1. Bạn ít khi nào có cơ hội được "làm" marketing thực thụ
Marketing thực thụ ở đây là kiểu như trong sách vở của Philip Kotler hay Seth Godin, ít ra là khi bạn mới vào nghề. Bạn đa phần có thể sẽ bắt đầu công việc của mình ở những vai trò như content writer, account, digital ads, SEO, planner, v.v... Công việc chuyên môn của bạn là một mảng tương đối nhỏ trong marketing.
Tuy nhiên, càng có dịp lên cao hơn, mở rộng kiến thức ra, bước ra khỏi chuyên môn bạn sẽ thấy dần sự liên kết của thứ chuyên môn mình làm vào một bức tranh chiến lược marketing tổng thể hơn.
Và do đó...
2. Kiến thức ngành quan trọng có khi còn hơn kiến thức chuyên môn
Mình ngạc nhiên khi nhìn lại và thấy rằng những kiến thức ngành tổng quát nó giúp mình làm mọi thứ dễ dàng hơn như thế nào. Ví dụ: nếu bạn làm digital marketing cho mobile app thì bạn tốt nhất nên hiểu được rằng mobile app xây dựng ra sao, host như thế nào, tại sao tracking trên mobile app khác với web, thời hạn cập nhật của mobile app lên store tốn bao lâu, những loại cập nhật nào không cần can thiệp kỹ thuật hay đẩy bắt buộc nâng cấp, v.v...
Không có kiến thức ngành về thứ mình đang làm sẽ khiến cho bạn khó khăn hơn trong việc có thể tạo ra giá trị cho việc chuyên môn bạn đang làm vì đơn giản bạn không tự nhận thức được thứ gì nên làm hay không.
3. Sắp xếp lại mớ kiến thức hỗn độn bạn có trong đầu càng sớm thì càng tốt
Đây là thứ rất nhiều bạn đi làm nhiều năm vẫn bỏ qua. Các bạn cứ làm và làm rồi tích lũy bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm trong từng ấy năm để rồi...dần dần lãng quên. Kiến thức và kinh nghiệm cũng như những quyển sách, bạn đọc rồi thấy hay lúc đó nhưng bỏ qua lâu thì dần sẽ quên hết những thứ hay ho đó dù trước đó bạn có tâm đắc nó đến bao nhiêu.
Mình thường khuyên các bạn trẻ là hãy tìm cách nào đó để sắp xếp lại kiến thức mà mình đã tích lũy được qua nhiều năm đi làm bằng cách nào tiện nhất cho các bạn: viết blog, vẽ mindmap, làm presentation, thu podcast, quay video, chia sẻ, mentor cho các bạn trẻ hơn, gom tất cả các file tài liệu, các planning, các kế hoạch mình đã từng làm và lưu trữ vào một chỗ nào đó có sắp xếp rõ ràng.
4. Làm gì không quan trọng bằng thứ bạn làm có tạo ra giá trị hay không
Giá trị của người làm SEO không phải là ở chỗ tăng traffic, giá trị của người làm content không phải là viết một tháng bao nhiêu bài. Traffic tăng gấp đôi hay gấp ba nhưng nếu doanh thu không tăng, người dùng không đăng ký thì cũng khó mà nói traffic bạn mang về là có giá trị. Bài viết của bạn có ngàn lượt tương tác nhưng không có ai trong đó là khách hàng tiềm năng, không ai liên hệ tìm hiểu thông tin thì cũng khó mà nói là content của bạn là tốt.
Nên cái quan trọng nhất là xác định rõ ràng giá trị mà bạn cần tạo ra từ công việc của mình là gì, số lượng traffic hay số bài viết / số tương tác chỉ là metric để theo dõi tiến trình thực hiện công việc của bạn chứ chúng KHÔNG PHẢI là chỉ số đo lường mức độ tốt công việc của bạn ra sao. Cần rõ ràng thứ bạn cần phải tập trung để tạo ra giá trị rồi từ lật ngược lại để ra được thứ cần làm chứ không phải ngược lại.
