Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 3)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 4)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 5)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 6)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 7)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 8)
Trong phần trước, chúng ta đã nói tới việc Trương Giác và quân Khăn Vàng chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghĩa. Và như chúng ta đã nói, năm 183 là năm xảy ra rất nhiều thiên tai, nạn đói, hạn hán, động đất,... việc này được những người theo Thái bình đạo coi là dấu hiệu của sự sụp đổ của nhà Hán. Nhiều người dân ra đường vẽ từ “Giáp Tí” lên các lên nhà của các quan chức triều Hán (kiểu Graffiti ngày nay ấy).

Trong khi đó, Trương Giác cũng gọi Mã Nguyên Nghĩa cùng với 10,000 quân lính ông huấn luyện từ phía nam bí mật lên Nghiệp Thành để hợp binh đánh vào Lạc Dương vào ngày 5 tháng 3 năm 184. Trương Giác chọn Nghiệp Thành làm tiền tuyến chính bởi các lí do: thứ nhất, triều đình ít canh giữ và theo dõi khu vực này hơn so với kinh thành Lạc Dương; thứ hai, Nghiệp Thành nằm ở vị trí chiến lược, là cửa ngõ từ Lạc Dương lên phía bắc Trung Hoa, ở phía Đông Nam có sông Hoàng Hà, phía Tây Bắc có dãy Thái Hành Sơn làm rào chắn, dễ thủ khó công; thứ ba, căn cứ chính của Trương Giác ở Cự Lộc nằm ở phía bắc, cách Nghiệp Thành không xa, do đó nắm giữ khu vực này còn để giữ an toàn cho họ sau cuộc khởi binh.
Sau khi Mã Nguyên Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ ở Nghiệp Thành, ông đến Lạc Dương để lãnh đạo các đồ đệ Thái bình đạo khởi nghĩa vào ngày 5 tháng 3. Nhưng vào ngày 15 tháng 2, gần 3 tuần trước cuộc nghĩa, Đường Châu, chịu trách nhiệm cho việc mua chuộc các quan chức nhà Hán, phản bội Trương Giác không rõ lý do và báo cáo kế hoạch của quân Khăn Vàng cho triều đình. Ngay lập tức, Hoàng đế cho đóng tất cả cổng thành, phong Hà Tiến, anh trai của Hoàng hậu Hà, làm Đại tướng quân để bảo vệ Lạc Dương. Hà Tiến hạ lệnh bắt giữ Mã Nguyên Nghĩa, sau đó ngũ mã phanh thây ông. Không lâu sau đó, hơn 1,000 thành viên Thái bình đạo trong kinh thành bao gồm cả một số quan chức cũng bị bắt giữ và xử trảm. Triều đình cũng gửi lệnh truy nã đến Cự Lộc để bắt giữ Trương Giác và các đồ đệ của ông.
Ngay khi Trương Giác nghe tin, ông cho người thông báo mở cuộc khởi nghĩa ngay lập tức. Quân Khăn Vàng khắp 8 châu nhanh chóng nổi dậy khiến chính quyền địa phương hoàn toàn bất ngờ, bởi họ có rất ít binh lính và không hề chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lớn như vậy.
Trước khi tiếp tục, chúng ta phải nói chút về khăn vàng và tại sao quân khởi nghĩa lại đeo chúng. Có rất nhiều lý do cho việc này, nhưng lý do hiển nhiên nhất là vì nó rẻ. Mũ thời này chỉ dành cho các tầng lớp quý tộc, và tất nhiên ai cũng muốn đội nón sắt để giữ an toàn cho mình, phần lớn những người theo khởi nghĩa là những nông dân chân lấm tay bùn, đào đâu mà có mũ sắt được? Và để cuộc khởi nghĩa trông có tổ chức hơn, họ phải chọn cùng một màu khăn. Nhưng tại sao lại là màu vàng? Bởi vì theo những người thuộc Thái bình đạo, nhà Hán tượng trưng cho nguyên tố “hoả” trong ngũ hành, và nguyên tố theo sau “hoả” đó là “thổ,” bởi sau khi lửa cháy hết, toàn bộ chỉ còn lại tro và đất, nghĩa là “hoả sinh thổ,” và màu tượng trưng cho “thổ” là màu vàng. Như vậy, quân khởi nghĩa là hy vọng mình sẽ thay thế nhà Hán.
Quay lại với câu chuyện, khi quân Khăn Vàng nổi lên tấn công khắp nơi, họ đã vô cùng thành công. Ngay phía nam kinh thành, quân khởi nghĩa do Trương Mạn Thành chỉ huy chiếm được Uyển Thành, và chém luôn Thái thú Nam Dương. Ở Dĩnh Xuyên, đội quân do đầu tiên do triều đình phái tới chỉ huy bởi Chu Tuấn bị quân Khăn Vàng của Ba Tài đánh bại và bao vây. Ở Nhữ Nam, quân khởi nghĩa do Bành Thoát chỉ huy cũng giành thắng lợi, khiến người dân khắp Dương Châu hưởng ứng và đốt phá các trụ sở cai trị của nhà Hán.
Việc ba khu vực phía nam và tây Lạc Dương đều rơi vào tay quân Khăn Vàng khiến Hán Linh Đế Lưu Hoành vô cùng lo lắng, bởi mối đe doạ lớn nhất của nhà Hán là đến từ phía bắc, nơi lực lượng của Trương Giác, Trương Bảo và Trương Lương liên tục đánh phá. Trong khi các thổ phỉ như băng đảng Hắc Sơn và Bạch Ba cũng đứng lên tham gia nghĩa quân Khăn Vàng.
Xa hơn ở phía tây, phái Thiên sư Đạo của Đạo giáo do Trương Tu lãnh đạo cũng gia nhập quân Khăn Vàng, và đưa quân đánh phá Ích Châu. Còn ở phía đông, các vùng như Đông Quận và Bắc Hải cũng bị quân Khăn Vàng liên tục bao vây.
Do sự lớn mạnh không ngờ tới của quân Khăn Vàng, Hoàng đế đã làm một điều không tưởng, khi ông mở kho bạc cá nhân và dùng số tiền mình kiếm được qua mua việc quan bán chức để xây dựng quân đội (ổng sẽ tìm cách kiếm tiền lại, yên tâm 🐧). Ông cử Lư Thực đưa quân lên phía bắc, Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn đưa quân xuống phía nam để đánh giặc. Hoàng đế còn tha cho sĩ nhân bị hại trong cuộc “Đảng Cố Chi Hoạ,” đã nói trong phần 3, để phụ việc dẹp loạn, và hạ lệnh cho phép chính quyền địa phương xây dựng lực lượng dân quân riêng để chống giặc Khăn Vàng.
Chi tiết các trận đánh sau đó và việc quân nhà Hán đánh bại cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng thế nào sẽ được nói đến trong phần sau.

Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia