Ngày 21/12, Party City chuỗi bán lẻ đồ tổ chức tiệc lớn nhất nước Mỹ đã một lần nữa đệ đơn xin bảo hộ phá sản, chỉ ba tháng sau khi vừa thoát khỏi tình trạng này.

"Chúng tôi tự hào đã đồng hành cùng khách hàng trong việc tổ chức những bữa tiệc đáng nhớ suốt nhiều năm qua. Trong những tuần tới, chúng tôi mong rằng mọi người sẽ ghé qua để chào tạm biệt và mang về những món đồ yêu thích," Party City chia sẻ trong thông báo ngày 21/12.

mot-doanh-nghiep-pha-san-lien-tiep-trong-2-nam-1734920636.jpg

Quyết định phá sản lần này được kỳ vọng sẽ "tối đa hóa giá trị" cho các bên liên quan và cho phép công ty tái cấu trúc hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Trước khi nộp đơn phá sản, Party City đã thông báo cho nhân viên về kế hoạch thu hẹp hoạt động. Dự kiến, các cửa hàng sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 28/2 năm sau. Trong thời gian còn lại, gần 700 cửa hàng của hãng vẫn tiếp tục mở cửa và tiến hành xả hàng tồn kho. Khoảng 95% trong số 12.000 nhân viên sẽ được giữ lại.

CEO Barry Litwin cho biết công ty đang phải đối mặt với áp lực từ lạm phát, khiến chi phí sản phẩm tăng cao và sức mua của người tiêu dùng suy giảm. Bên cạnh đó, khoản nợ chồng chất lên đến 800 triệu USD đã đẩy Party City vào tình thế buộc phải nộp đơn phá sản.

Hồi đầu năm 2023, Party City cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự khi phải vật lộn với khoản nợ 1,7 tỷ USD. Tính đến tháng 8 năm nay, công ty đã đóng cửa hơn 80 cửa hàng và giảm được gần 1 tỷ USD nợ, theo báo cáo tài chính. Ông Litwin được bổ nhiệm làm CEO vào tháng 8 và dẫn dắt công ty ra khỏi tình trạng phá sản vào tháng 9.

Trong hồ sơ xin phá sản lần này, Party City khẳng định đã nỗ lực hết mình để duy trì hoạt động. "Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tránh tình huống này, nhưng đáng tiếc, việc thu hẹp hoạt động vào thời điểm hiện tại là điều không thể tránh khỏi," ông Litwin chia sẻ.

Hiện tại, Party City đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thương mại điện tử và các đối thủ như chuỗi bán lẻ Halloween của Coresight Research. Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ lớn cũng đang chiếm ưu thế vượt trội.

Trong năm nay, nhiều chuỗi bán lẻ lớn tại Mỹ như Conn's HomePlus, Big Lots, Z Gallerie và Mitchell Gold + Bob Williams cũng đã tuyên bố phá sản. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lạm phát kéo dài và sự cắt giảm chi tiêu từ phía người tiêu dùng.