Báo cáo tài chính TPBank (TPB) ghi nhận nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trong quý 1/2024, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPB tăng mạnh 28,0% so với cùng kỳ, đạt 4.685 tỷ đồng, nhờ thu nhập lãi (NII) tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng quý 1 giảm 3% so với đầu năm do dư nợ cho vay giảm 2% so với đầu năm.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cải thiện 59 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 4,1% trong quý 1 (giảm 79 điểm cơ bản so với quý trước). Mặc dù lãi suất cho vay giảm, TPB vẫn có thể cải thiện NIM nhờ lãi suất tiền gửi đã giảm trong quý.

Chi phí vốn giảm 144 điểm cơ bản so với cùng kỳ (giảm 91 điểm cơ bản so với quý trước), trong khi lợi suất tài sản chỉ giảm 81 điểm cơ bản so với cùng kỳ (giảm 167 điểm cơ bản so với quý trước).

Thu nhập ngoài lãi cũng tăng 36,4% so với cùng kỳ, nhờ thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng mạnh. TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù TOI tăng mạnh, lợi nhuận ròng chỉ tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ. Điều này là do chi phí dự phòng tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ trong quý 1/2024. Chi phí tín dụng tăng 39 điểm cơ bản so với cùng kỳ (giảm 44 điểm cơ bản so với quý trước), đạt 0,6% do tỷ lệ nợ xấu tăng. Chi phí hoạt động thấp hơn dự kiến giúp làm giảm áp lực lên lợi nhuận ròng, khi tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm 7,4 điểm % so với cùng kỳ.

Vào cuối quý 1, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,8 điểm % so với cùng kỳ (tăng 0,2 điểm % so với quý trước), đạt 2,23%. Tỷ lệ nợ xấu cao, đặt biệt khi xét đến việc dư nợ cho vay đã giảm 2% trong quý 1. 

Tuy nhiên, điều tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ giảm 0,1 điểm % so với quý trước (giảm 1,3 điểm % so với cùng kỳ). Tỷ lệ này đã giảm trong hai quý liên tiếp kể từ quý 3/2023. Mặc dù chất lượng tài sản không phục hồi nhanh, nhưng giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

web0501-1715602035.jpg
 

Năm 2024 TPBank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước; tổng tài sản TPBank dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng. Với gia tốc và năng lực đáp ứng khách hàng trên nền tảng số, TPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh cơ sở khách hàng, đạt mốc 15 triệu trong năm 2024.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ngân hàng này đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 (thực hiện trong năm 2024) với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Đây không phải là lần đầu tiên TPBank đem tin vui tới cho cổ đông của ngân hàng. Trước đó, vào tháng 4/2023, TPBank đã chi gần 4.000 tỷ để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Tiếp đó, cũng trong năm 2023, TPBank đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 39,19% từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 là 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 2.561 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.