Ngày 8/4/2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) thông qua kế hoạch kinh doanh và các nội dung quan trọng trong năm 2025.
------
Hướng đi của Chứng khoán ACBS trong thời gian tới?
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch bán vốn và IPO tại Chứng khoán ACBS, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ACB cho biết ngân hàng đã đàm phán và làm việc với một số đối tác, nhưng chưa tìm được đối tác phù hợp, vì vậy quyết định tạm thời dừng thương vụ này.
Trong ngắn hạn, nhà băng này chưa có kế hoạch IPO công ty chứng khoán này mà sẽ củng cố năng lực và thúc đẩy tăng trưởng.
Mới đây, ACB đã tăng vốn cho ACBS từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Và dự kiến, trong tháng 4 sẽ tiếp tục tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng.
Việc tăng vốn cho ACBS để nâng cao năng lực cạnh tranh. Với vốn mới, ACBS sẽ nằm trong top 5 công ty chứng khoán có vốn lớn nhất, đồng thời kỳ vọng phát triển mạnh mẽ về công nghệ và tài chính. Bên cạnh đó để có thể khai thác tiềm năng lớn trong hệ sinh thái của ACB và ACBS, cung cấp được nhiều sản phẩm đầu tư, tài chính mới cho khách hàng.
---------
Chia cổ tức tiền mặt 10%
Năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thực hiện 2024. Đồng thời thông qua kế hoạch chi cổ tức cho cổ đông tổng tỷ lệ 25% bao gồm 10% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc tại sao ACB chia cổ tức tiền mặt 10%, ông Huy cho biết đây là bài toán hài hòa lợi ích cho cổ đông. Những năm trước, các cổ đông đã mong ngân hàng cố gắng chia cổ tức tiền mặt.
Khi quyết định chia cổ tức bằng bất kỳ hình thức nào, ngân hàng phải cân nhắc yếu tố để tối ưu vốn của cổ đông trong trung dài hạn chứ không chỉ ngắn hạn.
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy nhìn nhận: “ACB vừa kết thúc chiến lược 5 năm đã có bước chuyển mình tích cực với lợi nhuận tăng gấp 3 lần và đảm bảo chính sách cổ tức cao, hài hòa lợi ích cổ đông. Nhìn vào trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính dự báo nhiều khó khăn từ cạnh tranh khách hàng giữa các ngân hàng, yêu cầu cao hơn về tuân thủ hoạt động. Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ACB sẽ tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới nâng cao hiệu quả và kiểm soát rủi ro ngân hàng đồng thời chú trọng đến an toàn bảo mật cho khách hàng”.
Cũng tại ĐHĐCĐ trả lời chất vấn cổ đông liên quan đến tác động diễn biến kinh tế tác động đến kế hoạch kinh doanh trong năm 2025, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB năm nay thị trường được dự báo có nhiều yếu tố tác động cơ hội và thách thức đan xen, mới nhất từ chính sách thuế quan của Mỹ tác động tỷ giá, đầu tư nước ngoài.
“Mặc dù thách thức nhưng ACB vẫn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra cho năm 2025. Theo ước quý I/2025, tín dụng dự kiến tăng hơn 3%, huy động tăng trên 2%. Tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2025 của ACB giảm nhẹ ở mức 1,34%.
Lợi nhuận quý I, dự kiến đạt khoảng 20% so với kế hoạch cả năm (23.000 tỷ đồng), tương đương 4.600 tỷ đồng”, ông Phát chia sẻ.