FiinRatings – đối tác chiến lược của S&P Global – hân hạnh công bố báo cáo "Tâm điểm Trái phiếu tháng 6/2025”, phân tích diễn biến thị trường và xu hướng phát hành nổi bật trong nửa đầu năm. Trong đó, trái phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường với tỷ trọng tăng mạnh, phản ánh nhu cầu tăng vốn cấp 2 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao và lãi suất duy trì ở mức thấp.

13420972912770700-bia-bond-t6-5731-1752486449.png
 

Những điểm nhấn nổi bật:

Yếu tố Vĩ mô Chính Tác động:

  • Tín dụng tăng trưởng cao và khoảng cách gia tăng với tăng trưởng tiền gửi làm cho hoạt động phát hành trái phiếu của NHTM tiếp tục sôi động. Tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 9,9% và tăng mạnh tăng trưởng huy động tiền gửi làm tăng nhu cầu tăng vốn cấp 2 của các NHTM nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn. Đồng thời, kênh vốn TPDN cũng hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
  • Huy động vốn nợ hoặc trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó khăn do Fed Fund Rate vẫn neo ở mức cao và tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng bất chấp xu hướng điều chỉnh giảm của USD

Quy định Pháp lý mới:

  • Yêu cầu mới về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ được kỳ vọng tăng chất lượng hàng hóa trái phiếu: Luật Doanh nghiệp Sửa đổi (2025) đi vào hiệu lực từ 1/7/2025 đã yêu cầu Hệ số nợ/ Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả giá trị lô trái phiếu dự kiến phát hành) phải không được cao hơn 5 lần khi một doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ. Quy định pháp lý mới này sẽ hạn chế các tổ chức phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp hoặc công ty dự án có mức đòn bảy tài chính quá cao.
  • Quy định này cũng sẽ giúp một số trường hợp sẽ dịch chuyển sang kênh chào bán đại chúng.

Hoạt động Thị trường Sơ cấp:

  • Về quy mô phát hành: trong tháng 6 tiếp tục tăng mạnh để đạt 105,5 nghìn tỷ (+52,4% so với tháng trước), trong đó 100% là phát hành riêng lẻ. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị phát hành của thị trường đạt 248,6 nghìn tỷ (+71,2% so với cùng kỳ năm ngoái), với 76,3% giá trị phát hành đến từ tổ chức tín dụng. Như vậy, với tốc độ này thì năm nay tổng giá trị huy động qua kênh TPDN sẽ đạt trên nửa triệu tỷ - tức chỉ kém năm đỉnh cao 2021 với hơn 700 ngàn tỷ huy động qua kênh vốn này.
  • Về cơ cấu phát hành: TP ngân hàng chiếm phần lớn với 76,3% trong tổng giá trị phát hành nửa đầu năm 2025, tức 189,7 ngàn tỷ đồng. Bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao buộc các NHTM phải đẩy mạnh phát hành tăng vốn cấp 2 thông qua kênh trái phiếu này. Lý do là cho tăng trưởng huy động tiền gửi chậm lại một phần do chủ trương giữ lãi suất huy động thấp trong khi NHTM vẫn phải duy trì đảm bảo tỷ lệ LDR và Hệ số Sử dụng vốn Ngắn hạn cho Vay trung - dài hạn. Còn lại 23,7% giá trị huy động tức tương đương khoảng 58,9 ngàn tỷ đồng thì trái phiếu Bất động sản chiếm khoảng 67,3%, ở mức 39,6 ngàn tỷ đồng. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý giúp cho việc tiếp cận tín dụng và huy động qua kênh TPDN khả thi hơn. Đây có lẽ là dấu hiệu tích cực cho ngành BĐS, qua đó kiểm soát rủi ro nợ xấu của NHTM.
  • Về hình thức phát hành: Giá trị TPDN chào bán rộng rãi ra công chúng có sự tăng trưởng đáng kể với tổng giá trị đạt 27,9 ngàn tỷ, bằng hơn 76,8% tổng giá trị của cả năm 2024. Tuy nhiên, chỉ có NHTM và 02 CTCK lựa chọn kênh chào bán rộng rãi ra công chúng để phát hành.
  • Về lãi suất danh nghĩa: Lãi suất huy động (danh nghĩa - coupon) giảm đáng kể từ mức bình quân 7,43% về 6,69% (bình quân của tất cả các kỳ hạn và tất cả các loại trái phiếu). 64% giá trị trái phiếu được phát hành với cơ chế lãi suất cố định, 22% theo phương thức thả nổi (neo theo LSHĐ tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh) và còn lại là lãi suất kết hợp.
  • Về hoạt động mua lại: diễn ra sôi nổi đến từ các Tổ chức tín dụng và DN Bất động sản (gấp 1,2 lần so với tháng trước), giúp hoạt động mua lại trong 6 tháng tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm ước tính đạt 125,0 nghìn tỷ, gây áp lực lên khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán của TCPH.

