Năm nay, những startup về công nghệ, chỉ tập trung giải quyết những bài toán nhỏ rất được lòng các Shark trên chương trình Shark Tank. Cuccu.vn chuyên phục vụ cho cộng tác viên livestream bán hàng, Woay chuyên về game marketing và CNV Loyalty chuyên phục vụ chăm sóc khách hàng – phát triển tệp khách hàng trung thành trong tập 10, đều nhận được đầu tư từ các Shark.
CNV Loyalty chuyên phục vụ chăm sóc khách hàng – phát triển tệp khách hàng trung thành, tích hợp trên các mạng xã hội
Phú Nguyễn – Nhà điều hành CNV Holdings và Nam Nguyễn – Giám đốc tăng trưởng đến kêu gọi 250.000 USD cho 5% cổ phần để phát triển CNV Loyalty - nền tảng tạo mobile app (ứng dụng trên thiết bị di động) cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp kiến tạo khách hàng trung thành. Giải pháp của CNV Loyalty có thể triển khai trên nhiều thiết bị khác nhau, từ mobile app đến POS quẹt thẻ.
CNV Holdings được giới thiệu là hệ sinh thái bán hàng và chăm sóc khách hàng, giúp doanh nghiệp đột phá trong kinh doanh.
Doanh nghiệp này có các sản phẩm – dịch vụ sau: nền tảng tạo ứng dụng chăm sóc khách hàng - CNV Loyalty, CNV Digital Marketing, thiết kế website doanh nghiệp – CNV Web Platform, bán hosting – tên miền – máy chủ - email – CNV Data, nền tảng tạo ứng dụng quản lý nhà hàng – CNV Resdiary, ứng dụng quản lý bãi đổ xe bằng smartphone – CNV Parking.
Vì CNV Loyalty là 1 dịch vụ trong hệ sinh thái CNV Holdings, nên lúc chúng ta nghe 2 đại diện của startup này giải thích về mô hình và kết quả kinh doanh trên chương trình là khá rối. Bởi sự phát triển của CNV Loyalty dựa vào nguồn lực của cả 1 hệ sinh thái CNV Holdings.
Còn theo giới thiệu của startup này, CNV là nền tảng build (thiết kế) ứng dụng cho doanh nghiệp để chăm sóc khách hàng. Để biến một người dùng bình thường trở thành khách hàng của doanh nghiệp, có thể khuyến khích họ lên Zalo của doanh nghiệp để xem chương trình ưu đãi, có thể mua hàng trực tiếp trên Zalo, mua qua app (ứng dụng) doanh nghiệp hoặc lên Facebook, fanpage của doanh nghiệp cũng hưởng những chương trình ưu đãi tương tự.
Nam Nguyễn cho biết, một vấn đề của doanh nghiệp trong giai đoạn Covid là chăm sóc khách hàng cũ của họ. Anh phân tích: “Ví dụ, Shark Phú bán hàng ra thị trường qua kênh bán lẻ, phân phối nhưng sau khi bán hàng xong, Shark Phú vẫn không biết khách hàng của mình là ai cả, Shark Phú không có kênh giao tiếp nào, không tận dụng được khách hàng cũ đã mua sản phẩm rồi có thể mua sản phẩm mới, điều đó rất là lãng phí”.
Shark Phú thắc mắc: “Làm sao để biết được họ đã mua sản phẩm của mình rồi, ghi nhận ở đâu?”. Nam Nguyễn trả lời: “Khi khách hàng mua sản phẩm sẽ có QR-code. Quẹt QR-Code họ sẽ tải ứng dụng của mình về”.
Shark Phú cho rằng đa phần khách hàng sẽ không tải một app mới và cho biết thêm: “Ngay cả bảo hành điện tử, tỷ lệ khách tải app để hưởng bảo hành, cũng rất thấp. Mà đấy cũng là vấn đề khó khăn nhất cho các nền tảng vì trên máy của họ đã rất nhiều app rồi. Giờ muốn họ cài thêm gì đấy mà họ không dùng thường xuyên là họ sẽ không cài”.
Đáp lời, Nam Nguyễn tiết lộ rằng, đó chính là lý do CNV cho ra sản phẩm trên Zalo. Hiện tại, Zalo có 54 triệu người dùng, chiếm quá nửa dân số Việt Nam. Cứ 2 khách mua hàng ít nhất đã có 1 khách tải ứng dụng Zalo. CNV đã đưa giải pháp chăm sóc khách hàng, bảo hành, chương trình khuyến mãi, hạng thành viên... lên fanpage Zalo của doanh nghiệp.
Khách hàng bấm quan tâm fanpage trên Zalo của doanh nghiệp thì sẽ được hưởng đầy đủ chương trình ưu đãi, giống như đã tải app. Ngoài ra, CNV đã triển khai giải pháp trên Facebook, khách hàng chỉ cần lên fanpage là có thể kích hoạt tính năng bảo hành.
