Hành trình từ ... vỏ sò đến ví điện tử
Thanh toán là một trong những hoạt động kinh tế cơ bản nhất. Để mua bất kỳ thứ gì, bạn phải trao đổi bằng thứ gì đó mà người bán muốn. Những dạng thức đầu tiên của tiền tệ - từ vỏ sò cho đến những đồng xu kim loại – đem đến 1 giải pháp: chúng luôn được người bán tiếp nhận, do đó được chấp nhận làm phương thức thanh toán. Tuy nhiên, loại hình này cũng có nhiều vấn đề, từ tiền giả cho đến tình trạng thiếu thanh khoản.
Giao dịch sử dụng tín dụng đầu tiên được ghi nhận từ cách đây 5.000 năm. Kể từ đó đến nay, các hợp đồng mua bán sử dụng tín dụng đã trở nên phổ biến và thay đổi cuộc chơi. Nhưng tín dụng không chỉ cung cấp thanh khoản ngay lập tức và thúc đẩy thương mại mà còn yêu cầu rất cao về niềm tin và cần có bước xác thực. Do đó cũng đi kèm với nhiều vấn đề.
Hàng trăm năm nay, loài người chủ yếu sử dụng các phương tiện thanh toán vật lý (trong đó có tiền mặt) để giao dịch. Các ngân hàng ra đời để bảo vệ các hàng hóa như ngũ cốc nhưng ngày nay đã liên kết chặt chẽ với hoạt động thanh toán của người tiêu dùng. Sau đó là sự ra đời của những tấm séc đi liền với tài khoản ngân hàng.
Những tấm thẻ tín dụng đầu tiên (của Diners Club năm 1950) và những tấm thẻ có dải từ (của American Express năm 1971) đã kích hoạt làn sóng chuyển từ tiền giấy và séc sang những phương thức tân tiến hơn. Tuy nhiên, những tấm thẻ này phần lớn chỉ phổ biến ở những nền kinh tế phát triển và vẫn gắn chặt với các ngân hàng – “nút thắt” trung tâm của mạng lưới tài chính.
Giờ đây, làn sóng số hóa được hậu thuẫn bởi những chiếc điện thoại thông minh và Internet đang một lần nữa thay đổi hệ thống thanh toán. Bằng cách cho phép thanh toán từ xa và gần như ngay lập tức, dòng chảy của tiền được khơi thông hết mức có thể. Không chỉ cho phép giao thương bất chấp khoảng cách địa lý, các giao dịch đều có thể được truy vết tường tận.
Những gì còn lại sau cơn sốt
Những dạng thức thanh toán được số hóa còn trở thành nền tảng để cung cấp những dịch vụ tài chính đa dạng khác, đem đến sự thay đổi đặc biệt quan trọng ở những nước nghèo hơn với hệ thống tài chính kém phát triển hơn.
Sự nổi lên của những nền tảng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tạo nên những “ông vua” mới trong hệ thống thanh toán quốc tế - nơi ghi nhận doanh thu 2.100 tỷ USD trong năm 2021. Những người trong ngành hào hứng kỳ vọng những thủ tục phức tạp ở ngân hàng, tấm thẻ tín dụng đắt đỏ và tiền mặt đầy bụi bẩn sẽ được thay thế bằng ví điện tử, tiền số và thậm chí là cả đồng tiền số do các NHTW phát hành.
Xét trên một vài góc độ, đó là sự kỳ vọng thái quá. Tuy nhiên, rõ ràng là dòng chảy của tiền đang trải qua một sự thay đổi rất lớn. Tỷ trọng giao dịch bằng tiền mặt sụt giảm mạnh, giảm trung bình 25 điểm phần trăm tại các thị trường lớn nhất thế giới trong thời kỳ từ 2011 đến 2021, trong đó mạnh nhất là tại các nền kinh tế mới nổi.
Trên khắp thế giới đang nổi lên rất nhiều hệ thống thanh toán, mỗi hệ thống đều có ưu nhược điểm của riêng mình. Và không chỉ các công ty fintech non trẻ hay những tân binh ôm mộng tiền số đang phát triển các hệ thống này. Trong nhiều trường hợp đó là sự kết hợp giữa các hệ thống được nhà nước hậu thuẫn với những ngân hàng truyền thống đã có vị thế và đang háo hức áp dụng công nghệ mới.
Ví dụ, tại Ấn Độ và Brazil, các nền tảng thanh toán được nhà nước hậu thuẫn đang trở thành người chơi chính trên thị trường thanh toán phi tiền mặt, đưa hàng trăm triệu công dân từng không có tài khoản ngân hàng vào hệ thống tài chính chính thức. Nhiều ứng dụng fintech của Trung Quốc nỗ lực mở rộng tại thị trường châu Á và cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sự phụ thuộc của khu vực này vào đồng USD.
