startup-duoc-quy-dau-tu-cua-jack-ma-rot-von-trieu-do-bat-tay-cung-bau-duc-ban-thit-heo-bapi-1-1668311473.jpg

Ngày 12-11 vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức bất ngờ tổ chức buổi Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Homefarm và Bapi HAGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng cho ra mắt kênh thương mại điện tử riêng của Bapi, nhằm đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm của công ty.

Về kênh thương mại điện tử, ông Đinh Văn Lộc - Tổng giám đốc Bapi HAGL chia sẻ rằng, đây là một giải pháp chiến lược với việc cho ra đời app Bapi. Khi đó khách hàng ngồi ở nhà vẫn có thể mua được những sản phẩm đặt biệt của công ty như: heo ăn chuối, gà đi bộ và sắp tới là thịt bò Mông. 

Đáng chú ý nhất là thương vụ hợp tác chiến lược với Homefarm để phân phối các sản phẩm của Bapi. Theo thông tin từ ông Lộc, dự kiến năm 2023 Bapi sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu con heo thịt/năm, bao gồm 50% heo hơi và 50% heo được giết mổ, 10 triệu con gà. Vì thế, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thêm nhà cung cấp để có thể phân phối hết số lượng thực phẩm lớn như vậy, và Homefarm là một thương hiệu phù hợp. 

Theo như kế hoạch vào hai tháng cuối năm 2022, sản phẩm của Bapi sẽ lên kệ ở 80 - 100 cửa hàng Homefarm tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía chuỗi thương hiệu phân phối thực phẩm này, ông Trần Văn Trường - CEO của Homefarm kỳ vọng rằng, các sản phẩm của Bapi HAGL sẽ đóng góp 20% - 30% vào tổng doanh thu của hệ thống, trong đó nhiều nhất là thịt heo ăn chuối. Và thương vụ hợp tác này là một yếu tố quan trọng giúp cho Homefarm đạt được mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2025, và tiếp cận được 5 triệu khách hàng. Sau hàng loạt sự kiện nổi bật kể từ khi ra mắt thịt heo ăn chuối, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai liên tục đưa ra các kế hoạch bao gồm: mở 1.000 cửa hàng, hợp tác với chuỗi siêu thị Fresh Market, ra mắt trang thương mại điện tử,...Đặc biệt là đặt niềm tin vào Homefarm - chuỗi hệ thống phân phối thực phẩm chỉ mới 8 năm tuổi, nhưng đã có hơn 200 cửa hàng.

Startup Homefarm - Nhận hàng chục triệu USD đầu tư để xây dựng 1.000 cửa hàng

startup-duoc-quy-dau-tu-cua-jack-ma-rot-von-trieu-do-bat-tay-cung-bau-duc-ban-thit-heo-bapi-2-1668311684.jpg

Chân dung ông Trần Văn Trường - đồng sáng lập kiêm CEO của Homefarm

Công ty cổ phần Quốc tế Homefarm - chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm nhập khẩu, do ông Vũ Thế Tiến và Trần Văn Trường thành lập vào năm 2014, tiền thân là một cửa hàng nhỏ tại Hà Nội. Giai đoạn 2017 - 2019, công ty liên tục thay đổi mô hình hoạt động từ công ty TNHH cho đến cổ phần hóa, và mở thêm hàng trăm điểm bán mới. Hiện nay, Homefarm đang sở hữu hơn 200 cửa hàng trọng hệ thống của mình ở cả ba khu vực: Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Đáng chú ý, công ty từng nhận được hàng triệu USD vốn đầu tư từ Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP - quỹ đầu tư do Alibaba và Ant Group của tỷ phú Jack Ma hậu thuẫn.

Năm 2014, vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề gây “nhức nhối” với hàng loạt sản phẩm kém chất lượng như: tôm bơm tạp chất, mực tẩy trắng, rau sử dụng thuốc trừ sâu,...Nhận thấy cơ hội từ việc mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, nên nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch trong các bữa ăn gia đình vô cùng lớn. Nên ông Trần Văn Trường - đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Homefarm và bạn của mình, quyết định tham gia vào thị trường béo bở này. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn con đường sản phẩm sạch hoặc hữu cơ, ông Trường chọn chiến lược đi “đường vòng”. Đó là tập trung vào thực phẩm nhập khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế như: bò Mỹ/Úc, Canada, cá hồi tươi Nauy,...để có thể cung cấp sản phẩm đến khách hàng ngay lập tức. Sau đó quay trở về thị trường nội địa và tìm kiếm các loại hàng chất lượng cao từ nhà sản xuất trong nước. Kết quả là cửa hàng Homefarm ra đời đầu tiên tại số 2 Nguyễn Hữu Thọ Linh Đàm, Hà Nội vào ngày 25-5-2014.

startup-duoc-quy-dau-tu-cua-jack-ma-rot-von-trieu-do-bat-tay-cung-bau-duc-ban-thit-heo-bapi-3-1668311863.jpg

