Với sự thành công vượt trội của 2 dự án khởi nghiệp trước là Urban Station và đặc biệt là The Coffee House, Nguyễn Hải Ninh là một cái tên sáng giá trong làng startup Việt. Nhất cử nhất động của anh đều được mọi người quan tâm. Thế nên, dù đang trong quá trình hoàn thiện và mới bắt đầu hoạt động, song cái tên M Village – dự án khởi nghiệp mới nhất của Nguyễn Hải Ninh đã được nhiều người biết đến.

Có thể nói, ½ cuộc đời của Nguyễn Hải Ninh là dành cho cà phê và ngành F&B, nên đã rất nhiều người ngạc nhiên, khi anh nhảy sang khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản hoặc cụ thể hơn là dịch vụ bất động sản với M Village – mô hình kinh doanh kiểu co-living.

Là một người cẩn trọng, Nguyễn Hải Ninh chẳng ‘tay không đánh giặc’, mà trước đó, anh đã gia nhập startup bất động sản Citics với nhiều cái tên lão làng trong ngành khởi nghiệp Việt. Và hẳn những đồng đội mới, đã cho founder The Coffee House nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực cho thuê bất động sản.

Ý tưởng này khởi đầu trước khi đại dịch bùng phát, tuy nhiên tôi có niềm tin rằng, dịch có thể kéo dài 1-2 năm, còn đây là dự án dài hơi với tầm nhìn 10-20 năm hoặc lâu hơn thế nữa.

Thực tế, khi rời khỏi The Coffee House, tôi hoàn toàn có thể "nghỉ hưu sớm", nhưng cái máu chinh phục trong người vẫn còn, quan trọng hơn, tôi muốn làm một cái gì đó để chia sẻ giá trị đến với cộng đồng. Biết là liều đấy, ngông đấy, nhưng trong sự tính toán!”, Nguyễn Hải Ninh chia sẻ suy nghĩ về dự án khởi nghiệp mới của mình.

The Coffee House đang là một trong những startup về chuỗi F&B nổi bật nhất trên thị trường, được đánh giá là có cơ hội trở thành ‘unicorn’ tiếp theo của Việt Nam. Với tư cách là founder kiêm CEO trong nhiều năm, sau khi rời The Coffee House hẳn là Nguyễn Hải Ninh đã kiếm được một mớ kha khá. Hơn nữa, anh mới 34 tuổi – đây không phải là tuổi đáng được nghỉ hưu. Anh còn một quãng thời gian dài ở phía trước để chinh phục nhiều thử thách khác ngoài The Coffee House.

Ngoài ra, không khó để đoán lý do vì sao Nguyễn Hải Ninh chọn mô hình co-living để khởi nghiệp lần nữa thay vì cái khác: đây là mô hình kinh còn mới ở thị trường Việt Nam và nó đã được chứng minh sự thành công ở trên thế giới.

m-village-1621579198.jpg
m-village2-1621579198.jpg

Co-living không phải là mô hình kinh doanh hoặc lối sống quá mới trên thế giới, thậm chí nó là lựa chọn khá phổ biến của những người trẻ ở Hồng Kong, Thượng Hải, Singrapore, hay Mỹ... song nó mới chỉ du nhập Việt Nam cách đây vài năm. Có thể hình dung mô hình này đơn giản như coworking, nhưng đối tượng khách hàng không phải là công ty mà là cá nhân.

M Village đã khai trương vào ngày 15/5 với chi nhánh đầu tiên ở quận 3 – TP. HCM, mức giá phòng studio khoảng 8 triệu đồng và phòng đôi khoảng 12 đến 14 triệu. Trên website của mình, M Village cho biết, họ sẽ giới thiệu thêm 1 tòa nhà mới nữa vào cuối năm 2021, cũng tại TP.HCM.

