Người Việt có máu viễn chinh, có khát khao ra nước ngoài chinh phục thế giới mở mang bờ cõi?

Câu trả lời là có với tư cách cá nhân. Minh chứng là hiện đang có hàng trăm ngàn du học sinh, hàng trăn ngàn người lao động, hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài.

Câu trả lời là không (hoặc chưa) với tư cách một đội quân, một tổ chức.

Ngày hôm qua, một loạt các tờ báo quốc tế đưa tin “FPT Software mở văn phòng tại Ấn Độ, đây là văn phòng thứ 50 của FPT Software ở nước ngoài”.

Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ buổi bảo vệ kế hoạch kinh doanh năm 2021 của FPT, khi được giao chỉ tiêu năm 2021 tăng trưởng 25-30%, một lãnh đạo FPT Software đã nói:

“Các anh giao bọn em tăng trưởng 25-30%, chúng em không thể làm được, lý do lớn nhất là chúng ta không thể tuyển được người, bởi muốn tăng trưởng 20-30% thì năm 2021 chúng em phải tuyển thêm 9.000 nhân viên nữa, Việt Nam lấy đâu ra 9.000 nhân lực CNTT mà tuyển”.

Việt Nam không đủ nguồn lực CNTT, thì sang Ấn Độ, quốc gia có 1.35 tỷ dân, có hàng trăm nghìn, hàng triệu nhân lực CNTT có chất lượng, thành thạo tiếng Anh.

Nhớ lại thời điểm 21 năm trước, năm 1999 khi FPT bắt đầu công cuộc viễn chinh phần mềm, Khúc Trung Kiên, Bùi Hồng Liên và Phạm Minh Tuấn, 3 chiến binh lĩnh ấn tiên phong sang Ấn Độ mở văn phòng (văn phòng đầu tiên của FPT ở nước ngoài). Khi ấy mở văn phòng với mục đích duy nhất là chỉ để học, học từ đối tác, học từ chính nhân viên người Ấn Độ của mình. Sau khi học tạm đủ, đội quan viễn chinh Ấn Độ rút về nước, vì thời điểm ấy tiền còn phải giành cho đội quân viễn chinh bên Mỹ đang ăn mỳ gói, ngủ giường tầng.

21 năm sau đội quân viễn chinh FPT đã có 50 văn phòng ở 23 quốc gia, trong đó có công ty FPT Asia Pacific, công ty FPT Japan, công ty FPT USA, công ty FPT EURO, công ty Intelinet (công ty Mỹ 100%, FPT là chủ), công ty RWE Slovakia (công ty 100% Slovakia, FPT là chủ).

Dấu ấn viễn chinh nhìn rõ nhất của FPT là đã có 800 bạn FPT Japan đã đưa gia đình (vợ chồng, con cái) sang sinh sống và định cư tại Nhật Bản, đã có hơn 100 bạn FPT USA đã mua được biệt thự và đưa gia đình sang sinh sống, làm việc và học tập tại Mỹ.

Chúng ta đang mong chờ viễn chinh ở qui mô lớn hơn nữa của Viettel với dịch vụ Viễn thông, Trường Hải với ô tô sơ mi rô móc, BKAV với Camera AI, Vin với điện thoại Vinsmart, VVN với van đồng công nghiệp.

Chúng ta đang mong chờ sự viễn chinh của công nghệ 5G của Viettel, ô tô Vinfast của Vin.

Mong lắm đến một ngày mà người Việt chúng ta tự tin nói rằng “người Việt không còn quanh quẩn xó nhà”.