9b0fbe7876ebacb5f5fa-1677632538.jpg
Ông Lê Quốc Duy, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng trong buổi gặp gỡ truyền thông

Phe “đối lập” còn ai nữa?

Ông Nguyễn Công Phú - Thành viên HĐQT độc lập HBC đã có đơn xin từ nhiệm vào ngày 13/2 và ủy quyền lại hết các quyền hạn của mình cho chủ tịch hiện thời là ông Lê Viết Hải. Quyết định chính thức sẽ chờ đến đại hội cổ đông của HBC vào đầu quý 3/2023, nhưng thực tế mọi chuyện đã khép lại. Một nguồn tin thân cận cho biết, thực tế ông Phú đã thương thảo xong với ông Lê Viết Hải và bay về Pháp vào trước Tết Nguyên Đán 2023.

Trước đó, ngày 12/12/2022, Chủ tịch Hòa Bình - ông Lê Viết Hải có đơn từ nhiệm ghế chủ tịch và nhường lại cho Thành viên HĐQT độc lập là ông Nguyễn Công Phú. Thay vào đó, ông Hải sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Sáng lập. Đến ngày 14/12, HĐQT họp và hiện thực hóa các kế hoạch này. Tuy nhiên, vào ngày 31/12/2022, Hòa Bình thông báo hoãn thi hành hai kế hoạch trên bằng Nghị quyết HĐQT 53. Nghị quyết này được công bố vào một hôm trước khi ông Phú được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hòa Bình, tức ngày 1/1/2023. Chính vì vậy, “nội chiến” cũng bắt đầu nổ ra.

Ông Phú ngay sau đó đã phát đi nhiều thông cáo để khẳng định mình vẫn là chủ tịch hợp pháp của HBC, đồng thời cố gắng chứng minh các quyết định của ông Lê Viết Hải là sai luật. Đứng cùng ông Phú để phát đi các thông báo còn có nhiều thành viên HĐQT khác như ông Lê Quốc Duy, Dương Văn Hùng và Albert Antoine.

Điều đáng chú ý ở đây là cái tên Lê Quốc Duy. Bởi ông Duy có mối quan hệ được cho là khá mật thiết với chủ tịch Lê Viết Hải. Nhưng vào giờ phút quyết định sự “sống còn”, ông Duy lại đành tâm quay lưng với ông Hải.

Sự quay lưng bất ngờ của một 'người nhà” 

Ông Lê Quốc Duy sinh năm 1981, hiện vẫn là phó tổng giám đốc của HBC. Theo hồ sơ của HBC, ông Duy có bằng Cử nhân tại Đại học Washington (Mỹ) và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – Maastricht School of Management of the Netherlands (Hà Lan).

Trong nhóm lãnh đạo đối lập với ông Lê Viết Hải, ông Phú và ông Hùng mới được bổ nhiệm hồi giữa năm 2021 còn ông Albert Antoine vào HBC từ năm 2022. Chỉ có ông Duy ngồi ở HBC lâu nhất và được sự tin tưởng rất lớn từ chủ tịch Lê Viết Hải.

Vào HBC từ năm 2007, ông Duy đảm nhiệm vai trò Giám đốc đầu tư rồi Phó tổng giám đốc CTCP XD & KD Địa ốc Hòa Bình. Đến nay 2009, ông là Tổng giám đốc CTCP Nhà Hòa Bình. Khi CTCP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát được thành lập vào năm 2015, ông Duy cũng được ưu ái bổ nhiệm ngồi vào ghế chủ tịch.

Có thể thấy, lộ trình thăng tiến của ông Duy tại HBC khá bằng phẳng. Ông được thăng chức đều đặn từ bộ phận đầu tư lên phó giám đốc rồi chủ tịch, từ công ty con đến công ty mẹ. Năm 2017, ông Duy đảm nhiệm chức Phó tổng giám đốc HBC. Trong khi Nhà Hòa Bình là công ty con và Địa ốc Tiến Phát là công ty cháu của HBC. Đến cuối năm 2020, ông Duy đã rút khỏi Nhà Hòa Bình và Địa ốc Tiến Phát nhưng vẫn còn ngồi ở HBC.

Nói ông Duy là “người nhà” của chủ tịch Lê Viết Hải cũng không phải là nói quá. Không chỉ được ưu ái được giao nắm giữ những vị trí chủ chốt, ông Duy còn được “du di” thậm chí là cho qua khi gây thiệt hại lớn cho HBC. Bởi trong suốt quá trình lèo lái, ông Duy đã vẽ nên những bức tranh không mấy gì sáng sủa tại Nhà Hòa Bình và Địa ốc Tiến Phát. Nhà Hòa Bình thì chưa năm nào có lãi, Địa ốc Tiến Phát dù năm lỗ năm lãi nhưng con số lãi cũng rất èo uột.

