Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 3)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 4)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 5)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 6)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 7)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 8)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 9)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 10)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 11)
Trong phần trước chúng ta đã tóm tắt giai đoạn đầu cuộc Khởi nghĩa Lương Châu cho đến khi Mã Đằng tham gia nghĩa quân. Nhưng để hiểu rõ hơn, chúng ta phải quay ngược thời gian một chút về năm 185, khi triều đình nhà Hán lần đầu phản ứng với cuộc khởi nghĩa.
Lúc bấy giờ, Biện Chương là chỉ huy nghĩa quân, và cuộc tấn công ông vào thủ phủ Hán Dương bắt đầu làm cho Hoàng đế lo lắng, vì nếu Hán Dương rơi vào tay quân nổi loạn thì mục tiêu tiếp theo rất có thể là Trường An, cố đô thời Tây Hán. Vì vậy vào tháng 3 năm 185, Hán Linh Đế hạ lệnh cho Hoàng Phủ Tung đem quân đến trấn thủ Trường An, phòng trường hợp quân khởi nghĩa tràn chiếm được Hán Dương mở đường tấn công Trường An.
Tuy nhiên, Hoàng Phủ Tung lại không có đất dụng võ. Bởi như phần trước đã nói, Cái Huân (phần trước mình nhầm là Hạp Huân) đã bảo vệ thành công được Hán Dương và buộc Biện Chương phải đưa quân tấn công nơi khác. Và vào tháng 7 cùng năm đó, một “chuyến thăm” từ hoạn quan khiến Hoàng Phủ Tung bị giáng chức giống như Lư Thực trước kia, bởi Hoàng Phủ Tung cũng là sĩ nhân ngay thẳng và từ chối đưa tiền đút lót cho hoạn quan.
Vì vậy vào tháng 8 năm 185, với việc Hoàng Phủ Tung bị sa thải và nghĩa quân dần chuyển hướng tiến công lên phía bắc thay vì đánh vào Trường An, các đại thần trong triều bắt đầu tranh cãi với nhau nên làm gì tiếp theo. Một bên đứng đầu là tân Tư đồ Thôi Liệt cho rằng chính sách tốt nhất cho Trung Hoa hiện tại là rút toàn bộ quân đội và bỏ Lương Châu, bởi đất nước hiện tại còn đang rất yếu do hậu quả của cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng chưa đầy 1 năm trước.
Trước khi tiếp tục thì chúng ta hãy nói chút về Thôi Liệt, bởi đây là một nhân vật rất thú vị, ông trước đây từng giữ một chức vị trong Cửu khanh, nhưng lại muốn thăng chức lên làm Tam công. Và trong lần đầu tiến cử Thái uý, một trong ba chức thuộc Tam công, cha của Tào Tháo là Tào Tung đã chiến thắng trước Thôi Liệt bằng cách trả gấp 3 lần giá mua chức gốc. Và nếu mọi người còn nhớ trong phần 5, Tào Tung thực chất còn không muốn giữ chức quan này, mà chỉ mua với giá trên trời rồi vài tháng sau từ quan để Hoàng đế bán tiếp, mục đích là để lấy lòng Hán Linh Đế vì kho bạc tư của Linh Đế đã gần như trống rỗng sau cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng. Vì bước đi này, Tào Tung lọt vào mắt xanh của Hoàng đế, và được ban thưởng hậu hĩnh, sau đó cho về hưu xuống vùng phía nam an nhàn, tránh xa khỏi loạn lạc ở kinh thành.
Về phần Thôi Liệt, phải nói là ông không phải một quan chức tệ, vì cũng tự bản thân lên tới Cửu khanh rồi, và nếu hệ thống chính trị nhà Hán trong sạch một chút, rất có thể ông đã dùng tài năng mình lên được tới chức Tam công. Nhưng vì Lưu Hoành có vẻ đang kinh doanh chứ không phải trị nước, Thôi Liệt tranh giành với các quan chức tham nhũng như Tào Tung được. Vì vậy sau khi để lỡ mất cơ hội lần thứ nhất, Thôi Liệt cho rằng lần này mình phải thông minh hơn, ông dùng quan hệ của mình với nhũ mẫu của Linh Đế để xin Lưu Hoành giảm giá 50%, bởi ông không có đủ tiền để trả cho cái giá 10 triệu ngũ thù cho chức Tư đồ. Hoàng đế cuối cùng cũng chịu đồng ý, nhưng không hài lòng với sự “keo kiệt” của Thôi Liệt. Phe sĩ nhân trước giờ coi trọng tài năng của ông cũng trở nên thất vọng, coi ông giờ là quan chức tham nhũng, ngay cả con ông là cũng gọi ông là “đồng xú” (銅臭) từ để chỉ những vị quan tham nhũng.
