Sếp Coteccons rời HĐQT sau 10 năm gắn bó
Sáng 9/6, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Một trong những vấn đề nhận được sự chú ý của dư luận là việc doanh nghiệp này có dàn lãnh đạo mới.
Cụ thể, 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 tham gia nhiệm kỳ mới bao gồm ông Đỗ Văn Nhân (Chủ tịch HĐQT); ông Chu Đức Khang (Phó Chủ tịch HĐQT); ông Nguyễn Thanh Bình (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc); bà Bùi Thị Thu Hương (Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính); bà Nguyễn Minh Nguyệt (Thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng); ông Vũ Ninh (Thành viên HĐQT kiêm Phụ trách quản trị) và ông Nguyễn Văn Hùng (Thành viên HĐQT độc lập).
Ba thành viên nhiệm kỳ cũ bao gồm ông Bolat Duisenov, ông David Do và ông Tsuyoshi Kato đã rời HĐQT của Gemadept sau khi hết nhiệm kỳ. Thay vào đó, ba thành viên mới tham gia HĐQT của Gemadept là ông Shinya Hosoi, ông Lâm Đình Dụ và ông Nguyễn Thái Sơn.
Đáng chú ý nhất trong số các thành viên cũ rời khỏi HĐQT là ông Bolat Duisenov đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) và Tổng Giám đốc của Công ty Kusto Vietnam. Ông Bolat Duisenov đã rời HĐQT của Gemadept sau 10 năm gắn bó. Trước đó, doanh nhân này là Thành viên HĐQT không điều hành của Gemadept kể từ năm 2013 và đại diện cho phần vốn đầu tư của Kusto Group tại Gemadept (thông qua đơn vị thành viên là ReCollection Pte. Ltd).
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons. Ảnh: Coteccons
Kế hoạch kinh doanh thận trọng của Gemadept
Tại đại hội, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, tương đương kết quả năm ngoái và lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Theo ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT Gemadept, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Khi đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay, các doanh nghiệp trong ngành hết sức thận trọng khi với ngành khai thác cảng, kế hoạch đặt ra giảm khoảng 21%; khối logistic giảm 30%; khối shipping giảm 68% so với năm ngoái.
Đối với Gemadept, sau khi xem xét, lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.136 tỷ đồng, có giảm sút so với kết quả năm 2022 nhưng mức giảm nhẹ hơn so với bình quân chung của thị trường.
"Chỉ tiêu kinh doanh này được xây dựng trên một mức nền thị trường rất xấu trong năm 2023. Cho nên, để đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng là một thách thức và cần sự nỗ lực lớn", ông Nhân nói.
Kết thúc quý 1/2023, GMD ghi nhận doanh thu thuần gần 902 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế giảm 12% xuống còn 308 tỷ đồng. Theo giải trình, lợi nhuận giảm chủ yếu do lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết giảm hơn 104 tỷ đồng, dù lợi nhuận từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 58 tỷ đồng, cộng thêm đó chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hơn 25 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ công ty cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, Gemadept đang có hơn 301 triệu cổ phiếu đang lưu hành, do đó, số tiền công ty dùng để chia cổ tức năm 2022 là hơn 602 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Gemadept sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021-2025, định hướng tầm nhìn 2030. Trong đó, dự án cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 3 với diện tích hơn 25ha; công suất 600.000 TEU/năm (đối với hàng container) và 3 triệu tấn/năm (đối với hàng tổng hợp); cỡ tàu tiếp nhận 48.000 DWT; và dự kiến sẽ triển khai trong quý IV/2023, mục tiêu đưa vào khai thác từ cuối năm 2025.
Dự án cảng nước sâu Gemalink – Giai đoạn 2 với quy mô 39ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD, công suất 1,5 triệu TEU/năm, cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT, dự kiến chuẩn bị đầu tư năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.
Cảng Gemalink được xây dựng trên diện tích 72 ha, với tổng chiều dài cầu bến chính 1.150 m dành cho tàu mẹ cỡ lớn nhất giới và bến tàu feeder 370 m, được thiết kế đạt khả năng xếp dỡ là 2,4 triệu TEU/năm, dành cho các tàu nhỏ nội vùng. Đây là cảng Container nước sâu lớn nhất Việt Nam, tổng vốn đầu tư của dự án tương đương 520 triệu USD
Bán tài sản và cơ sở hạ tầng tại Cảng Nam Hải Đình Vũ
GMD cho biết, công ty có có 3 cảng ở Hải Phòng gồm Cảng Nam Hải Đình Vũ, Cảng Nam Đình Vũ 1 và Cảng Nam Đình Vũ 2 có vị trí nằm rải rác nhau, cách xa vài km. Để khai thác đồng bộ cả 3 cảng này cần 3 khối cơ giới, nhân lực riêng biệt; và cần 3 tổ chức hành chính riêng biệt để tổ chức vận hành cùng một lúc. Điều nay gây nên một sự lãng phí, hiệu quả không cao khi tổ chức vận hành 3 cảng cùng một lúc.
Cùng với đó, cuối năm 2022 và từ quý 4 đến đầu năm 2023, thị trường có dấu hiệu trầm lắng, đi xuống. Công ty đứng trước nguy cơ công suất dư thừa nếu đưa Cảng Nam Đình Vũ 2 vào khai thác, chắc chắn sẽ bị lỗ. Chính vì vậy, sau khi xem xét từ thị trường, nguồn cung cầu, và năng lực khai thác, Công ty quyết định thoái vốn bán Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Trong thương vụ này, GMD có thỏa thuận rất đặc biệt, đó là chỉ bán trang thiết bị, hạ tầng của cảng, còn lại toàn bộ đội ngũ nhân lực, kĩ thuật vận hành cảng, cùng với toàn bộ khách hàng được Công ty giữ lại, và chuyển xuống cảng Nam Đình Vũ 2, Nam Đình Vũ 3.
"Việc thoái toàn bộ cổ phần tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, Công ty ước tính lợi nhuận công ty mẹ trên 2.000 tỷ đồng, việc ghi nhận lợi nhuận dự kiến ghi nhận trong quý 3/2023.
Về cổ tức, năm 2023, Công ty thông qua kế hoạch lãi 1.136 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận của Nam Hải Đình Vũ hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ hơn 3.000 tỷ đồng, Công ty sẽ cân nhắc xem có cổ tức đặc biệt hay không khi kết thúc năm tài chính và trình Đại hội kế tiếp.
Việc kỳ vọng cổ tức đặc biệt như năm 2018 nếu có sẽ không cao như vậy, việc Công ty chưa phát hành thêm cổ phiếu nên sẽ dùng nguồn vốn, dòng tiền từ thoái vốn để có thể bổ sung nguồn vốn tái cấu trúc dòng tiền, triển khai các dự án lớn như Nam Đình Vũ giai đoạn 3 và Gemalink giai đoạn 2, đồng thời nghiên cứu hoạt động M&A, với số tiền tích luỹ và thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ, con số này được dùng để bổ sung vốn phát triển dự án", ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc chia sẻ.