Thuyết trình ngày nay không còn quá xa lạ đối với mọi người, hầu hết yêu cầu về công việc cũng như học tập đều xem kỹ năng thuyết trình là một phần quan trọng tất yếu. Hiếm người sinh ra đã tự nhiên giỏi kỹ năng giao tiếp thuyết trình. Từ những nhà lãnh đạo tài ba cho đến sinh viên, học sinh đều phải trải qua quá trình luyện tập để có thể thành thạo kỹ năng mềm này. Nhưng để có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng thuyết trình của mình tốt hơn, các nguyên tắc được đúc kết từ những nhà diễn thuyết nổi tiếng dưới đây sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều:
Bắt đầu trình bày từ những điều người nghe đã biết
Có một sự thật trong nguyên tắc nổi tiếng về quản lý con người là “Mọi người thường không quan tâm đến vấn đề của bạn hay công việc của bạn cho đến khi họ biết bạn quan tâm thực sự đến những vấn đề của họ”. Vậy bạn cần làm điều gì để bài thuyết trình của mình trở thành tiêu điểm chú ý của khán giả phía dưới? Nguyên tắc thuyết trình thành công căn bản nhất chính là hãy nói về những điều mà người nghe biết và quan tâm.
Bạn hãy trình bày từ những điều gần gũi và đúng với đối tượng khán giả lắng nghe của mình. Ví dụ khi bạn trình bày nội dung cho đối tượng GenZ, sẽ chẳng thể nào bạn cứ luyên thuyên nói những sự kiện lịch sử vào thế kỷ 17 được. Thay vào đó, bạn hãy bắt đầu trình bày về những xu hướng quen thuộc hiện tại trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cho khán giả của bạn thấy rằng giá trị nội dung trình bày của bạn gắn với họ. Một lần nữa, bạn cần đặt mình vào hoàn cảnh của họ, hiểu những gì liên quan đến và hòa nhịp với những cảm xúc của họ.
Khi bắt đầu trình bày từ những điều người nghe đã biết, bạn sẽ dễ dàng giao lưu bằng cách đặt ra những câu hỏi liên quan đến nội dung thuyết trình hơn. Hoặc chỉ đơn giản là cuộc trò chuyện trao đổi với nhau về quan điểm và sự hiểu biết về một sự vật, sự việc hay một lĩnh vực nào đó sẽ giúp không khí buổi thuyết trình không còn khoảng cách. Kỹ năng giao tiếp với khán giả bằng những điều gần gũi sẽ không lệ thuộc vào nội dung trên giấy hay máy chiếu, thêm vào đó nếu biết cách tương tác với mọi người thì bài thuyết trình của bạn sẽ càng sinh động và thành công.
Thành thạo nguyên tắc 10 - 20 - 30
Bạn đã bao giờ nghe quy tắc nổi tiếng 10 - 20 - 30 của nhà đầu tư Guy Kawasaki chưa? Đây là nguyên tắc tập trung vào sự cụ thể và khả năng hiển thị hiệu quả khi trình bày trên ứng dụng PowerPoint.
10 trang trình bày
Bằng cách giới hạn trong 10 slide trình bày, bạn sẽ dễ quản lý và quan sát được khán giả của mình đang tiếp thu kiến thức như thế nào. Để cho khán giả có thể dễ dàng nắm bắt được các ý chính trong bài thuyết trình của bạn tốt hơn, soạn một bài nói có nội dung quá dài là điều không cần thiết.
20 phút
Bạn hãy đề ra thời gian giới hạn trong bài thuyết trình và lược bớt những chi tiết không cần thiết để tập trung vào những nội dung, thông điệp quan trọng cần được truyền tải. Bạn nên dành ít nhất 10 phút trong khi thuyết trình cho các cuộc thảo luận, câu hỏi hoặc giao lưu với người nghe. Đây cũng là kỹ năng quản lý thời gian mà những nhà diễn thuyết thành công luôn áp dụng khi trình bày.
Phông chữ cỡ 30
Tùy thuộc vào kích thước phòng và màn hình, hầu hết khán giả sẽ có thể nhìn thấy văn bản có phông chữ ít nhất là cỡ 30. Khi thiết kế bản trình bày của bạn, hãy nhớ rằng mọi thứ bạn thể hiện phải hiển thị cho mọi người tham dự, đặc biệt là những người ở phía sau.
Kawasaki đã tạo ra quy tắc 10–20–30 để giúp các doanh nhân chào hàng hiệu quả hơn với các nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, không chỉ phổ biến trong giới kinh doanh, nguyên tắc này đã được các nhà diễn thuyết nổi tiếng áp dụng vào phần trình bày để đạt được hiệu quả thuyết trình nhất định. Bạn chỉ cần nhớ đơn giản 10 slide giúp tập trung vào một vài điểm đáng nhớ, dài 20 phút để tử tế với chu trình tập trung của mọi người và kích thước phông chữ tối thiểu 30 giúp khán giả nghe lời bạn nói hơn là đọc sẽ giúp bài thuyết trình của bạn chuyên nghiệp hơn!
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách linh hoạt
Kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình được xem là một trong những bí quyết giúp phần trình bày của bạn cuốn hút hơn. Những nhà diễn thuyết nổi tiếng trên thế giới như Jack Ma, Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Richard Branson đều thể hiện cho mình một phong cách đặc biệt về ngôn ngữ hình thể để tạo ấn tượng với khán giả của mình.
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi ngôn ngữ hình thể của những nhà diễn thuyết nổi tiếng đã trở thành biểu tượng của chính họ nhằm thể hiện phong thái tự tin và đạt được sự tín nhiệm với mọi người. Jack Ma thường giơ 2 ngón tay cái mang đến thông điệp “Đừng bỏ cuộc” để mọi người luôn cảm nhận những gì ông đã trải qua và làm được. Mark Zuckerberg thường có những cử chỉ bắt chước người khác trong lúc trình bày để mang đến sự gần gũi và ấm áp.
Nếu chỉ thuyết trình và đứng nói, điều này sẽ chẳng thể tạo cảm hứng giúp mọi người tập trung vào bạn. Thay vì di chuyển trong lúc trình bày, bạn có thể kết hợp thêm một số cử chỉ để tạo sự thú vị cho người xem. Hầu hết những người biết kiểm soát lời nói và cử chỉ trong lúc trình bày thường để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn, thuyết phục người đối diện hơn. Theo chuyên gia ngôn ngữ hình thể Goman đã từng nói rằng: “Nếu bạn làm điều đó vừa đủ, bạn thực sự có được cơ hội kết nối vào tư duy của họ để trở nên đồng cảm hơn”.
Đối với những nhà diễn thuyết nổi tiếng, họ không tự nhiên sinh ra là đã giỏi kỹ năng thuyết trình mà cần phải trải qua một quá trình luyện tập và thu về những kinh nghiệm độc đáo phù hợp cho bản thân mình. Chúng ta cũng vậy, dù bạn là người mới tập thuyết trình hay thuyết trình lâu năm nhưng vẫn chưa cảm giác đạt được ấn tượng cho người xem, hãy luôn luôn học hỏi để giỏi hơn mỗi ngày bạn nha.
Lê Thị Bảo Trân