Hoạt động Thị trường thứ cấp:

  • Về thanh khoản: Giao dịch thứ cấp cả tháng 6/2025 đạt gần 137,1 nghìn tỷ VND ở cả phát hành riêng lẻ và công chúng, giá trị giao dịch trung bình ngày tăng 13,4% so với tháng trước, ở mức 6,53 nghìn tỷ/ngày. Nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm đa số với gần 71% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Cả 6 tháng đầu năm 2025, thanh khoản đã sôi động trở lại, trong khi giá trị giao dịch của nhóm Ngân hàng không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhóm Bất động sản bật tăng 37.6% giá trị.
  • Về tỷ suất lợi tức giao dịch (YTM): YTM cơ bản là giao dịch trong phạm vi ổn định so với lãi suất danh nghĩa. Tuy nhiên, một số giao dịch trái phiếu có của các DN gặp khó khăn về tài chính và đã chậm trả trái phiếu nhiều năm thì có mức tỷ suất giao dịch lên tận 30-40%, 50-70%, 185% và cá biệt có giao dịch lên tới 519% cho kỳ hạn còn lại ngắn 6 tháng.
  • Về nợ xấu trái phiếu: Thị trường trong tháng 6 ghi nhận thêm 4,5 nghìn tỷ TPDN có vấn đề từ các doanh nghiệp, nâng tổng giá trị này lên 23 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm (-31,0% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, 45,8% giá trị TPDN có vấn đề đến từ nhóm ngành Bất động sản, 16,4% từ ngành Sản xuất, 8,7% từ ngành Xây dựng và 28,6% còn lại đến từ các lĩnh vực khác.

Tâm điểm về Tài chính Xanh:

  • Việt Nam có thị trường trái phiếu với mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 140 tỷ USD năm 2025, tuy nhiên, trái phiếu xanh chỉ chiếm dưới 1%. Để phát huy tiềm năng thị trường và công cụ huy động vốn xanh, bền vững với chi phí hấp dẫn cho doanh nghiệp hướng đến các dự án giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có giải pháp và sự phối hợp đa tầng, đa dạng công cụ, cụ thể hóa và minh bạch chính sách và triển khai ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư.
  • Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2025 về “Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh” sau một thời gian dài chờ đợi. Chúng tôi cho rằng quy định mới này sẽ mở đường cho làn sóng đầu tư bền vững  tại Việt Nam bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Chúng tôi sẽ có Báo cáo Bình luận chi tiết về tác động của quy định mới này. Quý vị có thể xem chi tiết tại đây.

Nếu Quý vị cần được tư vấn hoặc tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về báo cáo này hoặc về các dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ:

  • Email: support.fiinratings@fiingroup.vn
  • Điện thoại: (84-24) 3562 6962

Tải xuống báo cáo   

--------------------

FiinRatings