Thế nên, không khó đoán về khách hàng mục tiêu của M Village: là những nhân viên văn phòng có thu nhập cỡ khá trở lên, tầm phải trên 40 triệu/tháng. Cũng theo M Village, đối tượng khách hàng mà họ hướng đến là người trẻ, những người có nhu cầu và tiêu chuẩn sống ngày càng khác biệt so với thế hệ cũ. Họ lớn lên với công nghệ, phương tiện truyền thông và nền kinh tế hội nhập nên khả năng kết nối- thích nghi, nên mong muốn chia sẻ với những người cùng lý tưởng là vô cùng lớn.

Cùng việc thị trường rất ít nhà cung cấp ở phân khúc này cộng với uy tín vốn có của Nguyễn Hải Ninh, tin rằng M Village sẽ rất đắt hàng.

m-village4-1621579198.jpg
m-village3-1621579198.jpg
m-village1-1621579198.jpg

"Với mong muốn định nghĩa lại ‘cách sống hạnh phúc’ cùng họ, chúng tôi xây dựng một không gian sống không chỉ gói gọn ở bốn bức tường, không phải ‘sống chồng lên nhau’, mà đó phải là một thế giới ngập tràn cảm hứng với những ý tưởng, những sự kết nối ý nghĩa, những nền văn hoá đa dạng để tôi và bạn sẽ cùng nhau hạnh phúc khi cùng nhau sống, cùng nhau xây dựng và cùng nhau trao gửi những giá trị sống tốt đẹp tô điểm cho cuộc sống của nhau”, Nguyễn Hải Ninh bày tỏ.

Sự khác biệt của M Village với các mô hình co-living khác, là họ chọn ‘bền vững’ là giá trị cốt lõi. Điều đó thể hiện xuyên suốt từ mô hình và ý tưởng ban đầu, lựa chọn mặt bằng, đến khi thực hiện phần cứng như kiến trúc (kết nối thiên nhiên, kết cấu mở) đến phần mềm như nội thất và các sản phẩm chăm sóc cuộc sống hằng ngày cho cư dân. Và từ vận hành - đào tạo đội ngũ phát triển sự nghiệp, đến các hoạt động nội bộ hướng đến các giá trị tinh thần. 

Bền vững cũng thể hiện ở sự kết nối và hợp tác với các thương hiệu nội địa để đem đến sự phát triển bền vững cho cộng đồng cũng như sản phẩm chất lượng đến người dùng. Nhìn vào concept kiến trúc và phong cách của M Village, chúng ta sẽ thấy thấp thoáng hình ảnh của The Coffee House đâu đây.

Ở trên thế giới, mô hình kinh doanh co-living đã chứng minh sự thành công của nó, nhất là tại thị trường Mỹ và Ấn Độ. Chúng ta có thể kể ra đây những cái tên đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, như Starcity, Bungalow, Common, PadSplit (đều của Mỹ); Zolo, Stanza Living, Colive (đều của Ấn Độ); HousingAnywhere (Hà Lan), Badi (Tây Ban Nha), CoHive (Indonsesia).

Trong đó, nổi bật nhất là Common. Startup này ra đời từ năm 2015 tại thành phố New York, được sáng lập bởi Brad Hargreaves. Tính đến năm 2020, Common đang quản lý 48 tòa nhà khác nhau ở 9 thành phố của Mỹ. Công ty đang có ý định mở rộng ra 22 thành phố trên khắp toàn cầu với 15.000 chỗ ở.

Common đã hợp tác với nhiều chủ bất động sản và tổ chức địa phương để tạo ra những cộng đồng dân cư, ngoài trả tiền chỗ ở còn trả tiền để chia sẻ các dịch vụ, sự kiện và quản lý hàng tháng. Common cung cấp cho cư dân mình phòng ngủ riêng, không gian sinh hoạt và làm việc chung, dọn dẹp nhà cửa, Wifi, dịch vụ riêng về giải trí – rèn luyện…

Họ đã gọi vốn tới vòng serie C và đã kêu gọi tổng cộng được 130 triệu USD, từ các quỹ đầu tư như Inevitable Ventures, Fifth Wall Ventures, 500 Startups và 18 nhà đầu tư ‘thiên thần’ khác.