Vì vậy khi Thôi Liệt nói muốn rút quân khỏi Lương Châu, rất nhiều sĩ nhân, bao gồm cả Nghị lang Phụ Nhiếp, đều phản đối, họ cho rằng nhà Hán đã bỏ quá nhiều mồ hôi và xương máu trong 400 năm qua chỉ để có được khu vực này, không thể nói bỏ là bỏ. Công bằng mà nói thì kinh tế nhà Hán lúc đó đã kiệt quệ vì cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng, và vì thời điểm này lại gần mua thu hoạch, huy động thêm 1 đội quân nữa sẽ ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp của nhà Hán.
Mặc dù vậy, phe sĩ nhân chiến thắng cuộc tranh luận, và triều đình ngay lập tức hạ lệnh huy động một đội quân mới tiến vào dẹp loạn Lương Châu. Hoàng đế phong Trương Ôn làm Xa kỵ Tướng quân chỉ huy đội quân, dưới trướng là Phá kỵ Tướng quân Đổng Trác và Đãng khấu Tướng quân Chu Thận. Tham gia đội quân này gồm cả Tôn Kiên, lúc bấy giò là tướng dưới quyền Chu Thận, nhưng chức vụ nhỏ không kể, mặc dù có đưa ra một số chiến lược hay nhưng đều bị cấp trên bác bỏ.
Quân Hán ngay lập tức mở nhiều chiến dịch tấn công nhưng thường hoà hoặc thua Biện Chương, do ông quen thuộc với địa hình ở đây hơn. Nhưng vào tháng 11, một ngôi sao băng bay qua trại lính của người Khương, khiến tộc người này hoảng sợ, họ tin rằng đây là dấu hiệu của các vị thần đang tức giận với họ. Đổng Trác là người sinh ra, lớn lên và kết thân với tộc Khương biết rằng họ sợ hiện tượng này, bèn khuyên Trương Ôn phản công.
Đội quân nhà Hán chiến thắng được vài trận khiến nghĩa quân bỏ chạy thì Trương Ôn trở nên chủ quan và chia quân theo 6 hướng đuổi theo nhằm diệt sạch quân nổi loạn. Cả 6 đạo quân đều thất bại, chỉ có duy nhất đạo quân của Đổng Trác là rút lui thành công và bảo toàn được lực lượng, còn 5 đạo quân kia hoàn toàn bị tiêu diệt. Nên trong khi tất cả chỉ huy đều bị trị tội, Đổng Trác là người chịu tội nhẹ nhất. Với thất bại này, quân đội Hán rơi vào kiệt quệ và không thể tiến vào Lương Châu trong một thời gian dài.
Nhưng về phía quân khởi nghĩa ở Lương Châu cũng có một số sự kiện thú vị diễn ra, khi Biện Chương lâm bệnh và qua đời vào năm 187, mở ra một cuộc nội chiến giành quyền kiểm soát nghĩa quân giữa Bắc Cung Bá Ngọc và Lý Văn Hầu. Hàn Toại nhân cơ hội đảo chính và giết luôn cả 2 người.
Sau khi giành kiểm soát nghĩa quân, giờ đã lên tới 100,000 người, Hàn Toại tiếp tục lên kế hoạch mở một cuộc tấn công mới vào Hán Dương. Lần này, Hán Dương được trấn thủ bởi Thứ sử Lương Châu Cảnh Bỉ và Thái thú Hán Dương Phụ Nhiếp, được triệu đến Lương Châu sau khi tranh luận thắng Thôi Liệt tại triều đình, dưới trướng họ là 2 tướng quân tên Mã Đằng và Vương Quốc.
Ban đầu, vào tháng 4 năm 187, tân Thứ sử Cảnh Bỉ ra sức tập hợp tàn dư lực lượng quân Hán bằng cách viết thư xin 6 thái thú tại Lương Châu đem quân đi đánh Hàn Toại, vì ông nghĩ nghĩa quân đang suy yếu sau cuộc nội chiến. Nhưng thật chất nghĩa quân vẫn còn đang rất mạnh với quân số áp đảo. Và có tới 2 thái thú đào ngũ và đem quân gia nhập khởi nghĩa ngay lập tức để bảo vệ mạng sống thay vì phải chiến đấu cùng Cảnh Bỉ. Về phần Cảnh Bỉ, ông cũng bị giết bởi người của mình do Vương Quốc dẫn đầu, giờ cũng chọn gia nhập nghĩa quân để bảo vệ mạng sống của mình.
