Đại đa số cách chúng ta phản ứng khi có nhiều thứ cần làm chính là tăng thời gian làm việc lên, từ 8 tiếng thành 10, 12 hoặc thậm chí 14 tiếng / ngày. Việc này ảnh hưởng tới chúng ta về cả thể chất, tinh thần và cả cảm xúc. Nghề chọn người chứ người thì không ai muốn chọn nghề gì mà làm cực như làm agency cả.
Quản lý thời gian là cần thiết, giúp mình có thứ tự nề nếp và có kỷ luật hơn. Quản lý thời gian hiệu quả nhất khi chúng ta còn làm chuyên môn, công việc cụ thể, quy trình rõ ràng và ít sự thay đổi thường trực.
Tuy nhiên đa số các tips về quản lý thời gian dần dần mất tác dụng và khó áp dụng một cách hiệu quả khi bạn lên các vai trò cao hơn hoặc làm chủ doanh nghiệp. Đơn giản vì tính chất công việc đã trở nên phức tạp, thay đổi nhanh chóng và nhiều thứ là lần đầu bạn làm nên mặc nhiên không có quy trình.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các bạn trẻ làm freelance, làm các công việc không định hình và thường xuyên có sự thay đổi do nhiều yếu tố (nghề account là một ví dụ). Good luck với chuyện sắp xếp thời gian khi mà khách gọi giờ nào thì chầu chực khi đó.
Mình cũng không có giải pháp nào cho chuyện làm ít mà vẫn được nhiều việc, mình vẫn phải làm trung bình 10 - 12 tiếng / ngày, bao gồm cuối tuần. Nhưng mà mình thấy là bên cạnh thời gian là thứ có thể rèn luyện để quản lý tốt hơn thì năng lượng tinh thần cũng là một yếu tố khác chúng ta có thể học để quản lý.
Thời gian là có giới hạn, không thể mở rộng hơn và cũng không tìm lại được. Năng lượng tinh thần có tính linh động, có thể dãn nở và có thể hồi phục. Dưới đây là kinh nghiệm bản thân, bao gồm những thứ mình đang làm và những thứ chưa làm được (nhưng thấy cần làm):
1. Có khó chịu, mâu thuẫn gì thì giải quyết dứt điểm, càng sớm càng tốt. Một cuộc nói chuyện khó khăn với sếp hay đồng nghiệp hay với người thân. Càng để những thứ vậy trong lòng thì năng lượng của bạn càng bị tiêu tốn. (Đang làm)
2. Hạn chế đa nhiệm: làm nhiều thứ cùng lúc khiến bạn cảm thấy không có gì xong đâu vào đâu và bòn rút năng lượng. (Vẫn hay bị - tệ hơn khi kết hợp số 6)
3. Thích ai, thấy hợp ai, thấy ai hay ho thì gặp người đó nhiều hơn, không hợp với ai thì hạn chế gặp. Mở rộng mối quan hệ, cho bản thân có dịp gặp những người hay ho cũng là một cách hồi phục tốt - với mình. (Đang làm)
4. Hiểu hướng mình muốn đi nhưng giữ cho mục tiêu công việc của mình vừa phải. Mục tiêu to lớn làm chúng ta mệt mỏi vì cảm thấy mình không làm được. Chia nhỏ nó ra để thấy dễ làm hơn và bớt áp lực. (Đang làm)
5. Dành thời gian để giải trí và tự thưởng bản thân. Không có gì sai khi muốn chơi một ván game, đọc một bộ truyện hay thưởng thức một bộ phim. (Đang làm nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy có lỗi)
6. Giảm thiểu phân tâm: ít xao nhãng với mạng xã hội, tắt các thông báo trên điện thoại và bớt quan tâm các vấn đề xung quanh không liên quan tới mình. (Đang cố nhưng vẫn dễ bị phân tâm)
7. Ăn uống đầy đủ và đúng chất (ăn uống đủ cữ nhưng chưa chắc lắm là đủ chất hay không)
8. Tập tành và vận động thường xuyên (chưa làm được)
Không biết mọi người có thêm tips gì để cải thiện thêm việc quản lý năng lượng tinh thần không?
www.facebook.com/buiquangtinhtu/posts
Theo Bui Quang Tinh Tu