Đáng nói là dù có nguồn lực kinh doanh không nhỏ (vốn điều lệ của Nhà Hòa Bình là 450 tỷ đồng và Tiến Phát là hơn 700 tỷ đồng, ngoài ra còn được trợ lực từ thương hiệu Xây dựng Hòa Bình), nhưng các công ty do ông Duy dẫn dắt vẫn không thể một lần đạt được một thành tích nổi trội nào. Dù vậy, phải sau 11 năm bám giữ Nhà Hòa Bình trong thua lỗ và hơn 5 năm dập dờn cùng Tiến Phát thì ông Duy mới chấp nhận rút lui. Điều kì lạ nữa là ông Duy không hề bị kỷ luật hoặc giáng chức lần nào, ngược lại ông vẫn chễm chệ trên ghế phó tổng giám đốc của HBC. Điều này chỉ có thể chứng minh rằng, ông Duy đã nhận được sự ưu ái quá lớn từ chủ tịch Lê Viết Hải.

Thực tế, nhân viên và đối tác của HBC vẫn hay nghe ông Duy tự xưng là “người nhà” hoặc “đệ tử ruột” của ông Lê Viết Hải. Được ông Lê Viết Hải dìu dắt và che chở hơn 15 năm qua, những lời xưng hô của ông Lê Quốc Duy cũng không có gì quá đáng. Chỉ có phần chua xót cho ông Hải, là khi có biến cố quan trọng xảy ra, thì người 'quay lưng” lại chính là người thân cận mà mình dìu dắt bấy lâu nay.

Tại buổi gặp mặt báo giới ngày 5/1/2023 do ông Nguyễn Công Phú chủ trì, cùng với ông Dương Văn Hùng, ông Lê Quốc Duy cũng lên tiếng khẳng định Nghị quyết HĐQT 53 được ban hành sai quy định do ông Duy không tham gia vào cuộc họp này. Ngoài ra, đồng quan điểm với hai thành viên kia, ông Duy cho rằng ông Hải điều hành yếu kém và để xảy ra nhiều khuất tất về tiền bạc. Dù các thông tin này được công bố chắc nịch nhưng không có bằng chứng nào được cung cấp cho báo giới trong buổi gặp ngày hôm đó.

Vì sao chống đối?

Về Hòa Bình từ năm 2021, ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng là thành viên HĐQT độc lập không điều hành và không nắm bất kỳ cổ phiếu HBC nào. Riêng ông Lê Quốc Duy được xem là “đàn em” thân cận của Chủ tịch Lê Viết Hải. Ông Duy hiện chỉ nắm một lượng nhỏ cổ phiếu HBC. Vì vậy, khi ông Hải và ông Phú có tranh chấp, quyền lợi của ông Hùng và ông Duy không bị ảnh hưởng gì để phải đứng về bên nào. Thậm chí, về lý mà nói, ông Duy cần đứng về bên ông Hải. Nhưng thực tế ngược lại.

Một lãnh đạo của Hòa Bình cho biết, trước đây, ông Dương Văn Hùng đề nghị ông Lê Viết Hải đầu tư vào nhiều dự án riêng (như nhà máy găng tay ở KCN Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng bị ông Hải từ chối. Còn ông Lê Quốc Duy cũng muốn ông Hải để mình quản lý một số công ty con của HBC bằng ê-kíp riêng, dù trước đó ông đã gây thua lỗ cho HBC không ít. Vì không tăng thêm được quyền lực ở HBC mà ông Duy sẵn sàng trở mặt với người từng dìu dắt và che chở cho mình hàng chục năm qua. Chuyện này khiến không ít người ngậm ngùi suy ngẫm về sự thay đổi của lòng người và cần phải nhìn kĩ lại những người thân cận của mình chăng?

“Cao thủ” về thuế

Mặc dù không giỏi về mặt quản lý khi để cho hai công ty mình lèo lái thua lỗ thê thảm khi ngồi ở HBC, ông Duy lại tỏ ra khá thành công với công ty riêng. Hơn nữa, ông còn được biết đến là một người khá cao tay về thuế doanh nghiệp.

