Ông trùm Gemadept là ai?
Tập đoàn Gemadept, một trong những doanh nghiệp khai thác cảng, vận tải biển, logictics lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 6 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Đây là một công ty cổ phần hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các lĩnh vực kinh doanh của công ty bao gồm: Khai thác cảng, logistics, trồng rừng và bất động sản. Về khai thác cảng: Khai thác hệ thống cảng trải dọc từ Bắc chí Nam, tại các thành phố lớn và các vùng kinh tế trọng điểm: cảng Nam Hải, cảng Nam Hải Đình Vũ, cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, cảng Dung Quất, cảng Phước Long, cảng Bình Dương và cảng nước sâu Germalink Cái Mép.
Đối với Logistics: Trung tâm phân phối; Vận tải container chuyên tuyến; Vận tải hàng siêu trường siêu trọng; Vận tải đa phương thức; Quản lý tàu và thuyền viên; Đại lý giao nhận; Ga hàng hóa hàng không,...
Về trồng rừng, công ty trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cây cao su và cây công nghiệp tại Campuchia.
Về lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp này xây dựng và khai thác các trung tâm thương mại, khách sạn, cao ốc văn phòng ở các thành phố lớn tại Việt Nam và khu vực Đông Dương bao gồm: dự án Khu phức hợp Saigon Gem và dự án Khu phức hợp tại Viêng Chăn-Lào.
Tại thời điểm cuối năm 2021, công ty có 18 công ty con và 10 công ty liên doanh, liên kết.
Trong danh sách cổ đông được cập nhật bởi Cafef, tính đến cuối năm 2021, VI FUND II, L.P là cổ đông lớn nhất với hơn 42,8 triệu cổ phiếu, tương đương 14,22% vốn điều lệ công ty. Công ty TNHH SSJ Consulting (Việt Nam), ReCollection Pte. Ltd., KIM Vietnam Growth Equity Fund và KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund là các cổ đông lớn tiếp theo, sở hữu lần lượt số cổ phần công ty là 9,85%, 4,53%, 3,72% và 1,23%.
Các cổ đông cá nhân lớn của công ty bao gồm ông Đỗ Văn Nhân - Chủ tịch HĐQT (0,51%), Chu Đức Khang - Phó Chủ tịch HĐQT(0,27%), Vũ Ninh - Phụ trách quản trị (0,24%), Nguyễn Minh Nguyệt - Thành viên HĐQT (0,23%) và Nguyễn Thanh Bình - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (0,16%).
Gemadept kinh doanh như thế nào?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Gemadept (GMD) cho thấy trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ cua công ty là hơn 1.857 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, doanh thu hoạt động logistic như dịch vụ vận tải, dịch vụ đại lý, cho thuê tài sản... của công ty là 1322 tỷ đồng. Doanh thu từ cho thuê văn phòng và doanh thu khác là 370 triệu đồng. Mỏ vàng đem lại doanh thu cao nhất cho công ty là danh thu từ hoạt động khai thác cảng, đạt hơn 1.535 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 788 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 578 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của công ty là hơn 720 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 654 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, công ty cũng thu được hơn 4 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, tăng mạnh so với mức 1,8 tỷ đồng của năm ngoái. Lãi tiền cho vay là gần 900 triệu đồng, bằng gần 53% của năm ngoái. Lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh là hơn 3,6 tỷ đồng. Tổng chung, doanh thu tài chính của công ty là hơn 8,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp này cũng thu về hơn 19 tỷ đồng từ các khoản thu nhập khác. Trong đó, thanh lý tài sản cố định mang lại 253 triệu đồng, phân bổ doanh thu chưa thực hiện là 11,1 tỷ đồng, thu nhập khác là gần 8 tỷ đồng.
Khoản phân bổ doanh thu chưa thực hiện bao gồm: Phân bổ khoản đánh giá lại quyền sử dụng đất góp vốn vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link phát sinh từ năm 2008 với số tiền 283,98 tỷ đồng, thời gian phân bổ 48 năm và 10 tháng; Phân bổ khoản đánh giá lại giá trị tài sản cố định góp vốn vào Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings phát sinh từ năm 2017 với số tiền 5,622 tỷ đồng với thời gian phân bổ 10 năm; Phân bổ khoản lợi nhuận chưa ghi nhận liên quan đến doanh thu dịch vụ tư vấn và thi công công trình cho Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tương ứng với phần đã khấu hao và phân bố trong kỳ của các tài sản này.