Cửa hàng đầu tiên của Homefarm được thành lập từ năm 2014 tại số 2 Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đàm, Hà Nội

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, tuy chỉ mới là cửa hàng nhỏ nhưng CEO Trần Văn Trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, định hướng, đặc biệt là chất lượng và sự ổn định của nguồn cung. Nhờ vào chiến lược phát triển điểm bán offline kết hợp với các kênh online ngày từ sớm, Homefarm đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và phát triển phù hợp với nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” của xã hội. Theo như chia sẻ của ông Trường, công ty đi theo con đường kinh doanh thực phẩm nhập khẩu là vì chất lượng của những loại này. Hầu hết các loại thịt, cá,...nhập khẩu đều đến từ các nước có công nghệ nuôi trồng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhất là đến tay khách hàng vẫn giữ được chất lượng nguyên vẹn. Nhưng sản phẩm cốt lõi mà chuỗi thực phẩm này hướng tới không chỉ là từ nguồn nhập khẩu, mà còn là các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế từ những nhà sản xuất Việt Nam. Và chiến lược đi “đường vòng” và trở thành người tiên phong của Homefarm đã gặt hái được trái ngọt, đặc biệt là vào thời điểm dịch Covid bùng phát.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần đầu tại nước ta, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nhập khẩu của Homefarm. Tuy nhiên, trái ngược với việc thu hẹp kinh doanh như các doanh nghiệp khác, chuỗi thực phẩm nhập khẩu này lại bùng nổ về số lượng cửa hàng mở mới. Nếu như cuối năm 2019, công ty của ông Trần Văn Trường chỉ mới có được 40 cửa hàng trong toàn hệ thống, thì sau 1 năm đã mở thêm 80 cửa hàng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.  Ngoài ra, vì tình hình dịch bệnh nên chuỗi cung ứng của mảng thực phẩm gặp vô số khó khăn, nhất là nhập khẩu. Vì thế, vào tháng 10/2020, CTCP Quốc tế Homefarm đã phải chi ra số tiền rất lớn để đầu tư hẳn hai Trung tâm phân phối (DC) tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Cả hai DC này đều được cấp chứng nhận chuẩn quốc tế về hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn trong ngành thực phẩm - HACCP. Mục tiêu của việc đầu tư chính là giải quyết khó khăn của chuỗi cung ứng và sẵn sàng cho kế hoạch tăng số lượng điểm bán lên 300 cửa hàng. Có lẽ, việc vừa phải chi tiền để đầu tư cho sự tăng trưởng, vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ hậu quả do dịch bệnh, nên đã gây ảnh hưởng đến tài chính của công ty. Bản thân CEO Trần Văn Trường cũng từng thừa nhận Homefarm gặp khó khăn trong vấn đề lợi nhuận, và cần tìm thêm nguồn hỗ trợ vốn để xoay sở tài chính.

startup-duoc-quy-dau-tu-cua-jack-ma-rot-von-trieu-do-bat-tay-cung-bau-duc-ban-thit-heo-bapi-4-1668312301.jpg

Ông Trường cùng nhân viên tại buổi khai trương cửa hàng thứ 150 của Homefarm

Vào giai đoạn cuối năm 2021, Homefarm đã làm “dậy sóng” dư luận khi là một trong hai đơn vị được Quỹ ReDefine Capital rót vốn lên đến hàng triệu USD. Đây là quỹ đăng ký tại Singapore, thuộc quyền kiểm soát của quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP - tổ chức được thành lập vào năm 2018 với trị giá lên đến 800 triệu USD. Đặc biệt, những nhà đầu tư đầu tiên của quỹ này chính là Alibaba và Ant Group của Jack Ma. Theo chia sẻ của ông Trường, thương vụ đã được hoàn tất vài tháng trước khi báo chí đưa tin, và rất đúng thời điểm khi Homefarm đang gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Sau đó, công ty bắt đầu đẩy mạnh việc mở cửa hàng mới sau khi hết giãn cách xã hội, có thời điểm tốc độ lên đến 20 cửa hàng/tháng. Cuối năm 2021, chuỗi phân phối thực phẩm này đã đạt con số 200 cửa hàng trong toàn hệ thống với 1.000 nhân sự, có quy mô tương đương như một cửa hàng tiện lợi. Đáng chú ý, ông Trường từng tiết lộ rằng số tiền nhận được từ quỹ eWTP sẽ nhằm mục tiêu tăng trưởng lên đến 1.000 cửa hàng trong vòng 4 năm và phát triển thêm các kênh thương mại điện tử.

Đến cuối năm 2022, Homefarm lại một lần nữa xuất hiện trên khắp mặt báo về thương vụ với Bapi HAGL của Bầu Đức. Với tốc độ phát triển như hiện tại, liệu rằng Homefarm có thể đạt được con số “khổng lồ” 1.000 cửa hàng vào năm 2025 hay không?