5. Ở đâu cũng có người this người that
Có một sự thật là đi đến đâu chúng ta cũng sẽ gặp những người mà khi làm việc sẽ khiến mình không khỏi có cảm giác bực bội và cảm thấy người đó thật "tào lao". Những nhân vật đó thì dù không phải là sếp hay đồng nghiệp thì có khi là một anh giám đốc bộ phận khác hay một cô project manager bên phía khách hàng hoặc một đứa nhân viên bên phía vendor, v.v...
Nói chung nó sẽ dễ dàng hơn để chúng ta biến những người this and that thành những nhân vật phản diện trong suy nghĩ của chúng ta và hạ thấp năng lực hoặc khả năng của họ (trong tâm trí mình) để cảm thấy mình là nhân vật chính hay nạn nhân trong công việc. Một số người thì chọn phương pháp để cho "máu chó" của mình lấn át và nhảy vào một cuộc chiến với những người đó.
Có thể họ tào lao thật, có thể năng lực của họ có giới hạn, có thể họ đang có vấn đề gì đó cá nhân, có thể đó chỉ là tính cách của họ, chúng ta không bao giờ biết được nhưng chúng ta muốn tốt hơn và trưởng thành hơn, chúng ta phải học cách để làm việc với họ, bỏ qua hoặc phải tính được cả những thứ "tào lao" có thể sẽ phát sinh từ những người đó vào trong kế hoạch của mình để thực thi. Bạn biết sếp bạn hay lật kèo tới phút cuối khi tổ chức sự kiện? Đừng vội ký kết hợp đồng gì cho tới khi có xác nhận, lịch trình thanh toán cần kéo dãn và sát ngày nhất có thể, liên tục giao tiếp với các đầu mối để tìm kiếm thêm giải pháp hay lựa chọn trong trường hợp phát sinh, v.v... Đó là giải pháp mình chọn, đương nhiên không thỏa mãn bằng việc nổi máu chó và combat nhưng được cái là xong việc, bằng cách này hay cách khác.
Hãy nhớ, người khác sẽ không bao giờ là lý do hợp lý để bạn biện hộ cho sự thất bại trong thực thi của mình. Suck it and move on.
6. Không có gì là chắc chắn trong mọi thứ bạn làm
Đối diện với con người cũng mệt, mà đối diện với sự không chắc chắn cũng mệt và mệt nhất là đối diện với những con người không chắc chắn trong những thứ họ muốn làm. Nhưng sự thật là bạn sẽ luôn phải đối diện với những người như vậy ở mọi cấp độ công việc vì sự thiếu chắc chắn luôn hiện diện. Đôi khi bạn cũng thế, không có gì quá lạ.
Con người không phải lúc nào cũng biết mình cần làm gì và phải làm gì và đôi khi không nhận ra một sự thay đổi nhỏ có thể tạo ra bao nhiêu phiền toái. "Ồ, thay cái màu thiết kế này một chút thôi có gì mà khó?" - đương nhiên là không khó nếu như không phải ngày mai đã diễn ra sự kiện và toàn bộ ấn phẩm đã được in ấn và sản xuất.
Nhưng mà, đối diện với sự không chắc chắn, suy nghĩ, tìm kiếm giải pháp và thực thi giải pháp đó để đạt được mục tiêu chính là công việc của bạn. Và đó là công việc mà chắc chắn AI không thể nào làm thay bạn được. Còn nếu bạn chỉ muốn làm những gì chắc chắn và rõ ràng và đối với bạn một kế hoạch hoàn hảo là kế hoạch không có sơ hở, không có phát sinh thì bạn nên sớm chỉnh đốn lại tư duy đó.