Vào năm 2012, với vai trò là Phó giám đốc Công ty TNHH Cuộc sống của tôi (sở hữu chuỗi Mylife Coffee), ông Lê Quốc Duy đã khiến 3 nguyên cán bộ thuế Chi cục Thuế Quận 1 (TP.HCM) phải vướng vòng lao lý vì dám vòi vĩnh tiền hối lộ từ doanh nghiệp mà ông quản lý.

Vòi vĩnh tiền doanh nghiệp, 3 cán bộ thuế phải trả giá - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Theo bản án số 275/2013/HSST của Tòa án Nhân dân TP.HCM, Công ty TNHH Cuộc Sống Của Tôi bị phát hiện nhiều sai phạm về thuế. Cụ thể là “không có chữ ký của người mua hàng trên hóa đơn; không giao liên 2 cho khách hàng; không lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán trên 200.000 đồng; sử dụng hóa đơn không đúng quy định”.

Đồng thời, ông Lê Quốc Duy được nhân viên thuế yêu cầu đến Chi cục Thuế Quận 1 đóng phạt với mức phạt 25,1 triệu đồng. Tại cơ quan thuế, ông Duy được biết có thể bị phạt đến 100 triệu đồng, để giữ nguyên mức phạt 25,1 triệu đồng như đã thông báo trước đó, phải đưa cho nhân viên thuế 75 triệu đồng. Ông Duy xin giảm xuống còn 40 triệu đồng và được đồng ý.

Bản án ghi nhận, từ ngày 31/8/2012 đến ngày 12/9/2012, Duy đã nhiều lần đưa tiền cho cán bộ thuế tên Báu và chủ động ghi âm việc trao đổi các lần đưa tiền để làm cơ sở cho hành vi vòi vĩnh của Báu.

ban-an-1677632538.jpg
Một phần thông tin của bản án

Trong thời gian 31/8-5/9/2012, Duy đưa cho Báu 20 triệu đồng và 10 triệu đồng. Đến khoảng 16 giờ 40 phút ngày 12/9/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra -  Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt quả tang Trần Văn Báu (Đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 8 - Chi cục thuế  Quận 1, Thành phố  Hồ Chí Minh) nhận  10 triệu đồng của ông Lê Quốc Duy (Phó giám đốc Công ty TNHH Cuộc Sống  Của Tôi) tại trước số 235, Võ Thị Sáu (phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây cũng chính là địa chỉ của trụ sở HBC.

Tòa án xét thấy ông Lê Quốc Duy có hành vi đưa hối lộ cho 3 cán bộ thuế nhưng đã chủ động tố giác hành vi sai phạm của những người này và cung cấp chứng cứ hỗ trợ cho cơ quan điều tra nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

screenshot-1-1677632538.jpg
 

Tuy không chấp hành các quy định về thuế, nhưng nhờ hiểu rõ về các quy định pháp luật, ông Lê Quốc Duy đã giúp doanh nghiệp tránh bị phạt nặng mà còn thoát được tội hối lộ. Phải thừa nhận rằng ông Duy là một “cao thủ” về thuế doanh nghiệp và luật pháp ở công ty riêng, dù vẫn là một quản lý khá bết bát ở HBC.

Phe “đối lập” sẽ về đâu?

Đến nay, khi ông Phú đã chịu “giương cờ trắng” thì xem như phía ông Lê Viết Hải đã có thể quyết mọi chuyện sắp tới. Vấn đề là, những người còn lại của phe ông Phú sẽ ra sao trong thời gian tới?

Đầu quý 3 hằng năm là thời điểm tổ chức đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết. Tại nơi có quyền quyết định cao nhất này, ngoài các định hướng về hoạt động kinh doanh, chọn người tài đức nào để ngồi vào những chiếc ghế lãnh đạo cao nhất cũng được thông qua. Dễ thấy rằng, không cần ông Lê Viết Hải dùng ảnh hưởng từ cổ phần sở hữu để thay thế người trong HĐQT, các cổ đông khác của HBC cũng tự biết phải chọn ai xứng đáng tiếp tục thay mặt họ để lèo lái doanh nghiệp hiệu quả.

Hãy chờ sự quyết định của các cổ đông HBC vào đầu tháng 4/2023 tới. Trước giờ, chưa từng có ai không muốn đặt tâm huyết vào doanh nghiệp (không sở hữu cổ phiếu), quản lý kém hiệu quả hoặc chỉ nhắm tới lợi ích mà quên ơn người dẫn dắt mình… mà được cổ đông chọn làm người lãnh đạo họ trong nhiệm kỳ kế tiếp cả.