Gemadept, Vinaship, Hải An, và các doanh nghiệp vận tải biển khác dự kiến có thêm một năm lợi nhuận cao khi giá cước chưa thể hạ nhiệt ngay và ngành sản xuất đang phục hồi.

Cụ thể, Gemadept đề ra mục tiêu doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chạm mốc kỷ lục 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong ngành vận tải biển.

Tương tự, CTCP Vân tải và Xếp dỡ Hải An cũng đặt ra kế hoạch lợi nhuận là 550 tỷ đồng trong năm nay. Vinaship cũng có mục tiêu lợi nhuận tăng gần 15% lên 208 tỷ đồng nhằm xoá sạch khoản lỗ luỹ kế còn lại của doanh nghiệp sau khoản thời gian dài kinh doanh bết bát.

CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 3 lần lên 32 tỷ đồng. Con số này tương đối thấp so với các đối thủ cùng ngành bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 năm gần đây khá bết bát.

Chứng khoán Vietcombank nhận định giá cước vận tải sẽ hạ nhiệt nhưng khó về lại mức thấp trong năm nay. Nguyên nhân chính là một số trung tâm sản xuất và tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ mất thêm nhiều thời gian để hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, nguồn cung container đóng mới sẽ bắt đầu bàn giao mạnh trong năm 2023.

chuyen-hang-hoa-di-duong-bien-1650855352.jpeg

Tương tự, chứng khoán SSI cũng dự đoán giá cước vận tải nội địa sẽ tăng lên đáng kể. Các công ty container có nhiều tiềm năng kiếm lời do giá thuê tàu và giá cước vận tải nội địa cao.

Doanh nghiệp các ngành khác sẽ tiếp tục gặp khó?

Trước những kế hoạch doanh thu khổng lồ của các ông lớn vận tải, nhiều doanh nghiệp các ngành nghề khác lại tỏ ra ngán ngẫm bởi nếu chi phí vận tải cứ tiếp tục tăng cao thì cơ hội phục hồi việc kinh doanh của họ cũng đổ sông đổ bể.

Bình luận trên vnexpress, một tài khoản cho biết, “Tôi và bạn tôi hết đường sống khi mà một container được vận chuyển đến Mỹ đã mất phí đến 30.000 USD, đi Thượng Hải mất khoản 170 triệu VND.”

“Nếu chịu không nổi thì nên bán công ty hoặc tìm người cho thuê thôi. Bây giờ nhảy vào là lỗ chắc bởi đầu ra không tăng, thậm chí còn bị ép giá rẻ hơn lúc xăng dầu lên giá,” tài khoản cho biết thêm.

Một tài khoản khác cũng có bình luận tương tự, “Kinh doanh thì phải có nhân văn. Ông lãi lớn thì các chỗ khác phá sản rồi hụt hơi. Buồn.”

Chi phí vận tải cao ngất ngưỡng trước sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong 2 năm gần đây đang đè nặng lên nhiều doanh nghiệp.

Tính đến tháng 3, chi phí vận chuyển một container 40 feet (FEU) từ châu Á sang Mỹ đã ở mức gần 9.800 USD, gấp hơn 7 lần chi phí vào thời điểm trước đại dịch COVID-19. Thời điểm đó, giá xăng dầu tăng 5-10%, nên các công ty vận chuyển cũng cộng thêm 5-10% chi phí vào giá vận chuyển khi chào cho các công ty xuất khẩu. Điều này có nghĩa là giá thành sản phẩm của doanh nghiệp cũng phải tăng.

VTV dẫn lời bà Nguyễn Thị Huyền, giám đốc điều hành Công ty Quế hồi Việt Nam VINA SAMEX cho biết, “Ví dụ trước đây chúng tôi cộng 160 USD/tấn khi giao cho khách sang cảng Hamburg của Đức, nhưng bây giờ thành 300 USD/tấn. Điều này sẽ hạn chế lượng mua của khách hàng bởi giá sẽ cao hơn rất nhiều so với các năm khác. Nhiều khách hàng rụt rè khi đưa ra quyết định mua hàng, họ thường hỏi liệu 2 - 3 tháng nữa cước biển có giảm không thì lúc đó mới đặt hàng.”

Tương tự, CTCP Công nghiệp Đại Á cho biết giá cước vận chuyển đến các thị trường truyền thống hiện gấp 6-8 lần so với hồi giữa năm 2020. Vì vậy, công ty phải cắt giảm gần một nửa lượng đơn đặt hàng ở các thị trường khác.

Tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn khi căng thẳng Nga-Ukraine ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu thêm trầm trọng.

“Hiện nay các tàu đã dừng nhận chở hàng đến cảng Saint Petersburg (Nga) và Odessa (Ukraine). Điều này ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất khẩu,” ông Trần Đức Thành, giám đốc CTCP Thương mại và vận tải Tân Sao Sáng, trả lời trên VTV.

Chia sẻ với báo chí, các đơn vị giao nhận vận tải cho biết giải pháp tạm thời là ký hợp đồng ngắn hạn theo đơn hàng thay vì chọn các điều kiện giao hàng tận nước nhập khẩu. Có nghĩa là chỉ nhận giao hàng lên tàu ở cảng của Việt Nam. Điều này sẽ phần nào giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro khi giá cước biến động.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời,” một doanh nghiệp vận tải cho biết.