Xưa, có anh trồng nhiều mướp đắng (trái khổ qua) khi ra chợ bán thì ế, trong khi hàng dưa chuột (dưa leo) bên cạnh đông nghẹt. Thấy vậy, trời nha nhem tối thì anh rao dưa chuột đây, hạ giá đây. Người mua về bị lừa, hôm sau lên đối chất thì anh chối nhem nhẻm, thề thốt không có nói như thế. Vì nói dối nên anh mất uy tín, người ta đồn nhau, không ai làm ăn với anh.
Một hôm, trời sắp tối mà sạp anh vẫn đầy mướp đắng, anh rầu rĩ rao lên "dưa chuột đây, hạ giá đây" thì có một bà đi ngang qua, rao "cám gạo đây". Cám gạo giá trị cao, vì vừa có thể nấu rượu, vừa làm thức ăn gia cầm gia súc. Anh nói bây giờ tối rồi, mình đổi hàng cho nhau nhé, bà lấy hết "dưa chuột" của tôi, tôi lấy hết cám gạo của bà. Bà ta đồng ý. Anh ta mừng rỡ vì lừa tiếp được 1 người nữa, quả này lớn, sướng. Đêm về, anh lấy cám ra định nấu rượu thì thấy thực chất là mạt cưa (bột gỗ trong quá trình cưa, không có giá trị mấy, nhìn thoáng qua thì rất giống cám).
Hễ tin người thì sẽ có người tin lại. Hễ tốt với người thì sẽ có người tốt lại. Hễ cho đi thì có người cho lại mình. Cứ lừa người thì chắc chắn có ngày sẽ bị lừa lại. Đó là luật nhân quả. Gieo hạt bưởi thì hái trái bưởi, gieo hạt chanh thì hái trái chanh. Quy luật này bao trùm lên mọi sự vật hiện tượng, giải thích mọi khía cạnh của cuộc sống. Một đời giàu sang phú quý hay bần cùng khổ sở, được tin yêu hay bị khinh bỉ, được quý nhân giúp đỡ hay ta chẳng còn ai… tất cả đều tuỳ thuộc vào "hạt" mà mình đã gieo.
Có điều, nhân - quả không phải lúc nào cũng diễn ra liền liền trước mắt, mà có khi vài tháng, vài năm, thậm chí trời đất lu bu mà quên xử lý, tới đời sau mới nhớ, mới đòi lại. Do không hiểu điều này (người ta chỉ thấy kẻ lọc lừa gian xảo ác vẫn giàu có; còn người lương thiện sao hay bị nghèo khổ), nên nhiều người thiển cận sẽ không tin nhân - quả. Nhưng nếu bạn là người biết là mình chỉ là 1 sinh vật bé nhỏ, sống dưới vòm trời lồng lộng này, cái gì người không biết thì trời đất biết, ngoài trời còn có trời. Cái dối trá mà có được thì chỉ là tạm thời, cái gì từ mồ hôi công sức của mình thì mới giữ được.
Trong Truyện Kiều, nói về quan hệ giữa Mã Giám Sinh và Tú Bà thì Nguyễn Du viết: "Tình cờ chẳng hẹn mà nên. Mạt cưa - mướp đắng đôi bên một phường" là từ chuyện này.
*Nhiều bạn hỏi tui sao không viết về chuyện bị lừa trong làm ăn. Ôi ti tỉ tì ti lần bị lừa, đăng sẽ nghẽn mạng. Xã hội mình từ đói nghèo đi lên, lòng tham chưa kiểm soát tốt, nhiều cám gạo dưa chuột nhưng cũng có đầy mạt cưa mướp đắng. Tui xác định đã ra đời làm ăn là chấp nhận hết, hễ thấy bị lừa thì bye, không đòi bồi thường cũng không kỳ co nói qua nói lại, coi như xoá nháp. Bực bội, giận dữ cũng có, đó là cảm xúc của con người. Nhưng nhanh chóng cho nó chìm xuồng, mượn "chén canh Mạnh Bà" tinh thần để uống phát quên luôn. Cái mất thì cũng đã mất rồi, nghĩ thêm chỉ là cảm giác không tốt, nghĩ về quá khứ xấu thì sẽ thành người tiêu cực, và quan trọng là tốn thời gian.
Có mấy người hỏi, vậy chuyện người lừa tui có trả giá không, bảo tui kể hậu quả đi thì mới tin nhân-quả. Thiệt sự là tui không biết. Một khi xác định quên là quên, không theo dõi nữa, vương vấn thì coi như mình vẫn còn nghĩ tới chuyện cũ. Hoặc tức quá nên muốn chống mắt lên coi "quả báo ra sao", vậy là không sang. Hả hê khi thấy người phạm tội kia trả giá, thấy sướng khi mướp đắng gặp mạt cưa, thì cũng không thể cao quý. Những con người đó, mình có bao giờ giao du với họ nữa đâu. Trong làm ăn, hễ gặp phường mạt cưa mướp đắng thì mình phải chấp nhận, không tốn thời gian vớt vát vài ba đồng, nhanh chóng đóng game over, mở game khác ra chơi. Lo những dưa chuột cám gạo của mình, ai bán mạt cưa mướp đắng kệ họ, đất trời sẽ tự động cân bằng.
Cuộc sống rất tươi đẹp. Người tốt, người tử tế, người có đức tin vẫn rất nhiều. Cá nhân mình thì cố gắng trở thành người sang, người cao quý, đẹp người đẹp nết, ai cũng mến cũng yêu, tự khắc làm ăn thuận lợi.