Đó là "hiện tượng" cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE).

tcm-1617253159.jpg
Đà tăng "dựng đứng" của TCM

Theo báo cáo của CTCK Mirae Asset Việt Nam về CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt May Thành Công), dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới, mang lại thách thức chưa từng có tiền lệ.

Ngành dệt may Việt Nam là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi đầu ra các doanh nghiệp chủ yếu là xuất khẩu.

Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành đã giảm lần lượt 17,7% và 23,5% so với cùng kỳ trong 2020. 

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhận định thêm, năm 2020 do ảnh hưởng tình hình chung của ngành dệt may nên các doanh nghiệp hầu hết đều tăng trưởng âm, cả ngành đều gặp khó khăn chung từ ảnh hưởng dịch COVID-19 và TCM cũng không phải ngoại lệ.

TCM họ vẫn phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, tuy nhiên năm 2020 những khu vực này đều ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch dẫn đến tình hình xuất khẩu cũng khó khăn hơn.

Năm ngoái tình hình kinh doanh xuất khẩu mặt hàng cốt lõi của TCM gần như tăng trưởng âm.

Một điểm sáng duy nhất chính là việc TCM đã tái cơ cấu tập trung dây chuyền để đẩy mạnh sản xuất khẩu trang - mảng "ăn nên làm ra" giữa đại dịch COvid-19.

Cũng nhờ đó doanh thu năm 2020 của TCM chỉ giảm 4,8% so với mức giảm 17,7% của các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết (DNNY). 

"Năm ngoái TCM còn có lợi nhuận từ mảng xuất khẩu khẩu trang nên đã tạo ra lợi thế riêng cho TCM trong ngành dệt may. Sang năm nay, TCM chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 5% vì năm ngoái mảng xuất khẩu khẩu trang đã tăng trưởng rất tốt nhưng doanh thu lại ở mức bằng" - ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

"Thông thường giá cổ phiếu dựa vào tiêu chí định giá so với lợi nhuận của doanh nghiệp đó tuy nhiên, khi việc đặt tăng trưởng lợi nhuận thấp cho năm 2021 là điều dễ hiểu bởi năm 2020 tăng trưởng mạnh, nên năm nay lợi nhuận sẽ không thể đột biến, nhưng doanh thu có thể tăng trưởng mạnh" - Giám đốc CTCK Yuanta Việt Nam nói thêm.

Năm ngoái cổ phiếu tăng đột biến trong bối cảnh thị trường chung gặp khó khăn mà mức tăng trưởng của TCM lại mạnh, nên giá cổ phiếu đã tăng mạnh từ tháng 5/2020 cho đến nay. Tuy nhiên, hiện nay TCM đã không còn tăng trưởng nóng như vậy nữa.

Mặc dù thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng giá cổ phiếu TCM lại đi ngược xu hướng khi "tăng phi mã" từ vùng giá 10.000 đồng vào cuối tháng 3/2020 đã chốt phiên 31/3/2021 với mức giá lên đến 120.000 đồng/cp khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng.