân Hiệu uý (上軍校尉)
2/ Viên Thiệu (袁紹), Trung quân Hiệu uý (中軍校尉)
3/ Bào Hồng (鮑鴻), Hạ quân Hiệu uý (下軍校尉)
4/ Tào Tháo (曹操), Điển quân Hiệu uý (典軍校尉)
5/ Triệu Dung (趙融), Trợ quân Tả Hiệu uý (助軍左校尉)
6/ Phùng Phương (馮芳), Trợ quân Hữu hiệu uý (助軍右校尉)
7/ Hạ Mâu (夏牟), Hữu quân Hiệu uý (右軍校尉)
8/ Thuần Vu Quỳnh (淳于琼), Tả quân Hiệu uý (左軍校尉)
Ngay lập, chúng ta thấy 2 nhân vật quen thuộc là Viên Thiệu và Tào Tháo giữ vị trí số 2 và 4 trong đội quân. Nhưng nhân vật đáng chú ý hơn là người đứng đầu đội quân này, tức Kiển Thạc, bởi ông là 1 hoạn quan, mặc dù không nằm trong số “Thập thường thị” (十常侍), thực chất gồm 13 hoạn quan cấp cao, nhưng ông cũng là một hoạn quan trẻ, cực kỳ trung thành với Hoàng đế, và Hán Linh Đế đã giao trách nhiệm cho ông đưa Lưu Hiệp lên ngôi. Một người đáng chú ý nữa là Phùng Phương, cha của Phùng Phu nhân, vợ Viên Thuật, nên cũng có thể coi là người nhà của Viên gia, cho thấy Hoàng đế đã chọn lựa rất kỹ để tránh Hà Tiến nghi ngờ, đồng thời cũng đưa người ông tin tưởng nhất lên đứng đầu.
Trước khi tiếp tục thì chúng ta cần phải giới thiệu chút về Viên Thiệu, người rất ít xuất hiện trong loạt bài này, mặc dù chúng ta đã nói rất nhiều về gia tộc “Tứ thế Tam công” quyền lực nhà họ Viên, đó là bởi vì trong khoản thời gian này, Viên Thiệu chỉ là một người dân thường, do ông không muốn làm quan lớn trong khi các hoạn quan đang nắm giữ quyền lực sau 2 cuộc “Đảng cố chi hoạ.”
Do đó, Viên Thiệu đã tránh khỏi toàn bộ sự hỗn loạn trong triều đình bằng cách lợi dụng cái chết của mẹ mình nhằm đi để tang mẹ trong 3 năm, mặc dù ngày nay nghe có vẻ khá lạ, để tang lâu như vậy là một truyền thống quan trọng trong nho giáo, vốn coi trọng sự hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ. Đây là một cái cớ hoàn hảo để tránh khỏi chốn quan trường khắc nghiệt, trong khi cho thấy mình là một người con hiếu thảo trong mắt của các nho sĩ, sau này sẽ có lợi khi trở lại làm quan.
Như vậy là Viên Thiệu để tang mẹ mình 3 năm trong khi nghe ngóng tình hình cuộc “Đảng cố chi hoạ,” sau khi biết được phe hoạn quan lại chiến thắng trước sĩ nhân, ông lại xin triều đình cho mình để tang cha thêm 3 năm nữa, do lúc cha ông mất, ông chưa kịp có thời gian để tang cha mình, giờ Viên Thiệu muốn nhân cơ hội để tang cha thêm 3 năm.
Đó là lý do vì sao Viên Thiệu lại ít được nhắc tới trong loạt bài này, bởi ông bỏ ra 6 năm ở nhà tránh khỏi chốn quan trường để chịu tang cho cha mẹ. Chính điều này khiến cho danh tiếng của Viên Thiệu ngày càng vang xa, bởi ông được giới nho sĩ coi là một tấm gương hiếu thảo đáng học tập, khiến nhiều nho sĩ đã bỏ công đến để thăm ông. Nhưng đây thực chất là một cái cớ để các nho sĩ đến gặp Viên Thiệu, họp bàn và thành lập một liên minh bí mật trả thù hoạn quan, bao gồm những người như Tào Tháo, Trương Mạc, Điền Phong, Thư Thụ,...
