CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp – mã VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, hãng taxi này ghi nhận doanh thu tăng 64% so với cùng kỳ năm trước, đạt 247 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng các chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được công ty tiết giảm hợp lý. Nhờ vậy, Vinasun báo lãi sau thuế đạt 56,84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 66,62 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất tính theo quý kể từ 2017 đến nay.

Giải thích về nguyên nhân quý II/2022 có sự tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, phía Vinasun cho biết do các chính sách mà công ty đã và đang thực thi trong thời gian qua đã phát huy tác dụng. Tài xế đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh, 100% xe được đưa vào hoạt động (không còn xe nằm bãi), các chi phí được tiết giảm hợp lý.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty.

vinasun-1-1658825140.jfif
 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt doanh thu thuần 411 tỷ đồng và lãi 69 tỷ đồng. Mặc dù so với cùng kỳ hai chỉ tiêu này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn chưa bằng ½ kết quả kinh doanh một quý ở thời kỳ đỉnh cao (2013-2016) của hãng này.

Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu là 638 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 27 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2022, Vinasun đã hoàn thành được 65% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm nay.

Được biết, Vinasun đã trải qua 2 năm lỗ liên tiếp, cụ thể năm 2020, hãng taxi này ghi nhận lỗ 210 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận lỗ 277 tỷ đồng. Sau giai đoạn kinh doanh khó khăn, có thể thấy Vinasun bắt đầu tìm lại “ánh hào quang”.

Ở chiều ngược lại, sau giai đoạn “đốt tiền” khuyến mãi để thu hút khách hàng, vài tháng gần đây, nhiều hành khách có thói quen sử dụng xe công nghệ bắt đầu than phiền về tình trạng khó gọi xe. Ngoài ra, một số hãng xe công nghệ cũng bắt đầu thông báo áp dụng phụ phí.

Đơn cử như chính sách phụ phí nắng nóng của Grab, theo đó kể từ ngày 6/7/2022, tại Hà Nội và TP.HCM và một số địa phương khác, Grab sẽ thu thêm "phụ phí nắng nóng" 5.000 đồng với mỗi chuyến Grab Bike và mỗi đơn hàng Grab Food, Grab Mart và 3.000 đồng/đơn hàng với dịch vụ Grab Express. Mức phụ phí này sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.

Chính sách này của Grab đã vấp phải sự phải nhiều ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng bởi Grab không nêu rõ ràng tiêu chí, điều kiện thời tiết như thế nào để áp dụng phụ phí nắng nóng.

Trước thông tin trên, Cục Quản lý Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Grab trước ngày 18/7 phải phối hợp cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.

Đồng thời, Grab cũng phải cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay (căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe,…)