Sự kiện Dinh Tỉnh Trưởng ở Đà Lạt đang gây nóng, tuy nhiên nó sẽ chỉ là một sự cảnh báo cuối cùng cho xu hướng đất và công trình thuộc quản lý công ( người dân vẫn có thể tiếp cận ) trở thành đất thuộc quản lý tư nhân mà chỉ có những người giàu mới có thể vào được vì đã biến thành các công trình khách sạn, giải trí sang trọng. Vụ việc dinh Tỉnh Trưởng Đà Lạt đã lên cả báo nhân dân và rõ ràng đang hướng dư luận sẽ lựa chọn phương án nào trong 3 phương án thiết kế khách sạn do công ty Hồ Thiệu Trị đưa ra. Điều đó có nghĩa là đằng nào cũng xây khách sạn và dân không thể được tiếp cận. Thậm chí có phương án còn đưa ra khái niệm “ bảo tồn” lạ đời là đưa nguyên công trình to lớn này lên đặt trên đỉnh khách sạn cao 10 tầng . Không hiểu là người ta sẽ đưa khối công trình bằng gạch có diện tích sàn lên tới 1500m2 này lên bằng cách gì ( phải nặng hơn 1500 tấn ) và lúc đó người dân có được trèo lên tầng 10 để thăm cái di sản này không hay đây chỉ là một chiêu trò để được việc. Vì rõ ràng chi phí để giữ hình dạng cái dinh đó và nâng lên ở độ cao 40m đó phải đắt tiền hơn cả khách sạn đó, thậm chí không kiếm được đơn vị thực hiện nổi.
 Phương án của công ty Hồ Thiệu Trị, nâng cả tòa Dinh lên độ cao tầng 10.
CÓ CÁCH NÀO BẢO VỆ ĐƯỢC DI SẢN.
Rõ ràng sa đà vào tranh luận không có căn cứ sẽ không đi đến đâu, vì hiện nay Dinh Tỉnh Trưởng vẫn chưa được chính quyền công nhận là di sản. Và các bài báo nhận định nó bị xuông cấp, hoang phế được đăng lên là rất nhiều. Cũng như cách đây 2 năm Dinh Thượng Thơ cũng bị lên báo là đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng nguy hiểm. Điều kỳ lạ là hiện nay sau khi sơn và làm sạch bề mặt thì nó hoàn toàn như mới, kể cả những chi tiết tinh tế chưa bị sứt sẹo tí nào, và rõ ràng chúng ta phải thừa nhận với nhau là công trình xây dựng thời Pháp có độ bền vững hơn nhiều lần so với công trình chúng ta xây dựng hiện nay như khi so sánh với Bảo Tàng Hà Nội hay Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Vậy cũng xin nhắn các nhà báo rằng, các anh không nên dùng cảm tính , không hề có kiến thức chuyên môn về xây dựng mà đánh giá các công trình xuống cấp , nguy hiểm chỉ nhằm mục đích loại nó ra khỏi đời sống.
MUỐN BẢO VỆ DI SẢN , CHÚNG TA PHẢI CÓ LUẬT.
Đây là điều quan trọng nhất mà người dân phải đòi hỏi chính quyền tỉnh Lâm Đồng phải công khai cho biết những công trình nào thuộc thành phố Đà Lạt được công nhận là di sản, cả công trình vật thể lẫn thiên nhiên liên quan. Nếu danh sách đó chưa được xây dựng và công bố thì không bao giờ bảo vệ được cái gì cả, vì tranh cãi cho dù dựa theo cảm tính hay nhận định, góp ý của chuyên gia trong các cuộc “Hội thảo giới hạn “ do chính quyền tổ chức sẽ không bao giờ bảo vệ được di sản, thiên nhiên cho đô thị được.
Nhiều người bạn đang sinh sống ở Đức cho tôi biết. Chính quyền Đức bảo vệ thiên nhiên một cách nghiêm ngặt. Ví dụ họ giới hạn tỷ lệ xây dựng trong các khu đất trên 500m2 và chỉ được xây dựng dưới 100m2, còn các khu đất nhỏ hơn không được xây nhà ở chỉ được xây nhà tạm dưới 25m2. Rồi khi một cái cây có chiều cao khoảng trên 3m là sẽ được chính quyền đến đánh dấu và đưa vào danh sách bảo vệ. Sau đó nếu anh muốn chặt cây đó thì phải xin phép và thủ tục xin phép chặt cây rất nhiêu khê và cản trở. Bởi vậy anh có thể quyết định số phận cái cây trong vườn khi nó còn nhỏ mà thôi, còn sau đó nó thuộc về pháp luật bảo vệ. Rõ ràng phải có luật thì mới bảo vệ được di sản cũng như thiên nhiên.