Định giá pre-money của CNV Loyalty khoảng 20 tỷ đồng
Chia sẻ về bức tranh tài chính, hai đại diện CNV Loyalty cho biết đã có hơn 500 brand (thương hiệu) đã kích hoạt sử dụng. CNV hiện có 3 mô hình thu tiền là bán phần mềm – bán giải pháp chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp; mô hình subcription (thuê bao) thu phí theo từng năm; mô hình transition (chuyển đổi) thu phí trên từng giao dịch.
Hiện tại CNV đã đi đến mô hình thứ 2 là subcription. Phú Nguyễn cho biết đã bắt đầu triển khai giải pháp này từ tháng 3/2020, ngay trong mùa dịch. Tháng 9/2020, CNV đạt doanh thu 1,6 tỷ, tháng 12/2020 đạt 2 tỷ, lợi nhuận khoảng 1 tỷ. 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu của CNV đạt gần 7 tỷ, đã vượt qua điểm hòa vốn với lợi nhuận khoảng 16%, tương đương hơn 1 tỷ.
Với mô hình subcription, năm đầu tiên khách hàng sẽ trả chi phí triển khai khoảng 50 triệu. Họ được miễn phí chi phí hạ tầng và từ năm thứ 2 trở đi sẽ trả phí 20 triệu/năm. Theo thống kê, trung bình mỗi khách hàng của CNV đưa được 8.000 – 10.000 khách hàng lên hệ thống loyalty (chăm sóc khách hàng) thì sẽ phát sinh được từ 20 – 40 đơn trên hệ thống.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về chi phí đầu tư ban đầu, Phú Nguyễn chia sẻ CNV trước đây cung cấp dịch vụ outsource (thuê ngoài) để nuôi sản phẩm và hiện tại đã dừng hẳn dịch vụ này. Trong vòng gọi vốn trước vào tháng 9/2020, CNV đã được đầu tư 11 tỷ, tương đương 30% cổ phần, định giá pre-money khoảng 20 tỷ.
Con số này khiến Shark Hưng ngạc nhiên: “Sao giật lên kinh thế, từ 1 triệu lên 5 triệu USD luôn?”
Phú Nguyễn giải thích: “Tụi em có con “át chủ bài” là Loyalty nhúng vào các nền tảng social (mạng xã hội) là Zalo và Facebook. Tụi em mới bán vào tháng vừa rồi. Tháng vừa rồi tụi em cho khách hàng pre-order, trả tiền trước nhận sản phẩm sau. Tụi em đã bán được hơn 100 khách hàng”.
Giải đáp thắc mắc của Shark Hưng và Shark Louis về rào cản sản phẩm, Phú Nguyễn cho biết CNV có đội ngũ kỹ thuật đông và tập trung thay đổi mỗi ngày. Anh chia sẻ rằng mình đang có plan (kế hoạch) như user (người dùng) của các doanh nghiệp đổi điểm trong network (mạng lưới) CNV tạo ra.
“Thực tế mảng này ở Việt Nam đa số các doanh nghiệp chọn con đường tạo ra app bán hàng hoặc tạo ra nền tảng tracking (theo dõi), phân tích hành vi dữ liệu người dùng. Họ chỉ có một thứ thôi.
Khi bọn em làm cái này từ ngày đầu là làm cả hai. Không chỉ là làm một cái mobile app là xong mà hệ thống ở phía dưới để lắng nghe, thấu hiểu khách hàng. Từ đó mới giúp doanh nghiệp bán hàng dựa trên hành vi mua hàng của khách hàng”, Phú Nguyễn nói.
Startup cũng cho biết khi ra mắt Loyalty trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tác tự tìm đến và muốn bán hàng cho CNV. Hiện tại CNV có partnership (đối tác) gần 1.000 người hỗ trợ bán hàng và họ được nhận từ 15 – 30% hoa hồng.
Shark Liên nhận xét startup đang đi đúng xu thế chuyển đổi số. Tuy nhiên vì đang có bộ phận và đối tác nghiên cứu giải pháp riêng, nên Shark quyết định không đầu tư.
Quan tâm đến khả năng thu hồi vốn, Shark Phú đặt câu hỏi: “Em đang định giá công ty khoảng 5 triệu USD. Em chứng minh dòng tiền, lợi nhuận trong vòng 3 năm tới như thế nào?”
Phú Nguyễn cho biết CNV đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 triển khai 100.000 doanh nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đồng thời doanh nghiệp của anh cũng có kế hoạch IPO rõ ràng vào năm 2025 khi đạt được định giá 100 triệu USD.
Để thực hiện được mục tiêu đó, CNV sẽ cung cấp giải pháp loyalty có thể phủ thị trường và có các model (mô hình) transition (chuyển đổi).
“Tụi em có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu bằng các giải pháp phân tích và theo dõi hành vi mua hàng của khách hàng phía dưới, sau đó tạo kịch bản mua cho khách hàng... giúp khách hàng của doanh nghiệp mua 1 năm nhiều lần hơn và luôn nhớ đến sản phẩm”, Phú Nguyễn cho hay.
