Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội – MIG là thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam. Xuyên suốt chặng đường phát triển, Bảo hiểm Quân đội xác định rõ sứ mệnh tiên phong bảo vệ và trở thành “điểm tựa vững chắc" cho khách hàng bằng chính sản phẩm dịch vụ tốt nhất.

Doanh nghiệp này được thành lập năm  2007 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, MIG có tổng số công ty thành viên trên toàn hệ thống là 70, đứng ở vị trí top 5 thị phần bảo hiểm trên thị trường.

MIG là công ty con của tập đoàn MBBank (ngân hàng lớn thứ 5 toàn quốc xét trên tổng tài sản) và gián tiếp là một thành viên trong hệ sinh thái Viettel (tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam).

Nhờ vậy, MIG có khả năng tiếp cận với tệp khách khách hàng khổng lồ và các kênh phân phối rộng lớn của MBBank/Viettel. Những mối quan hệ này đã mở ra cho MIG những cơ hội tăng trưởng và sinh lời lớn mà các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) khác sẽ khó có thể tiếp cận được.

Thay vì đầu tư phần lớn danh mục vào tiền gửi ngân hàng như nhiều DNBH khác, MIG sẵn sàng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các loại tài sản khác bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và cổ phiếu để có thể cải thiện lợi suất đầu tư. 

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, phí bảo hiểm gốc của MIG đã giảm 2,4% svck về 1.217 tỷ đồng trong quý 1/2023, thấp hơn tăng trưởng trung bình của ngành ở mức 2,6% so với cùng kỳ. Việc tăng trưởng phí bảo hiểm giảm tốc không gây bất ngờ, do tăng trưởng phí của ngành bảo hiểm phi nhân thọ luôn gắn liền với tăng trưởng kinh tế. 

Trong quý 1/2023, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP yếu, chỉ đạt 3,3% so với cùng kỳ, giảm đáng kể so với mức 8,0% trong 2022. MIG tăng trưởng chậm hơn so với ngành do cơ cấu sản phẩm của MIG thiên nhiều hơn về các dòng bảo hiểm cá nhân, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các dòng bảo hiểm thương mại khi người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao”. 

Đối với năm 2022, 36% và 33% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của MIG đến từ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, trong khi bảo hiểm thương mại chỉ chiếm 31%.

Trong mảng bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, MIG ghi nhận phí bảo hiểm gốc giảm 24,8% so với cùng kỳ (so với mức 95,5% trong 2022). Tăng trưởng tín dụng yếu có thể đã ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của MIG khi sản phẩm bảo hiểm tai nạn con người dành cho khách hàng vay vốn là một trong những sản phẩm trọng yếu của MIG.

Tại ĐHCĐ gần đây, ban lãnh đạo cho biết trong 2022 phí bảo hiểm từ sản phẩm này là khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 70% mảng bảo hiểm sức khỏe. Trong khi đó, ở mảng bảo hiểm xe cơ giới, MIG đạt mức tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ, không thực sự cao nếu xét đến mức nền thấp trong quý 1/2022 và mức tăng trưởng 15,1% trong 2022. Dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số xe trong quý 1 đã giảm 29% so với cùng kỳ (so với mức tăng 29% so với cùng kỳ trong 2022), góp phần làm giảm nhu cầu bảo hiểm ô tô.

Mảng bảo hiểm thương mại của MIG có kết quả tốt hơn so với các mảng khác với mức tăng trưởng phí bảo hiểm gốc là 15,9% so với cùng kỳ (so với 9,2% trong 2022). Việc Chính phủ tiếp tục thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm nay có thể đã hỗ trợ các dòng bảo hiểm thương mại tăng trưởng tốt hơn ví dụ như tài sản và thiệt hại.

Về khả năng sinh lời, tỷ lệ kết hợp của MIG đã tăng 85 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 96,5% trong quý 1/2023 từ mức nền thấp trong quý 1/2022 do tác động của COVID. Kết quả này tốt hơn so với các doanh nghiệp niêm yết khác (không tính PTI) với tỷ lệ kết hợp tăng 310 điểm cơ bản svck. Tỷ lệ bồi thường của MIG giảm 260 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 36,9%, tốt hơn với các doanh nghiệp niêm yết khác có tỷ lệ bồi thường tăng 370 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí của MIG tăng 345 điểm.

Trong quý 1/2023, lợi suất đầu tư của MIG được cải thiện lên 7,0% (10 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 500 điểm cơ bản so với quý trước) nhờ lợi suất tiền gửi tăng lên mức 7,5% (200 điểm cơ bản svck và 50 điểm cơ bản so với quý trước) và lợi suất TPDN tăng lên mức 12,8% (160 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 270 điểm cơ bản so với quý trước).

"Theo ước tính của chúng tôi, lợi suất từ uỷ thác đầu tư vẫn ở mức thấp 3,1%. Số dư đầu tư bình quân tăng 12,9% svck và 6,4% so với quý trước. Nhìn chung, lợi nhuận từ hợp đồng tài chính tăng lên 65 tỷ đồng (12,6% so với cùng kỳ và gấp gần 6 lần so với quý trước).

Năm 2023 sẽ là một năm hết sức thuận lợi đối với các DNBH bao gồm MIG ở khía cạnh đầu tư khi toàn ngành sẽ được hưởng trọn vẹn một năm đầu tư với lãi suất tiền gửi cao. Phần lớn danh mục của MIG là tiền gửi ngân hàng và TPDN. Lãi suất tiền gửi 12 tháng ở các ngân hàng quốc doanh và tư nhân lần lượt giảm 20/80 điểm cơ bản kể từ đầu năm nay, nhưng vẫn cao hơn đáng kể 170/200 điểm cơ bản so với đầu năm 2022.

Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể giảm nhẹ trong phần còn lại của 2023 và sang cả 2024 khi áp lực tỷ giá giảm bớt và cầu tín dụng còn yếu, nhưng vẫn sẽ cao hơn nhiều so với 2020 - 2022", phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect nhấn mạnh.

Công ty này cũng đưa ra dự phóng lợi nhuận từ hợp đồng tài chính của MIG sẽ tăng 93% so với cùng kỳ trong năm nay, giúp lợi nhuận ròng tăng 61% so với cùng kỳ và ROE cải thiện đáng kể lên 12,8% từ mức 8,6% trong 2022.