Gần đây trên một bài báo “ Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Võ Ngọc Trình cho rằng Dinh Tỉnh trưởng là ký ức, hoài niệm, chúng ta cần vượt qua để phát triển Đà Lạt.“
Khi được hỏi về sự lo lắng của người dân về việc xây khách sạn ở Dinh Tỉnh Trưởng sẽ phá vỡ cảnh quan Đà Lạt, ông ấy trả lời “ Ông Võ Ngọc Trình: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và X đã xác định xây dựng Trung tâm Hòa Bình theo quy hoạch "Trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng tập trung khu vực di sản và khu vực chợ Hòa Bình có tổng diện tích 75 ha".
Hiện tại, Đà Lạt có chủ trương chặt hạ 1 cây xanh thì phải đóng tiền hoặc trồng lại 15 cây thông tại vị trí đất do TP quản lý. Phấn đấu TP Đà Lạt phải phủ kín rừng 63,3%.”
Như vậy chúng ta đã rõ Dinh Tỉnh Trưởng chỉ là hoài niệm chứ không hề được công nhận là di sản. Và hệ thống cây xanh lâu năm, những cây thông quý giá trong khu vực của Dinh cũng không được bảo vệ. Chặt một cái cây như thế chỉ cần trồng lại 15 cây thông tại vị trí mà thành phố xác định. Điều này mở đường cho doanh nghiệp vì quá dễ làm vì hệ thống cây xanh , cảnh quan quý giá của Đà Lạt có lẽ chỉ ứng với 1500 cây thông con trồng ở một vị trí không xác định nào đó và ông không cho biết cách nào để Đã Lạt có độ phủ kín rừng 63.3% trong khi cây lâu năm sẽ tiếp tục bị chặt khi xây dựng khách sạn?
Và chúng ta cũng phải hỏi tại sao chính quyền phải dấu diếm tên đơn vị tài trợ cho “Dự án quy hoạch chi tiết Trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt . Và tại sao chính quyền phải nhận tài trợ ở công việc quy hoạch, vốn thuộc về nhiệm vụ của mọi chính quyền. Trong một bài báo khác thì đã tiết lộ đơn vị này chính là “Ngày 05/6/2016, tại Hội nghị thu hút đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng và Cty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư xây dựng khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.”
Vậy là đã rõ công ty này đã tài trợ để được quyền đầu tư Dinh Tỉnh Trưởng và nhiều vị trí khác trong Trung tâm Hòa Bình. Và chính họ thuê công ty của KTS Hồ Thiệu Trị thiết kế các phương án bức tử đồi Dinh. Các bạn còn nhớ công ty này chính là công ty đã đầu tư xây dựng đường ngầm nối quận 1 với Thủ Thiêm và cả khu đô thị Thủ Thiêm và đã gây nên thảm trạng cho hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm mất đất, phải kiện cáo và tranh chấp kéo dài trong mấy chục năm nay và đó có phải là lý do phải dấu tên Chủ đầu tư hộ họ ?
NHỮNG CÂU HỎI ĐỂ ĐÓ.
- Khi công ty Đại Quang Minh đầu tư cải tạo quy hoạch cả khu vực chợ Hòa Bình 75ha, họ sẽ chiếm quyền sử dụng và xây dựng chỉ Dinh Tỉnh Trưởng hay còn nhiều công trình khác nữa?. Như vậy tài sản công cộng đã được trao tay sang tư nhân.
- Đồi Cù đang là đất nhà nước tại sao ..."đang thuộc sở hữu của Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt”
- Đồi Mộng Mơ tại sao lại thuộc quyền của Công ty tập đoàn Liên Minh Sài Gòn của Ngô Quang Phúc. Và chỉ sau khi sự việc xây dựng quần thể văn hóa Tàu bị vỡ lở thì người dân mới phản đối , tuy nhiên đó vẫn là khu vực người dân không được tiếp cận mặc dù trước đây là tài sản công cộng. Chưa kể trước đó dự án khu du lịch Núi Quỷ cũng bị dân chúng la ó vì những hình tượng dâm dục, phi văn hóa. Rõ ràng sau khi giao đất cho doanh nghiệp thì nhà nước không hề quản lý.
- Dinh 1 Đà Lạt tại sao biến thành King Palace do công ty Hoàn Cầu làm chủ…
Tại sao Dinh 1 lại biến thành King Palace ?
Rõ ràng với tiến trình này, chỉ 3 năm nữa chỉ người có nhiều tiền mới có thể vào thăm các di sản và thắng cảnh nổi tiếng đó của Đà Lạt và như vậy, thành phố này đã tự cô lập mình và đa số người dân sẽ không dại gì khi đến ngắm thành phố đã bị tư nhân hóa,bê tông hóa và không còn màu xanh, dù chỉ là một chút hoài niệm.
Tác giả: Chân Phương