Tại thời điểm này, Lương Châu về cơ bản đã vượt quá tầm kiểm soát của nhà Hán. Bởi quân đội Hàn Toại không chỉ ngày một lớn mạnh, mà ông còn kiểm soát phần lớn địa bàn tại Lương Châu. Tệ hơn nữa, khi Vương Quốc quyết định đào ngủ và giết Cảnh Bỉ, lực lượng đào ngũ người Hán cũng rơi vào tay ông. Vương Quốc dùng lực lượng này để bao vây tàn dư của quân Phụ Nhiếp, hiện tại vẫn cố thủ tại Hán Dương, lúc này, Mã Đằng cùng các tướng quân khác cũng thấy không còn lý do gì để tiếp tục tử thủ, quyết định gia nhập nghĩa quân và giết luôn Phụ Nhiếp. Lương Châu lúc này chính thức rơi vào tay quân khởi nghĩa.
Lúc bấy giờ có 2 phe phái chính trong nghĩa quân, thứ nhất là quân người Hán đào ngũ tham gia khởi nghĩa, đứng đầu là Vương Quốc và Mã Đằng; thứ hai là tộc người Khương tham gia nghĩa quân, đứng đấu là Hàn Toại (nhưng bản thân ông lại là người Hán). Hai phe phái này quyết định liên minh lực lượng với nhau và tôn Vương Quốc lên làm chỉ huy.
Và nghĩa quân này, giờ do Vương Quốc chỉ huy, bắt đầu tấn công các vùng nằm ngoài Lương Châu. Do vậy, lần đầu tiên kể từ lần thất bại của Trương Ôn, nhà Hán cho xây dựng một đội quân nữa vì giờ quân khởi nghĩa đang đe doạ đến Trường An. Hán Linh Đế buộc phải dùng lại Hoàng Phủ Tung và Đổng Trác, cho mỗi người chỉ huy 2 vạn quân trấn giữ Trường An.
Mặc dù có sự khác biệt giữa chiến lược của Hoàng Phủ Tung và Đổng Trác, Hoàng Phủ Tung vẫn là cấp trên của Đổng Trác nên có thể buộc quân đội sử dụng chiến lược của mình. Cho dù đánh đuổi được quân khởi nghĩa và bảo vệ được Trường An, mối quan hệ giữa Hoàng Phủ Tung và Đổng Trác dần trở rạn nứt, và sẽ ảnh hưởng tới một số sự kiện sau đó khi Đổng Trác nắm quyền triều chính.
Nhưng đối với quân khởi nghĩa, thất bại của Vương Quốc khiến ông phải rút toàn bộ quân đội về lại Lương Châu. Thất bại này cũng dẫn tới một số vấn đề khác, vì Vương Quốc giờ bị coi là chỉ huy yếu kém và không xứng đáng lãnh đạo nghĩa quân, nên nội chiến diễn ra. Và vào cuối năm 189, nghĩa quân chia làm 3 phe phái chính, do Mã Đằng, Hàn Toại và Tống Kiến lãnh đạo.
Trong khi quân Hán thành công bảo vệ được Trường An, họ không thể tiến sâu vào Lương Châu để tiêu diệt hoàn toàn nghĩa quân, bởi vì Hán Linh Đế băng hà vào cùng năm đó, và một chuỗi các sự kiện chính trị tại Lạc Dương một lần nữa đẩy đất nước rơi vào đại loạn. Và như mọi người đã biết, nhờ vào sự hỗn loạn đó, Đổng Trác nắm quyền và dời đô từ Lạc Dương về Trường An do bị liên quân của Viện Thiệu đuổi đánh.
Việc dời đô này có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc Khởi nghĩa Lương Châu, bởi giờ đây nó không còn là cuộc nổi loạn ở biên cương nữa, mà Đổng Trác và quân đội của mình giờ đã tập trung ở Trường An, nằm sát ngay Lương Châu. Nghĩa quân biết rõ điều đó, Mã Đằng và Hàn Toại cũng biết mình trước đây vốn là sĩ quan trong quân đội nhà Hán, có thể đầu hàng và quy phục Đổng Trác vốn đang cần đồng minh, nên họ quyết định làm vậy và được Đổng Trác phong làm quan. Nhưng Tống Kiến không thích làm việc cho triều đình, quyết định đưa quân đội về phía tây vào đất của người Khương và thành lập một vương quốc nhỏ ở đây trong vòng 30 năm, bởi cả 3 nước thời Tam quốc không quan tâm đến sự tồn tại của vương quốc nhỏ bé này.
Đây có lẽ là sự kiện cuối cùng của Khởi nghĩa Lương Châu, trở lại với phần sau, cũng là phần cuối cùng trong loạt bài này để chúng ta nói về những năm cuối đời của Hán Linh Đế và trò chơi vương quyền diễn ra tại kinh thành khi Hoàng đế này băng hà đã mở đường cho Đổng Trác nắm quyền như thế nào nhé.
Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia