Singapore là một quốc gia nhỏ về diện tích và trẻ về lịch sử, cũng là một quốc gia đặc thù vì dựa nhiều vào vị trí địa lý trên đường giao thương quốc tế. Vì vậy, Singpaore đặc biệt nhạy cảm với các biến động của thương mại và an ninh toàn cầu bởi điều đó quyết định sự sinh tồn của họ. Có một số câu chuyện mà tôi đã nghe trực tiếp khi họp hành trao đổi với người Singapore giúp tôi củng cố thêm cảm nhận này.
1. Cách đây 20 năm Singapore đã lo lắng về biến đổi khí hậu bởi vì nó sẽ làm hải trình qua Bắc cực khả thi hơn. Lúc đó eo Malacca không phải là điểm kết nối thuận tiện nhất giữa Á - Âu nữa. Vì vậy, người Singapore không lo về kênh Kra, bởi họ biết trình độ quản lý cảng biển của Thái thu xa mình. Họ lo về biến đổi khí hậu. Và bây giờ, lo thêm về đường sắt Á - Âu chạy qua Trung Quốc.
2. Cách đây 10 năm một anh bạn IT kể là anh làm một vị trí trong nội các, nhận được funding lớn để nghiên cứu về “Trung Quốc nghĩ gì”. Từ dự án này việc thu thập dữ liệu, xây dựng thuật toán, trung tâm dữ liệu cất cánh.
Trở lại với nhận định chiến lược về cục diện thế giới hiện nay, có một số câu trả lời không nên có sự mơ hồ.
1. Chủ nghĩa bảo hộ này là cá biệt hay trào lưu? Liệu thế giới bị phân mảnh bởi một vài cá nhân hay có những nguyên nhân nào sâu xa hơn? Chủ nghĩa đa phương còn tác dụng không hay nó đã chuyển biến thành một dạng thức “chọn lọc”? Nếu chúng ta nhìn nhận nó là nhất thời như 2017, như 2020 vậy thì chúng ta đã có gì thay đổi và trưởng thành hơn sau hai lần?
2. Một thay đổi về cấu trúc toàn cầu đang diễn ra, chúng ta nhận thức hết được sự thay đổi này chưa hay chỉ đang tập trung vào thương mại?
3. Có thực sự là có dư địa thương lượng cho chiến lược cân bằng quyền lực không?

Dưới đây là những nhận định của Thủ tướng Singapore mà tôi thấy xác đáng.
—————————
Chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển giao – đầy bất định, không ổn định và ngày càng trở nên bất an.
Kỷ nguyên của toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do đã kết thúc. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới trong các vấn đề toàn cầu – một giai đoạn mang tính tùy tiện hơn, bảo hộ hơn và nguy hiểm hơn.
Một mối quan ngại lớn ở Mỹ là Trung Quốc
Châu Á đang phải gánh chịu phần lớn tác động từ việc Mỹ tăng thuế.
Thay vì vận hành dựa trên hiệu quả kinh tế, dòng vốn và thương mại sẽ ngày càng bị chuyển hướng dựa trên sự liên kết chính trị và các cân nhắc chiến lược.
Nhưng mối lo ngại lớn hơn của chúng tôi không phải là tác động trực tiếp mà các doanh nghiệp này phải đối mặt. Đó là những hệ quả rộng lớn hơn đối với hệ thống thương mại toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Thứ nhất, các mức thuế “tương hỗ” là một sự phủ nhận cơ bản đối với các quy tắc của WTO. Chính sách thuế quan mới của Mỹ là một sự từ bỏ hoàn toàn nguyên tắc MFN. Nó mở ra cánh cửa cho các mối quan hệ thương mại chọn lọc theo từng quốc gia, dựa trên sở thích đơn phương.
Thứ hai, khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu toàn diện đang ngày càng tăng. Một khi các rào cản thương mại được dựng lên, chúng thường tồn tại lâu dài. Việc gỡ bỏ chúng khó khăn hơn nhiều, ngay cả khi lý do ban đầu không còn áp dụng nữa.
Điều đáng lo ngại không chỉ là bản thân các mức thuế – vốn đã gây thiệt hại – mà còn là việc làn sóng bảo hộ mới này mang tính bất định và không ổn định. Bảo hộ đã tệ - bảo hộ không ổn định còn tệ hơn.
Hậu quả không chỉ dừng lại ở kinh tế. Ngày càng có nhiều quốc gia quay lưng với hợp tác đôi bên cùng có lợi và hội nhập sâu hơn.
Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần. Trật tự dựa trên quy tắc và dễ dự đoán mà chúng ta từng biết đang dần tan biến.