Công ty hiện đang nắm cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Thủ Đức với giá trị gốc là gần 31,5 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý là 24 tỷ đồng, dự phòng gần 7,4 tỷ đồng. Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Khoáng sản Mangan cũng đang tiêu tốn hơn 14 tỷ đồng của Gemadept. Hiện công ty đang trích lập dự phòng hơn 21,6 tỷ đồng cho kinh doanh chứng khoán. Tổng chung, kinh doanh chứng khoán của công ty là gần 46 tỷ đồng, dự phòng 24 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Gemadept tính đến cuối tháng 6 là 1.980 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với ngày 1/1, chiếm 55% tổng nợ phải trả.
Trong năm 2022, Gemadept dự kiến chào bán 100,46 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ chào bán 90:30. Số tiền huy động dự kiến là 2.009,2 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của GMD sẽ tăng từ 3.013,8 tỷ đồng lên 4.018,4 tỷ đồng.
GMD sẽ dùng 800 tỷ đồng tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình vũ để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và đầu tư mua sắm phương tiện thiết bị, xây dựng nâng cấp công trình để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của dự án cảng thủy nội địa 1.000 tỷ đồng tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2; và còn 209 tỷ đồng đầu tư mua sắm tài sản cố định để phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty.
Tại mục tiền và các khoản tương đương tiền, trong 6 tháng đầu năm, Gemadept là hơn 682 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt là gần 15 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng là gần 362 tỷ đồng, tiền đang chuyển là 965 triệu đồng và các khoản tương đương với tiền là 304,5 tỷ đồng.
Cảng Container nước sâu lớn nhất Việt Nam - Cảng Gemalink mang về bao nhiêu tiền cho Gemadept?
Đầu năm 2019, Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept Terminal Link (Tập đoàn Hàng hải Pháp CMA - CGM) đã khởi công xây dựng Cảng Container nước sâu lớn nhất Việt Nam - Cảng Gemalink tại TX. Phú Mỹ. Cơ cấu cổ đông ban đầu, Gemadept nắm giữ 75% và CMA Terminals nắm giữ 25% vốn góp.
Cảng Gemalink được xây dựng trên diện tích 72 ha, với tổng chiều dài cầu bến chính 1.150 m dành cho tàu mẹ cỡ lớn nhất giới và bến tàu feeder 370 m, được thiết kế đạt khả năng xếp dỡ là 2,4 triệu TEU/năm, dành cho các tàu nhỏ nội vùng.
Tổng vốn đầu tư của dự án tương đương 520 triệu USD, được chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư là 330 triệu USD. Giai đoạn 1 của cảng có chiều dài cầu cảng 800m, khai thác chính thức vào tháng 6/2021. Từ khi đưa vào hoạt động, bến cảng Gemalink đã tiếp nhận hàng chục chuyến tàu container trọng tải trên 100.000 DWT. Mặc dù mới được đưa vào khai thác, nhưng khối lượng hàng container thông qua bến cảng Gemalink đã tăng nhanh chóng, đạt 750.000 TEU thông qua. Giai đoạn 2 của dự án có vốn đầu tư là 190 triệu USD.
Đầu năm nay, Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept Terminal Link đề xuất: kéo dài cầu cảng về phía hạ lưu thêm 370m, nâng tổng chiều dài bến cảng Gemalink sau khi kéo dài lên 1.520m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở đến 24.000 TEU; bố trí bến tàu feeder phía mặt trong cầu cảng cho tàu trọng tải đến 20.000 DWT, bổ sung luồng nhánh và vũng quay tàu vào bến feeder; điều chỉnh bến sà lan phía thượng lưu với quy mô điều chỉnh từ 370m lên thành 462m, tiếp nhận sà lan trọng tải 5.000 tấn, sức chở 128- 250 TEU.
Theo tính toán của Gemadept, tại khu vực Cái Mép, Thị Vải, Gemalink sẽ chiếm 15% thị phần vào năm năm 2022. Sau khi tối đa công suất 1,5 triệu TEU, thị phần tăng lên 20%.
Tại CTCP Cảng Cái Mép - Gemadept - Terminal Link, Gemadept là cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát. Tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021, Gemadept chỉ còn ghi nhận đang sở hữu 50% cổ phần tại CTCP Cảng Cái Mép - Gemadept - Terminal Link, nhưng tỷ lệ lợi ích là 65%.
Tại BCTC soát xét bán niên 2022 của Gemadept, đơn vị này đã ghi nhận khoản lãi 69,3 tỷ đồng từ số tiền đầu tư 1.479 tỷ đồng vào Gemalink. Do tỷ lệ lợi ích của Gemadept ở Gemalink chỉ là 65% nên khoản lãi mà "siêu cảng" này trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 106,6 tỷ đồng.