Ngày 3/6 chứng kiến diễn biến giao dịch đáng chú ý tại cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Kết phiên chiều, OCB tăng trần 6,94% lên mức kỷ lục 30.800 đồng/cp và vẫn còn dư mua hơn 116.000 cổ phiếu tại giá trần.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 12,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 371 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng khớp lệnh của OCB trong phiên 3/6 chỉ kém mức kỷ lục 15,5 triệu đơn vị ghi nhận vào ngày 9/3 nhưng giá trị giao dịch cao hơn 8%.

Phiên hôm nay cũng chứng kiến giao dịch đột biến của khối ngoại khi các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1,87 triệu cổ phiếu OCB (tương ứng giá trị 56,3 tỷ đồng).

Điều đặc biệt, khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu này những ngày đây và là mã được mua ròng nhiều nhất trong nhóm ngân hàng. Trong 5 phiên giao dịch vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 4,4 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng giá trị gần 130 tỷ đồng; đứng thứ 3 toàn thị trường về khối lượng và thứ 2 về giá trị mua ròng của khối ngoại.

z2530460595637-13eb17ba82a293b8771a0b92ae4d3988-1622709811.jpg
Diễn biến cổ phiếu OCB kể từ khi lên HOSE. (Nguồn: Tradingview)

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, OCB đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%, tương đương mức chia năm trước.

Với kế hoạch trên, OCB sẽ phát hành khoảng 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 2.740 tỷ đồng. Cùng với đó, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua hai phương án khác là bán cổ phiếu cho người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ để nâng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32%. Cụ thể, sẽ có khoảng 5 triệu cổ phiếu được bán theo chương trình ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trước đó, trao đổi với báo chí vào, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng là khoảng 19,5% và còn khoảng hơn 10% sẽ được OCB bán tiếp.

Theo vị lãnh đạo này, OCB có kế hoạch bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank -  1 trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản trong tháng 6/2020. Thế nhưng, do việc đàm phán chưa kết thúc, trong khi OCB phải đưa cổ phiếu niêm trên HOSE. Vì thế, ngân hàng đã hoàn tất thủ tục niêm yết và sau đó sẽ khởi động triển khai bán thêm vốn cho nhà đầu tư ngoại.