7. Hãy luôn tự nhủ rằng mọi thứ có thể đổ vỡ, sẽ đổ vỡ
Một điểm khác biệt của một người nhân viên đáng tin cậy và một nhân viên bình thường mà Tú có dịp làm việc qua nhiều năm quản lý chính là ở những đứa đáng tin cậy tụi nó rất là paranoid đôi khi tới mức cực đoan. Tụi nó éo có tin bố con thằng nào và luôn cho rằng sẽ có ai đó f*cked up chỗ này hay chỗ khác và vì vậy tụi nó thường xuyên rà soát, kiểm tra, coi lại mọi thứ để đảm bảo không có gì phát sinh hoặc có thì xử lý ngay từ sớm. Làm sếp mấy đứa vậy sướng lắm vì tụi nó paranoid thay mình.
So be paranoid, people.
8. "Xuất sắc" thật sự không phải là thứ có thể dạy được
Thỉnh thoảng đi làm bạn gặp một số người cool ngầu và rất xuất sắc và bạn mong muốn có thể lúc nào đó trở nên cool ngầu như họ. Vậy nên bạn bỏ tiền ra học khóa học, bạn tham khảo hết người này người kia, bạn đọc sách, bạn nghe podcast, v.v... mấy thứ đó không sai, có điều những khóa học và podcast đó chỉ có tác dụng giúp bạn từ dở như shit trở thành nên đỡ shit hơn hoặc là chấp nhận được.
Chuyện trở nên cool ngầu không phải là thứ có thể học được mà phải đến từ quá trình làm và trầy da tróc vẩy, thất bại bét nhè, rơi xuống hố sâu của sự tuyệt vọng rồi bò từ dưới đáy đi lên và lập lại điều đó nhiều nhiều lần thì mới trở nên cool ngầu. Không ai cool ngầu mà đầu không đầy sẹo và đầy sạn.
Nên yeah, fucked up, rise up, and level up.
9. Bạn sẽ phải lên kế hoạch và ước tính, dù ngay cả khi bạn không muốn
Thỉnh thoảng sếp sẽ nhào tới hỏi bạn là theo em thì làm ABC thì sẽ có kết quả XYZ ra sao? Cho anh/chị một con số ước tính của XYZ và XYZ' trong trường hợp xấu nhất đi (trong vòng 2 tiếng).
Và thường con số mà bạn nói ra sau này sẽ thành cái khung của việc planning KPI mà bạn sẽ phải gánh.
Nhiều bạn trẻ giãy nãy và cho rằng planning thì phải kỹ lưỡng, cẩn trọng và các bạn thường không thích khi bị ép planning như vậy. Nhưng nói thật cái kế hoạch bạn plan trong 2 tiếng hay trong 2 ngày sau này cũng ko quá khác nhau đâu vì có thể đều trật lất hết :))) Planning fallacy là thứ tất cả chúng ta đều mắc phải, đặc biệt khi còn thiếu kinh nghiệm.
Cách tốt nhất là cắn răng và làm, planning càng nhiều, dần rút kinh nghiệm rồi sau đó sẽ tự planning tốt hơn dù có là plan 2 tiếng hay plan 2 ngày.
10. Marketing không phải là một công việc như mơ ước của nhiều người
Với đủ các thể loại vấn đề như trên thì marketing không phải thứ công việc đáng mơ ước như nhiều người nghĩ. Đầy những thứ stressful và cũng không thiếu những bất cập, tiêu cực. Bạn đến với marketing và nghĩ rằng đây là công việc bay bổng ngồi rung chân máy lạnh thì bạn sẽ sớm bị nghề tát cho vài cái tỉnh cả người.
Tuy nhiên, marketing vẫn là một nghề đáng quý, tạo ra giá trị cho xã hội và cũng như mọi nghề khác cách duy nhất để phát triển và đi lên là có tư duy đúng đắn, chịu khó học hỏi, không ngại dấn thân / thất bại và cuối cùng là niềm tin tốt đẹp vào giá trị nghề nghiệp của mình.
Theo Bui Quang Tinh Tu