Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) vừa chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi Deloitte.
Năm 2022 Vietnam Airlines có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.
Sau thuế, lỗ hợp nhất năm 2022 của HVN là 11.223 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 2.056 tỷ đồng so với năm 2021. Các khoản lỗ từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 khiến hãng lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết công ty đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian tới công ty sẽ thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu, cải thiện kết quả kinh doanh. Văn bản giải trình của Vietnam Airlines cũng chưa cung cấp những thông tin chi tiết về các biện pháp này.
Về nguyên nhân thua lỗ năm 2022, Vietnam Airlines cho biết do thị trường vận chuyển quốc tế đang phục hồi chậm trong khi giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine, đồng thời các rủi ro tài chính (lãi suất, tỷ giá) cũng không ngừng gia tăng sức ép lên hoạt động kinh doanh của công ty.
Cụ thể, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch.
Do đó, chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng do giá khoảng 2.482 tỷ đồng. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỷ đồng.
Chênh lệch chi - thu tỷ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.269 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 804 tỷ đồng.
Trong phần ý kiến, kiểm toán lưu ý người đọc hai vấn đề: Một là tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng. Hai là vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của Tổng Công ty là 15.396 tỷ đồng.
Theo kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của HVN sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
"Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty", báo cáo kiểm toán của Deloitte cho biết.
Báo cáo kiểm toán là cơ sở để ghi nhận kết quả kinh doanh chính thức của doanh nghiệp, là căn cứ để quyết định các chế tài với doanh nghiệp, trong đó có quyết định hủy niêm yết bắt buộc. Với Vietnam Airlines, nếu tuân thủ đúng quy định, cổ phiếu HVN của công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trong thời gian tới.
Việc hủy niêm yết có thể khiến cổ phiếu HVN chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM với các quy định khác về biên độ, về việc công bố thông tin... so với HoSE.
Trước đó, hồi tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm.
Tổng nợ phải trả tăng mạnh hơn 9.100 tỷ đồng so với đầu năm, lên 71,691 tỷ đồng. Trong đố đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 13.400 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 14.868 tỷ đồng (giảm 5.555 tỷ đồng so với đầu năm).
Báo cáo ghi nhận đến 31/12/2022 Tổng công ty có khoản nợ phải trả chưa thanh toán 15.396 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng cung cấp thông tin mới nhất, khoảng 4.373 tỷ đồng nợ đã được các đối tác đồng ý cơ cấu lại kỳ hạn thanh toán sang năm tiếp theo, và đang đàm phán tiếp với các đối tác khác.
Chủ nợ lớn nhất vủa Vietnam Airlines là Vietcombank với dư nợ ngắn hạn 2.467 tỷ đồng và dư nợ dài hạn 3.572 tỷ đồng. Tổng nợ lên hơn 6.000 tỷ đồng. Các khoản nợ dài hạn còn có Tập đoàn IMG; CityBank, MUFG, eabank (SSB), MSB, BIDV và Eximbank.