Thách thức trật tự cũ
Giống như bất kỳ cuộc cách mạng nào, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số của thế giới hiện đại đang thách thức trật tự cũ. Trước đây, các ngân hàng là cánh cửa mở ra hệ thống tài chính. Còn giờ đây, đối với nhiều người thanh toán được thực hiện qua các ứng dụng sử dụng mã QR, mạng lưới thanh toán nhanh và kết nối internet tốc độ cao đã thay thế vai trò đó. Khi người dùng bắt đầu nhận và chuyển tiền, các dữ liệu thu thập được có thể được sử dụng để “mở khóa” những dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm và các khoản vay.
Cơn sốt tài chính số lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm 2020, khi thế giới ngày càng chuộng các kênh thanh toán phi tiền mặt với lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Hàng trăm đồng tiền số mới ra đời và rất nhiều người kiếm được mức lãi suất lên đến 20% hoặc hơn trên các khoản tiền gửi bằng tiền số mà dường như không có chút rủi ro nào.
Giá trị thị trường tiền số lên đến 3.000 tỷ USD vào đầu năm 2021. Ant Group của Alibaba sắp ra mắt vụ IPO bom tấn với mức định giá hơn 300 tỷ USD. Mùa hè 2021, giá trị vốn hóa của Paypal vào khoảng 350 tỷ USD, bám đuổi sát nút ngân hàng lớn nhất thế giới là JPMorgan Chase (450 tỷ USD) và công ty thẻ lớn nhất thế giới là Visa (520 tỷ USD).
Sau đó bong bóng đã vỡ. Chịu ảnh hưởng từ lãi suất tăng và xung đột ở Ukraine, thị trường tài chính thế giới đã trải qua nhiều sóng gió trong năm vừa qua và nhiều công ty fintech đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trung Quốc là nơi đầu tiên. Từ tháng 11/2020, vụ IPO của Ant đã bị hoãn vô thời hạn và đó chính là 1 lời cảnh báo sớm cho “mùa đông” sắp ập đến.
Tính đến nay giá trị thị trường tiền số giảm gần 60% so với mức đỉnh lập năm 2021. Theo ước tính của The Economist, giá trị thị trường của 100 công ty fintech lớn nhất thế giới (cả niêm yết và tư nhân) đã sụt giảm một nửa trong cùng kỳ.
3 thay đổi lớn của ngành tài chính
Nhưng bất chấp những sóng gió vừa qua, làn sóng số hóa vẫn mang đến 3 sự thay đổi lớn cho ngành tài chính.
Thứ nhất, cuộc tranh luận ở các nước giàu hơn về việc liệu các công ty tiền số hay fintech có chấm dứt sự thống trị của các ngân hàng và mạng lưới thẻ đã chấm dứt. Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, tiền số đã trở thành 1 bong bóng và vẫn đang chật vật chứng minh tính hữu dụng của mình. Các công ty fintech vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng các ngân hàng truyền thống lại thích nghi với làn sóng số hóa tốt hơn so với dự đoán của nhiều người.
Thứ hai, các thị trường mới nổi đã phát triển những hệ thống thanh toán mở cung cấp sự lựa chọn thay thế cho cả mô hình ngân hàng ở các nước phát triển và những ông lớn fintech khép kín của Trung Quốc.
Thay đổi thứ 3 là nhiều chính phủ đang thực hiện các bước để giảm phụ thuộc vào mạng lưới thanh toán của phương Tây cũng như đồng USD. Dù đã có từ lâu nhưng nỗ lực này được đẩy mạnh bởi các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau xung đột ở Ukraine. Một số nước xây dựng các mạng lưới thẻ thay thế cho Visa và Mastercard. Trung Quốc đang triển khai 1 hệ thống thay thế SWIFT.
Ví UPI của Ấn Độ giờ đây có thể được sử dụng ở Singapore. Ví điện tử AliPay được chấp nhận ở nhiều nơi từ Dubai đến Washington. GrapPay của Malaysia đang trở nên phổ biến khắp Đông Nam Á. Trong khi đó Trung Quốc dẫn đầu nỗ lực tạo ra 1 hệ thống thanh toán của châu Á với nhân dân tệ là đồng tiền chủ chốt.
Công nghệ đem đến những lựa chọn rẻ hơn để thay thế đồng USD, và điều đó có thể trở thành 1 thách thức lớn đối với sự thống trị của phương Tây trên “mặt trận” tài chính quốc tế.