Tham vọng khi hợp tác Masan
Theo thông tin từ Phano Pharmacy, việc tích hợp chuỗi nhà thuốc VM – Phano Vmart vào hệ sinh thái Winmart nhằm mục đích tiếp cận thế hệ khách hàng trẻ trung với nhịp sống năng động.
Gian hàng VM đầu tiên được đặt tại khu vực nội thành TP.HCM ở địa điểm: Tầng 1, chung cư CH3, KDC City Land, quận Gò Vấp vào ngày 16/10/2021. Tại đây, cửa hàng Phano Vmart tích hợp với hệ sinh thái hiện hữu của Masan gồm WinMart+, Phúc Long, Techcombank, đem đến điểm mua sắm tiện lợi cho khách hàng.
Theo Masan, mô hình mới này là CVLife (Convenient Life) hướng đến đa dạng hoá các loại dịch vụ trong một cửa hàng.
Phano Pharmacy và Masan hiện đang hợp tác chiến lược với nhau và dự định sẽ ra mắt một cửa hàng với mô hình tương tự vào ngày 20/10 tại Mplaza (Lê Duẫn, Quận 1, TP.HCM).
Theo các chuyên gia trong ngành, việc hợp tác giữa hai bên sẽ có nhiều lợi ích cho Phano Pharmacy nhất là khi chuỗi này đã hoạt động im ắng trong nhiều năm, thậm chí có phần lép vế hơn so với hai đối thủ cùng ngành là Pharmacity và Long Châu khi chỉ có 60 cửa hàng khắp cả nước trong suốt 14 năm hoạt động. Trong khi Long Châu có khoảng 300 cửa hàng và Pharmacity có hơn 600 cửa hàng.
Cụ thể, Masan đang đẩy mạnh hệ sinh thái CVLife của hình dựa trên hàng nghìn siêu thị và cửa hàng Vinmart/Vinmart+ (tên cũ của Winmart/Winmart+), đồng thời hợp tác với Lazada để triển khai việc bán hàng online của chuỗi trở nên hiệu quả hơn.
Thông qua đó, một chuỗi bán lẻ dược phẩm như Phano Pharmacy sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận đa dạng khách hàng hơn và có độ phủ sóng cao hơn mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí để mở một cửa hàng thuốc như các đối thủ khác.
Bên cạnh việc hợp tác với Masan, Phano Pharmacity cũng thực hiện nhiều chiến lược khác biệt chẳng hạn như hợp tác với startup eDoctor - ứng dụng chăm sóc sức khoẻ khi tích hợp web bán hàng của mình vào ứng dụng này, phục vụ mang các sản phẩm thuốc đến tận nhà cho khách hàng chỉ trong 2 giờ.
Dịch vụ này hiện đang triển khai ở một số tỉnh và thành phố ở phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau và một thành phố ở miền Trung là Đà Nẵng.
Trước đó vào năm 2016, hãng cũng hợp tác với Imexpharm (đơn vị gia công thuốc cho Novartis, Sandoz, CFR) thông qua việc sở hữu 10% cổ phần của công ty này. Theo đó, cả hai sẽ cùng hướng tới việc tạo ra một quy trình khép kín về sản xuất – phân phối – bán lẻ.
Trước nhiều ý kiến trái chiều cho rằng doanh nghiệp đang chậm chân và lép vế trên thị trường bán lẻ dược, Lê Việt Hưng, giám đốc phát triển kinh doanh của Phano, chia sẻ, “Sở dĩ chúng tôi không đua mở rộng chuỗi như các doanh nghiệp khác cùng ngành, là bởi chiến lược của Phano sẽ là đi chậm và chắc chắn. Do những founder thành lập Phano đều là dược sỹ, nên tại Phano, chúng tôi rất chú trọng đào tạo chuyên môn cho dược sỹ hoặc trình dược viên – những người trực tiếp bán hàng, nên cũng chẳng thể mở ồ ạt được. Mỗi một chuỗi đều có chiến lược riêng, nên chúng tôi không sốt ruột.”
Là chuỗi nhà thuốc có doanh thu lớn nhất thị trường?
Trong buổi ký kết hợp tác với eDoctor năm ngoái, Ban lãnh đạo của Phano Pharmacy tiết lộ rằng họ mới là chuỗi nhà thuốc có doanh thu lớn nhất thị trường tuy nhiên lại từ chối chia sẻ con số cụ thể.
Cụ thể, đơn thuốc của họ luôn có giá trị lớn do tập trung bán thuốc theo toa bác sỹ. Thứ hai, ngoài kênh B2C họ còn có kênh B2B khi phân phối cho các bệnh viện. Về danh mục sản phẩm, họ có hơn 10.000 mã sản phẩm như thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm...
Tuy Pharmacity và Long Châu được biết đến nhiều do mở rộng số lượng cửa hàng liên tiếp trong nhiều năm, nhưng Phano Pharmacy mới là đơn vị đầu tiên triển khai việc xây dựng chuỗi.
Vào năm 2016 khi bán lẻ dược vẫn còn khá mới mẻ, Phano Pharmacy đã thực hiện mô hình nhượng quyền nhà thuốc đầu tiên tại TP.HCM. Theo thông tin tại buổi ký kết, hãng đã có thêm 14 cửa hàng nhượng quyền. Trong khi đó theo thông tin trên truyền thông, tính đến đầu năm 2021, Phano Pharmacy hiện đang sở hữu 84 nhà thuốc
Theo đánh giá của Business Monitor International, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, kênh nhà thuốc chiếm khoảng 30% tổng giá trị thị trường. Tuy nhiên, thị trường này khá phân mảnh với hơn chục nghìn nhà thuốc đang hoạt động trên cả nước.