ngan-hang-dai-duong-oceanbank-lam-an-ra-sao-ke-tu-khi-bi-ngan-hang-nha-nuoc-mua-lai-voi-gia-0-dong-1682753042.jpeg

Quá trình hình thành của Ngân hàng Đại Dương

Ngân hàng Đại Dương tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Năm 2007, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương - OceanBank, ông Hà Văn Thắm giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị. OceanBank lúc này bao gồm các cổ đông lớn là Tập đoàn Đại Dương nắm 20% cổ phần, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nắm 20% cổ phần và Công ty TNHH VNT nắm 20% cổ phần.

Ông Hà Văn Thắm sinh năm 1972, là người sáng lập Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group. Theo thông tin của Ocean Group, ông Hà Văn Thắm có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại học Columbia Commonwealth Hoa Kỳ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại Học Công nghệ Paramount Hoa Kỳ.

Tháng 12 năm 2013, OceanBank đã có vốn điều lệ lên tới 4 nghìn tỷ đồng, và được chấp thuận tăng vốn lên mức 5.350 tỷ đồng.

Đến năm 2014, ngân hàng này gồm các cổ đông lớn là Công ty CP Tập đoàn Đại Dương với 20% cổ phần, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 20% cổ phần, Công ty TNHH VNT với 20% cổ phần và Công ty Cp Đầu tư và xây dựng Sông Đà với 6,65% cổ phần.

Năm 2015, Oceanbank có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng là chi lãi ngoài trái quy định, làm tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển, thất thoát 1,5 nghìn tỷ đồng. Hành vi này làm đánh mất niềm tin của người dân về cơ quan tổ chức, khi nguồn tiền huy động của khách hàng rơi vào tay một số người trái quy định, góp phần đẩy nợ xấu của Oceanbank lên cao.

Dẫn đến việc Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm và Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn bị bắt giam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đứng ra mua lại OceanBank với giá 0 đồng vào tháng 5/2015, đồng thời gánh toàn bộ khoản nợ khách hàng của nhà băng này. 

ngan-hang-dai-duong-oceanbank-lam-an-ra-sao-ke-tu-khi-bi-ngan-hang-nha-nuoc-mua-lai-voi-gia-0-dong-1-1682753125.jpeg

NHNN có quyết định bầu bà Nguyễn Minh Thu - Thành viên HĐQT làm Chủ tịch HĐQT sau khi ông Thắm bị bắt. Nhưng chỉ 2 tháng sau, bà Thu đã xin từ nhiệm vào cuối tháng 12/2014. Đến tháng 1/2015 thì bị bắt vì hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, bà Đào Thị Thúy, thành viên HĐQT độc lập lên làm Chủ tịch của OceanBank thay bà Nguyễn Minh Thu.

Quá trình kinh doanh của Ngân hàng Đại Dương từ khi thuộc sở hữu của Nhà nước

NHNN đã ra quyết định mua toàn bộ cổ phần bắt buộc của OceanBank với giá 0 đồng/cổ phiếu theo quy định của pháp luật, chính thức nắm 100% vốn điều lệ của OceanBank, trở thành chủ sở hữu duy nhất, đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền và lợi ích, cũng như tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.

Tiếp đó, NHNN chỉ định VietinBank tham gia quản trị, điều hành OceanBank. Trước đó, NHNN định đưa OceanBank về Vietcombank quản trị, nhưng cổ đông tại đây không thống nhất được ý kiến. Từ đây, OceanBank chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên.

ngan-hang-dai-duong-oceanbank-lam-an-ra-sao-ke-tu-khi-bi-ngan-hang-nha-nuoc-mua-lai-voi-gia-0-dong-2-1682753287.jpeg

Kể từ khi được NHNN tiếp quản, Ngân hàng Đại dương có vốn điều lệ hơn 4 nghìn tỷ đồng. Dưới sự dẫn dắt của NHNN, VietinBank triển khai hoàn thiện tái cơ cấu OceanBank với định hướng tập trung nguồn lực nhằm khắc phục các tồn đọng khó khăn tài chính của OceanBank, củng cố lại bộ máy quản trị, điều hành, hỗ trợ OceanBank phát triển một cách an toàn và bền vững.

Ông Đỗ Thanh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV OceanBank chia sẻ trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022: “Năm 2021 là năm thứ 6 OceanBank thực hiện tiến trình tự tái cơ cấu sau khi NHNN mua lại bắt buộc. Trong bối cảnh mọi mặt hoạt động đời sống kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh, hoạt động của OceanBank gặp rất nhiều khó khăn thách thức".

Cụ thể, OceanBank ghi nhận mức lỗ thấp nhất trong thời gian từ 2016 đến nay và trong 4 năm trở lại đây đã liên tục giảm lỗ lũy kế. Tổng tài sản tăng 2%, tín dụng tăng 9,5%, trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp tăng 9% và dư nợ bán lẻ tăng 13%. Huy động vốn thị trường 1 tăng 3,5%, trong đó, huy động khách hàng doanh nghiệp tăng 2% và huy động bán lẻ tăng 5%.

Tổng dư nợ sau khi tái cơ cấu vào khoảng 1.800 tỷ đồng, đồng thời miễn giảm lãi cho nhiều khách hàng. Công tác thu hồi xử lý nợ xấu và nợ có vấn đề đạt 95% kế hoạch. Chi phí hoạt động thấp hơn 179 tỷ đồng so với kế hoạch. OceanBank đã cơ cấu lại các khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khoảng 400 khách hàng. Tuy nhiên những kết quả này vẫn không đủ làm thay đổi tình hình tại OceanBank, dẫn tới việc NHNN phải thay đổi một loạt nhân sự tại đây. 

Ngân hàng Đại Dương đã có hàng loạt chính sách kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn nhưng vẫn chưa có cổ đông ngoại nào tham gia.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đặt mục tiêu “gỡ lỗ” cho 3 ngân hàng 0 đồng gồm: Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Xây dựng (nay đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Có thể thấy, Ngân hàng Đại Dương có một quá trình phát triển không mấy vẻ vang. Ban đầu từ một ngân hàng nông thôn trở thành ngân hàng đô thị, những tưởng sẽ gặt hái được nhiều thành công nhờ tiềm lực kinh tế dồi dào từ sự chống lưng của Tập đoàn Đại Dương (do ông Hà Văn Thắm làm chủ), nhưng cuối cùng ban lãnh đạo đều lần lượt rơi vào vòng lao lý, gây ấn tượng xấu trong mắt khách hàng.

Đến khi về tay NHNN, 6 năm cũng chưa thể bù lại khoản dư nợ xấu lên tới 72,25% của trước đó. Theo các chuyên gia, việc mua lại ngân hàng 0 đồng sẽ khiến lợi nhuận của các Ngân hàng thu mua sụt giảm trong vài năm và giá cổ phiếu cũng theo đó mà rớt giá. Đây là thách thức không hề nhỏ của Ngân hàng thu mua.