Tất nhiên các hoạn quan không có ngu, họ biết các nho sĩ liên tục đến thăm nhà Viên Thiệu này không chỉ là để học tập tính hiếu thảo của ông. Và họ muốn dừng Viên Thiệu lại, nhưng nhà họ Viên lúc đó là một gia tộc vô cùng quyền lực, nên các hoạn quan cũng biết chừng mực và chỉ dám lịch sự đến xin chú của Viên Thiệu là Viên Ngỗi, lúc bấy giờ làm chức Thái phó, kiểm soát Viên Thiệu lại trước khi ông làm điều gì đó dại dột. Chỉ điều này thôi cũng có thể thấy Viên gia quyền lực như thế nào, do ngay cả Thập thường thị cũng lo ngại không dám đối đầu trực tiếp với Viên Thiệu.
Đây cũng là nhờ bước đi thông minh của Viên Thiệu, chịu tang cha mẹ giúp ông có được 3 lợi thế lớn. Thứ nhất, ông không thể bị bắt đi làm việc cho triều đình trong giai đoạn này, khiến cho các hoạn quan không thể nào làm khó ông như Lư Thực và Hoàng Phủ Tung được. Thứ hai, ông có thời gian và cái cớ để xây dựng đồng minh trong khi vẫn ở nhà chịu tang. Thứ ba, và quan trọng nhất, việc ông từ quan, ở nhà để tang cha mẹ trong 6 năm khiến cho ông trở nên nổi tiếng trong giới nho sĩ, càng được tôn trọng và khó làm hại hơn.
Nhưng cuối cùng, việc Lưu Hoành triệu ông vào cung cũng chấm dứt 6 năm chịu tang, và Viên Thiệu trở thành tướng lĩnh đứng thứ 2 trong đội quân Tây Viên của Hoàng đế, một phần cũng nhờ danh tiếng ông có được do để tang.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Hán Linh Đế cũng trở nên vô ích, vì vào tháng 5 năm 189, chỉ vài năm sau khi quân đội Tây Viên thành lập, Hoàng đế này đã lâm bệnh và băng hà ở tuổi 33, trước khi kịp phong Lưu Hiệp lên làm người kế vị. Vậy là theo lẽ tự nhiên, con cả Lưu Biện sẽ là người lên nối ngôi.
Nhưng đội quân Tây Viên vẫn còn đó, và Thượng quân Hiệu uý Kiển Thạc biết rõ Hán Linh Đế muốn gì, vậy là ông đến bàn bạc kế hoạch lập Hoàng đế mới với các hoạn quan cấp trên là Triệu Trung và Trương Nhượng, hai người đứng đầu Thập thường thị. Tuy nhiên họ không muốn thay Hoàng đế bởi Thập thường thị vốn là đồng minh của Hà Hoàng hậu, giờ trở thành Hà Thái hậu, nên họ khuyên ông nên án binh bất động.
Nhưng Kiển Thạc là người rất trung thành với Hán Linh Đế Lưu Hoành, và cho rằng mình phải làm theo kế hoạch của đã định. Việc này làm cho Thập thường thị vô cùng khó chịu, bởi họ thích tình hình hiện tại hơn, do đó Trương Nhượng quyết định phản bội Kiển Thạc và thông báo cho Hà Thái hậu về kế hoạch của Kiển Thạc. Ngay lập tức, Hà Tiến mang Ngự Lâm Quân đến giết chết Kiển Thạc trước khi ông kịp hành động
Lúc bấy giờ, đội quân riêng của Lưu Hoành lập ra để đưa Lưu Hiệp lên ngôi đã trở thành đội quân do Viên Thiệu chỉ huy, bởi cả Lưu Hoành và Kiển Thạc đều đã chết. Do Viên Thiệu là đồng minh của Hà Tiến, đương nhiên quân đội này cũng rơi vào tay Đại tướng quân Hà Tiến.
Có thể thấy, lúc này tại Lạc Dương, triều đình chia làm 2 phe phái chính, một bên là các hoạn quan và Hà Thái hậu; một bên là Hà Tiến, người nắm giữ binh quyền vô cùng lớn trong tay, Thái phó Viên Ngỗi, một nho sĩ có tiếng trong thiên hạ, và Trung quân Hiệu uý Viên Thiệu, người vừa nắm binh quyền vừa được các nho sĩ coi trọng, ông đồng thời cũng dùng quan hệ của mình với Hà Tiến và Viên Ngỗi để nhanh chóng nắm giữ quyền lực.
