Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) vừa công bố thông tin thay đổi nhân sự cấp cao.

Theo đó, ông Phan Đình Tuệ thôi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Sacombank và chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 15/6/2023. Ông Phan Đình Tuệ tiếp tục làm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Ông Phan Đình Tuệ đã làm Phó Tổng giám đốc Sacombank được kể từ ngày 14/6/2012 tới nay. Như vậy, ông Tuệ đã gắn bó với ngân hàng này 11 năm đến nay. Ông được đại hội cổ đông của Sacombank bầu vào Hội đồng quản trị năm 2022, nhiệm kỳ 2022 - 2026.  Hiện ông Tuệ là một trong những thành viên còn ở lại trong ban điều hành Sacombank kể từ thời ông Trầm Bê.

Ông Phan Đình Tuệ sinh năm 1966, tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh - Ngoại thương, có 39 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng. Số cổ phiếu ông Tuệ nắm giữ rơi vào khoảng gần 143.000 cổ phiếu. Tính theo thị giá, số cổ phần trên trị giá khoảng 4 tỷ đồng.

Ngoài các chức vụ tại Sacombank, ông Tuệ còn giữ chức vụ Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Tp.Hồ Chí Minh.

Với việc ông Phan Đình Tuệ thôi giữ vai trò Phó tổng giám đốc Sacombank, Ban tổng giám đốc nhà băng này sẽ còn lại 14 thành viên gồm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật; ông Huỳnh Thanh Giang là Kế toán trưởng và 12 phó tổng giám đốc.

Ở cơ cấu nhân sự HĐQT, Sacombank vẫn duy trì Ban quản trị với 7 thành viên gồm ông Dương Công Minh làm Chủ tịch; bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Phó chủ tịch thường trực; ông Phạm Văn Phong là Phó chủ tịch; ông Nguyễn Xuân Vũ, Phan Đình Tuệ là Thành viên HĐQT cùng 2 Thành viên độc lập là ông Vương Công Đức và bà Phạm Thị Thu Hằng.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2022, tổng tài sản đạt 591.908 tỷ đồng, tăng 13,6%, trong đó, tài sản có sinh lời tăng 16%. Tổng thu nhập thuần đạt 26.141 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm trước. Trong đó, thu dịch vụ thuần đạt 5.194 tỷ đồng, tăng 19,6%. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án  đạt hơn 19.900 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước, đạt 120% kế hoạch.

Tổng huy động đạt 519.312 tỷ đồng, tăng 11,8%, trong đó, 92,6% là huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng đạt 438.752 tỷ đồng, tăng trưởng 13% theo đúng hạn mức được NHNN phân bổ. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%, giảm 0,55% so với đầu năm. Các chỉ số an toàn hoạt động đều tuân thủ quy định tại mọi thời điểm và ngày càng cải thiện theo hướng an toàn, bền vững.

Năm 2022 cũng đánh dấu năm thứ 6 Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt. Ngân hàng đã xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm lên đến 15.886 tỷ đồng; nâng tổng doanh số thu hồi lũy kế kể từ khi triển khai Đề án lên gần 92.000 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án hơn 74.000 tỷ. Nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm gần 73%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản khoảng 28% (năm 2016) xuống còn hơn 4%. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu thuộc Đề án.

Sacombank sở hữu hệ khách hàng lên tới 15 triệu, trong đó 50% là khách hàng số. Số lượng giao dịch trên kênh số của Sacombank tăng trưởng gấp 5 lần trong giai đoạn 2018 - 2022, tăng trưởng bình quân 43%. Riêng năm 2022, 97% giao dịch tại Sacombank là các giao dịch số thông qua các kênh như Internet Banking, Mobie Banking và Ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay.

Kết thúc quý 1/2023, lợi nhuận trước dự phòng Đề án của Sacombank đạt hơn 3.400 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 49,9% so cùng kỳ năm trước; tổng tài sản 596.694 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm; tổng huy động 529.500 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng 448.531 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,11%, kiểm soát dưới 2%.