Việt Nam là thị trường lý tưởng của “ông trùm” này khi thị trường quê nhà tới giai đoạn bão hòa. Petrolimex là đích ngắm.
Mặc dù tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex chỉ có 20% khiến các nhà đầu tư Nhật Bản khó có thể tham gia sâu hơn vào quản trị của doanh nghiệp, song qua nhiều công ty con, “ông trùm” dần đạt được tham vọng của mình.
Từ ngày 27/08-14/09/2020, ENEOS Corporation, Tập đoàn đứng đầu về bán lẻ xăng dầu tại Nhật Bản, đã mua thành công 13 triệu cổ phiếu p của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex (HM:PLX), HOSE: PLX) theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Trước giao dịch, Tập đoàn này không nắm giữ cổ phiếu PLX nào. Tuy nhiên, Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam - Công ty con của ENEOS Corporation - lại là cổ đông lớn thứ 2 của PLX với khối lượng sở hữu gần 104 triệu cp. Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch, nhóm cổ đông này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại PLX từ 8% (104 triệu cp) lên 9% (117 triệu cp).
Trước đó, PLX đăng ký thoái 13 triệu cp quỹ từ ngày 27/08-25/09/2020, trùng với thời gian mà ENEOS Corporation mua vào.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo PLX cũng chia sẻ Công ty đã liên lạc với nhà đầu tư chiến lược JX Nippon Oil & Energy (đơn vị liên quan với ENEOS Corporation) để chào bán lượng cổ phiếu quỹ.
Ông Toshiya Nakahara, Thành viên HĐQT PLX - hiện cũng là Thành viên HĐQT ENEOS Corporation.

ENEOS Corporation đứng đầu thị phần bán lẻ xăng dầu ở Nhật Bản với tỷ trọng 50%, công suất lọc dầu lớn nhất nước với 1.93 triệu thùng/ngày, cung cấp 3.62 triệu tấn Paraxylen mỗi năm tại châu Á…)

Nói về ENEOS Corporation (đổi tên từ JXTG Group), đơn vị này được thành lập vào tháng 10/1888 tại Nhật Bản, với lĩnh vực kinh doanh là lọc hóa dầu, xuất nhập khẩu khí đốt, cung cấp điện năng… Đây là tập đoàn đứng đầu thị phần bán lẻ xăng dầu tại Nhật Bản với 50%, công suất lọc dầu lớn nhất nước với 1.93 triệu thùng/ngày, cung cấp 3.62 triệu tấn Paraxylen mỗi năm tại châu Á…
Trong thông điệp của mình gửi tới các cổ đông của tập đoàn mới đây, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Tập đoàn ENEOS - Hiroshi Hosoi khẳng định, với tầm nhìn dài hạn năm 2040, ENEOS sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng kinh doanh vững chắc bằng cách làm sâu sắc hơn và củng cố mối quan hệ đáng tin cậy với các quốc gia, khu vực và đối tác sản xuất dầu khí.
Hoạt động cùng ngành nghề kinh doanh nhiên liệu, thị trường của ENEOS Corporation tại Nhật Bản đã tới giai đoạn bão hòa và họ muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường khác.
Thị trường Việt Nam, thông qua hợp tác với Petrolimex, là cơ hội lý tưởng, đặc biệt khi JXE nắm tất cả các khâu “thượng nguồn” lẫn “hạ nguồn” trong lĩnh vực dầu khí, tức là từ khai thác, lọc hoá dầu đến cung ứng sản phẩm.
Về tình hình kinh doanh của PLX, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đi xuống, qua đó khiến hoạt động kinh doanh của ông lớn ngành xăng dầu Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong quý 2/2020.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 17/9, cổ phiếu PLX giảm 1,6% về mức 50.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh toàn phiên hơn 210 ngàn đơn vị.)

Sau nửa đầu năm 2020, PLX vẫn đang lỗ ròng 1,216 tỷ đồng (quý 1 lỗ ròng gần 1,900 tỷ đồng) và doanh thu giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn 65,187 tỷ đồng. Hầu hết công ty con và công ty liên doanh, liên kết của PLX đều ghi nhận kết quả đi lùi.
Năm 2020, PLX lên kế hoạch mang về 122,000 tỷ đồng doanh thu và 1,570 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, khép lại nửa đầu năm 2020, PLX thực hiện được 53% kế hoạch doanh thu nhưng bị lỗ.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết “hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn chịu nhiều tác động dị biệt về giá dầu” như cung cầu thị trường, sự sụt giảm nhu cầu trong giai đoạn giảm giá và sức ép nguồn cung trong giai đoạn tăng giá đối với thương nhân đầu mối. Bên cạnh đó, những công ty con và liên kết kinh doanh nhiên liệu hàng không, hoá dầu, gas... bị lỗ hoặc chỉ đạt 70-80% so với cùng kỳ do tác động của dịch bệnh.