Mới đây đọc tin Sun Group tiếp tục “xuống tiền” đầu tư 2 khu đô thị mới ở TP Phủ Lý, Hà Nam với tổng vốn lên đến hơn 23.800 tỷ, thú thật là tôi vừa bất ngờ, vừa có chút băn khoăn.
Hai khu đô thị này nghe tên là Đông Phú Thứ và Tiên Hải, đều do công ty con của Sun Group làm chủ đầu tư. Đông Phú Thứ rộng hơn 166ha, đầu tư hơn 11.500 tỷ; còn Tiên Hải “khủng” hơn, hơn 234ha, gần 12.300 tỷ. Cả hai đều dự kiến hoàn thành vào năm 2032 , tức là tầm 7-8 năm tới.

Tiềm năng thì khỏi bàn.
Công nhận: Sun Group làm đô thị thì rất biết cách tạo điểm nhấn. Dự án nào cũng “xịn xò”, bài bản, và có tiếng vang, từ du lịch, nghỉ dưỡng đến bất động sản đô thị. Hai khu đô thị này cũng không ngoại lệ, với đầy đủ tiện ích từ nhà ở, biệt thự, nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, thể thao… nghe là thấy hấp dẫn rồi.
Dự kiến dân số lên đến hơn 13.000 người cả hai khu, tính ra không nhỏ chút nào. Nếu làm tới nơi tới chốn, hạ tầng tử tế, thì chắc chắn sẽ góp phần "lột xác" bộ mặt đô thị của Phủ Lý.
Cái đầu tiên khiến tôi hơi lo là: đất trồng lúa chiếm tỷ lệ cực cao trong quy hoạch, gần 72% ở Đông Phú Thứ, còn Tiên Hải là gần 76%. Có nghĩa là, để làm đô thị, một lượng đất nông nghiệp lớn sẽ bị chuyển đổi mục đích.
Tôi không phản đối việc phát triển, nhưng bài toán “đô thị hóa vs giữ đất nông nghiệp” vốn đã nóng, giờ càng nên được cân nhắc kỹ. Vì một khi lúa không còn chỗ mọc, thì an ninh lương thực có bị ảnh hưởng không? Ai bồi đắp lại cho những người nông dân mất đất canh tác?
Thứ hai, chuyện giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề nhức nhối mỗi khi có dự án lớn. Tổng cộng chi phí GPMB cả hai dự án hơn 1.100 tỷ đồng, tôi chỉ mong là quá trình đền bù, hỗ trợ tái định cư được làm minh bạch, hợp tình hợp lý, đừng để ai phải “ra đi” mà không biết sẽ đi đâu, về đâu.

Kỳ vọng, nhưng cũng cần thêm niềm tin.
Tôi không phủ nhận Sun Group có năng lực. Những dự án trước đó như Sun Grand, Sun Premier, Sun World... đều rất bài bản. Nhưng Hà Nam không phải Phú Quốc hay Hạ Long. Đây là nơi có nhịp sống rất khác, dân cư phần lớn vẫn còn sống bằng nông nghiệp.
Nên tôi kỳ vọng, ngoài việc xây những khu đô thị hiện đại, chủ đầu tư và chính quyền cũng cần quan tâm đến tính bền vững, tính công bằng, và lợi ích của cộng đồng địa phương – chứ không chỉ dừng lại ở những con số hoành tráng trên giấy.
Cuối cùng, tôi tin rằng: nếu làm tốt, minh bạch và lắng nghe người dân, thì cả Tiên Hải lẫn Đông Phú Thứ không chỉ là “dự án nghìn tỷ”, mà sẽ là bước ngoặt đô thị hóa văn minh, đúng nghĩa cho Phủ Lý và Hà Nam.