Nam Nguyễn tiết lộ thêm rằng CNV có dự tính mời tiến sĩ AI tham gia trong đội ngũ để xây dựng hệ thống gợi ý các nhãn hàng nên bán sản phẩm gì ra thị trường. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ là ý tưởng đang được nghiên cứu.
Không chấp nhận đầu tư mạo hiểm, Shark Phú mất deal về tay Shark Hưng
Shark Phú bất ngờ đề nghị: “Anh trả em 2 tỷ đổi lấy 5% cổ phần. Số tiền còn lại ở dạng trái phiếu chuyển đổi kèm theo một số điều kiện chuyển đổi nếu em đạt được và giá chuyển đổi được ưu đãi ít nhất 30% tại thời điểm đó”.
Shark Bình nhận xét startup đang chuyển đổi số về mặt bán hàng, giúp tăng thêm năng lực cạnh tranh của các thương hiệu Việt và muốn scale (mở rộng) ra Đông Nam Á thì đúng là “gió đông” của tập đoàn NextTech. Tuy nhiên vì một công ty thành viên của NextTech đang hợp tác, hỗ trợ CNV nên Shark Bình không đầu tư để đảm bảo tính khách quan. Dù vậy, Shark Bình cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và “thổi” startup ra Đông Nam Á.
Shark Hưng cho biết hiện đang có vài chục ngàn nhân viên sale (kinh doanh) và hàng ngàn công ty thành viên, công ty liên kết làm việc trong hệ thống. Shark này chia sẻ: “Cho đến thời điểm này đã có mấy trăm ngàn khách hàng và chúng tôi hướng đến phục vụ hàng triệu khách hàng trong vấn đề nhà cửa”.
Shark Hưng cũng nhận định giải pháp của startup tốt, hữu dụng và yêu thích năng lượng, sự nhiệt huyết của startup nên đề nghị straight equity (đầu tư thẳng) 250.000 USD cho 15% cổ phần.
Shark Louis phân tích: “Tôi không hiểu thị trường này bao lớn, bạn tính chinh phục bao nhiêu phần trăm doanh thu giá trị thị trường. Bạn nói không có đối thủ, một nhà đầu tư như tôi không bao giờ tin. Tại vì nếu vậy thì một là bạn quá hay, hai là tôi đang bước vào thị trường chưa rõ ràng.
Nếu bạn phát triển rồi, bạn chắc chắn có đối thủ. Đối thủ là ai, nhỏ lớn thế nào tôi chưa rõ được. Hướng IPO Đông Nam Á hơi lâu dài mà tôi chưa rõ đường đi như thế nào”. Tuy nhận thấy ngành mà CNV đang theo đuổi có nhiều triển vọng nhưng cảm thấy hơi sớm nên Shark Louis không đầu tư.
Phân vân giữa lời đề nghị của Shark Hưng và Shark Phú, hai đại diện CNV xin phép được thảo luận riêng. Khi quay trở lại, Phú Nguyễn bộc bạch: “Tụi em mới bước đầu bước vào cuộc chơi lớn. Tụi em thấy tụi em còn rất nhiều cơ hội”.
Shark Phú lập tức thuyết phục: “Thế thì phải lấy anh để cổ phần ít. Anh lấy nhiều mà mai kia tăng trưởng ầm ầm thì có phải lãng phí không... Tụi em nói 100 triệu USD sau 5 năm nữa mà. Còn tăng lên rất nhiều”.
Ngay lập tức, Shark Hưng phản bác: “Cái đấy không quan trọng, quan trọng là có tăng tưởng được hay không và vấn đề là ai giúp em đạt được mục tiêu 100 triệu USD”.
Lúc này startup đưa ra đề nghị 250.000 USD cho 7% cổ phần và Shark Hưng đưa ra con số mới: 250.000 USD cho 12,5% cổ phần.
Shark Phú tiếp tục phân tích: “Nếu em nhận anh thì em mất 5% thôi, tiền em vẫn nhận đủ. Sau 1 năm nữa giả định anh tính em lãi suất 10% của số tiền tỷ kia, em mất có 300 triệu thôi. Nếu sau 1 năm giá trị của em 5% em thành bao tiền?”, và khuyên startup suy nghĩ kỹ.
Hai đại diện của CNV đề nghị điều chỉnh mức discount (giảm giá) trái phiếu chuyển đổi là thấp hơn nhà đầu tư tiếp theo 20% và được Shark Phú đồng ý.
Bất ngờ, Shark Hưng đưa ra đề nghị cuối: 250.000 USD cho 10% cổ phần. Cuối cùng startup quyết định nhận đầu tư của Shark Hưng.
Nam Nguyễn chia sẻ: “Giải pháp vừa ra mắt là chăm sóc khách hàng trung thành trên mạng xã hội. Thực tế nó rất đơn giản, dễ hiểu. Các bạn sale bên phía Shark Hưng sẽ tiếp nhận rất nhanh”.