Các chuyên gia phân tích từ tập đoàn dịch vụ tài chính bậc nhất thế giới Morgan Stanley đã cảnh báo rằng cổ phần của Tesla đang được định giá quá cao (1,000 USD trên một cổ phiếu) và chắc chắn sẽ giảm mạnh trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư vẫn quan niệm sai lầm, coi Tesla là một công ty công nghệ đang phát triển mạnh thay vì một công ty xe hơi.
Hôm 9/6, một email của CEO Elon Musk gửi cho nhân viên bị rò rỉ, trong đó có đoạn viết, đã đến lúc đưa bản thương mại của Tesla Semi - xe tải chạy điện đầu tiên trên thế giới vào sản xuất hàng loạt. Sau khi Reuters đăng tải email này, cổ phiếu của Tesla lập tức tăng 6%, cán mốc 1.000 USD, biến nhà sản xuất xe hơi đóng đại bản doanh ở Thung lũng Silicon (Mỹ) thành hãng ô tô có giá trị lớn nhất thế giới trong vài ngày sau khi quay về vị trí số hai sau Toyota.
Trước đó, vào tháng hai, cổ phiếu của Tesla chạm mốc trên 900 USD, sau đó lao dốc khi dịch Covid-19 bùng phát xuống dưới 400 USD. Kể từ đó, giá trị cổ phiếu không ngừng tăng, lên mức hơn 130% dù đại dịch Covid đã gây ra khủng hoảng kinh tế tại Mỹ. 
Vào thứ ba, chuyên gia phân tích Adam Jonas từ công ty Morgan Stanley cảnh báo rằng mặc dù Tesla có những yếu tố và câu chuyện đầy cuốn hút và có khả năng phát triển mạnh, tuy nhiên trong thập kỉ tới, Tesla rất khó có thể tiếp tục con số cổ phiếu cao ngất ngưởng này. Jonas dự đoán cổ phiếu Tesla sẽ giảm xuống 650 USD và cảnh báo các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính nếu tiếp tục ngó lơ tình hình hiện tại. 
Morgan Stanley dự đoán Tesla sẽ sản xuất hai triệu xe ô tô mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, giá trị cổ phần hiện tại thì lại cho thấy con số sản xuất xấp xỉ bốn triệu vào năm 2030. 
Giá trị của Tesla được định giá bởi các nhà đầu tư công nghệ và được coi là khá hợp lí khi so sánh với các ông lớn trong ngành công nghệ như Apple, Google hay Amazon. Tuy nhiên, sự so sánh này là quá khập khiễng. Theo Jonas, Tesla là một công ty xe hơi và dường như thị trường đầu tư đang bỏ ngoài tai những rủi ro liên quan đến việc vận hành một công ty xe vậy. Khi so sánh Tesla với một công ty công nghệ lớn như Microsoft hay Apple, một người cần phải nắm rõ mô hình kinh doanh và cường độ sử dụng vốn giữa chúng. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng các mục tiêu kinh doanh của Tesla thường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các công ty có sự tăng trưởng ổn định.
Khi Morgan Stanley công bố Tesla đã bị định giá quá cao, công ty này đã đưa ra ba rủi ro chính: Rủi ro tài chính gần liên quan tới nhu cầu và giá thành sản phẩm, rủi ro xa hơn thì liên quan tới việc Tesla bắt đầu sản xuất xe ở Trung Quốc, và cuối cùng là cạnh tranh với các công ty công nghệ khác. Morgan Stanley cũng cho biết có lẽ các nhà đầu tư còn đang trong “mode” ngồi đợi xem điều gì sẽ xảy ra khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục.
Với mức cổ phiếu cán mốc 1,000 USD, Tesla đã mạnh miệng tuyên bố giá trị vốn hóa của công ty đạt 185 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi con số 75 tỉ USD vào năm 2019. Trên thực tế, Tesla giá trị hơn cả Ford, General Motors hay Fiat Chrysler cộng lại. Nhà sáng lập và CEO Tesla - Elon Musk đã nắm trong tay hơn 42 tỉ USD so với con số 24 tỉ USD đạt được vào hai tháng trước. Cột mốc 1,000 USD cũng có thể sẽ giúp Elon Musk giành thêm một phần thưởng khác nhờ giúp Tesla đạt được một mục tiêu quan trọng, cho phép tỷ phú này tiếp tục được mua cổ phiếu của chính công ty do ông điều hành với giá ưu đãi.

Theo Forbes