Vì vậy, Viên Thiệu khuyên Hà Tiến nên triệt để tiêu diệt hoạn quan, lúc họ không nắm giữ binh quyền trong tay. Nhưng vấn đề là bây giờ Hà Tiến lại chần chừ không quyết đoán, ở góc độ cá nhân, ông vốn ghét các hoạn quan cũng như bao gia tộc khác, nhưng dù sao họ cũng thông báo cho ông về kế hoạch đảo chính của Kiển Thạc và ủng hộ Lưu Biện lên làm Hoàng đế, đồng thời Hà Thái hậu cũng nhiều lần can dự, khuyên Hà Tiến không nên giết đồng minh của mình.
Thấy Hà Tiến không muốn động binh, Viên Thiệu bèn dùng kế khác, khuyên ông nên mời các xứ quân địa phương tập trung đến kinh thành Lạc Dương để tăng cường lực lượng. Nhưng thực tế, Viên Thiệu lại bí mật muốn dùng những đội quân này để đe doạ và ép Hà Tiến phải động binh.
Kế hoạch thành công do Hà Tiến cũng muốn tăng cường lực lượng trong quân đội mình và mời vô số các quân phiệt địa phương tới Lạc Dương. Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến Đổng Trác, vô cùng gian xảo khi mang rất nhiều binh lính hơn so với yêu cầu nhưng lại không gia nhập doanh trại của Hà Tiến như những người khác, tại thời điểm này, Đổng Trác đã bị triều đình “thất sủng” do những thất bại trong cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng và Khởi nghĩa Lương Châu, do đó ông chỉ cẩn trọng ngồi chờ cơ hội để tiến công.
Và với lực lượng quân phiệt địa phương ngày càng tụ tập đông hơn bao vây kinh thành, các hoạn quan biết chuyện gì đang diễn ra, vì vậy họ phải hành động thật nhanh trước khi Hà Tiến đổi ý và đánh vào cung. Do đó Thập thường thị xin Hà Thái hậu triệu Hà Tiến vào cung để thương lượng, nhưng lại bí mật muốn giết Hà Tiến mà không nói cho Thái hậu biết. Hà Tiến vốn chủ oan do lực lượng và binh quyền của ông ngày càng lớn mạnh, lại không nghĩ việc triệu tập của chính em gái mình sẽ làm hại gì, nên đồng ý.
Hà Tiến vào cung mặc cho lời can ngăn của Tào Tháo và Viên Thiệu, họ đành mang quân đội hộ tống ông đến trước cổng thành, khi đến đó, lính gác chỉ cho phép Hà Tiến vào cung, do nhiều người như vậy vào gặp Hà Thái hậu thì không tiện. Ngay khi Hà Tiến bước vào cung một mình, các hoạn quan không thương lượng gì mà chém luôn Hà Tiến.
Chờ đợi bên ngoài quá lâu, Tào Tháo và Viên Thiệu bắt đầu trở nên lo lắng, khi họ hét vào trong thành hỏi Hà Tiến thế nào rồi, lính gác chỉ đơn giản ném thủ cấp của Hà Tiến ra ngoài thành và nói Đại tướng quân đã cố ám sát tân Hoàng đế và bị giết ngay tại chỗ.
Biết rằng các hoạn quan đứng sau việc này, Tào Tháo và Viên Thiệu lập tức hạ cho quân đội ập vào trong kinh thành, giết hết tất cả hoạn quan họ có thể tìm được. Thấy rằng Tào Tháo và Viên Thiệu đã trở nên điên tiết, Triệu Trung và Trương Nhượng đã bắt Hoàng đế chạy trốn khỏi kinh thành, chỉ để bị đội quân của Đổng Trác bắt giữ.
Và với việc kinh thành rơi vào hỗn loạn do hành động trả thù của Viên Thiệu và Tào Tháo, Ngự Lâm Quân và Ngũ Doanh trước đây dưới quyền Hà Tiến giờ không còn lãnh đạo, tôn Đổng Trác lên làm chỉ huy. Ông vào kinh thành với tư cách là người giải cứu Hoàng đế.
Mặc dù nhà Hán trên lý thuyết vẫn chưa sụp đổ cho đến tận năm 220, khi Tào Phi ép Hán Hiến Đế Lưu Hiệp nhường ngôi. Chúng ta cũng biết ngay từ giây phút thủ cấp của Hà Tiến bay ra khỏi kinh thành và Đổng Trác đưa quân vào Lạc Dương và kiểm soát Hoàng đế, kết cục của nhà Hán đã định sẵn.

Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia