mo-hinh-kinh-doanh-cua-pizza-4p-1727174740.jpg

Khởi đầu từ một chiếc lò nướng bánh tự xây và giờ đây Pizza 4Ps đã trở thành một chuỗi nhà hàng thành công bậc nhất… Mình không biết nên xếp 4Ps vào là brand Việt Nam hay brand Nhật Bản nhưng thôi, cho là brand Việt Nam đi nhỉ 

1. Món ngon nhưng lý do món ngon còn quan trọng hơn: Hai nhà sáng lập Yoshiki và Sanae Masuko kể về câu chuyện khi biết một người bạn qua đời, họ cùng nhau làm bánh pizza và thấy thanh bình hơn. Những thứ tưởng như không liên quan đó lại tạo thành một nguyên liệu tinh thần rất tốt cho 4Ps. Một chiếc bánh không chỉ ngon bởi vì nó ngon mà còn bởi sự lan tỏa hạnh phúc từ người làm ra chiếc bánh đó. Tinh thần này rất giống với nhân viên dọn vệ sinh Hirayama trong phim Perfect Days, ông làm một công việc tưởng như rất bẩn thỉu, thấp cấp nhưng ông luôn làm cực kỳ tận tâm và happy hàng ngày với công việc của mình. Khách hàng không chỉ mua bánh pizza, khách hàng còn mua lý do tại sao bạn làm ra chiếc bánh đó và còn mua cả sự tận tâm bạn truyền vào chiếc bánh đó nữa… Món ngon, nếu một quán khác làm ngon hơn khách hàng sẽ có thể rời đi nhưng nếu họ gắn kết bởi lý do tại sao bạn làm ra chiếc bánh ngon đó, họ sẽ trở thành khách hàng trung thành

2. Kiên nhẫn thử nghiệm và đóng gói mô hình: Quán Pizza 4Ps đầu tiên được mở vào năm 2011 và mình đọc ở đâu đó thì ban đầu quán cũng bình thường nhưng sau đó có một anh lớn start-up mảng công nghệ ăn (anh Namster Đỗ thì phải), trải nghiệm và review, từ đó 4Ps trở nên phổ biến dần. Tệp khách hàng lõi ban đầu chính là những doanh nhân, người khởi nghiệp đã có thành tựu, chuyên gia nước ngoài sống tại Sài Gòn… Cơ bản là tệp khách hàng lõi rất xịn. Tuy nhiên 4Ps cũng rất ẩn nhẫn và cẩn thận khi chờ đợi đến tận 4 năm sau mới mở quán tiếp theo, đúng kiểu chậm rãi nhưng bền bỉ của người Nhật. Sự chậm rãi ban đầu đã tạo nên những viên gạch bền vững xây nền móng tốt sau này cho 4Ps khi mở rộng

3. Nói là ngon thì không đủ, chứng minh được là ngon mới quan trọng: Chứng minh bằng cách nào? Đầu tiên là không gian: Những chiếc lò nướng củi lớn là trung tâm của quán đã thể hiện sự “truyền thống” của món pizza rồi. Thêm nữa là trải nghiệm nhìn ngắm dàn nhân viên của 4Ps làm các món pizza khiến sự “ngon” về mặt thị giác được tăng thêm. Tuy nhiên tay nghề hay dụng cụ của người làm đồ chỉ là một phần, nguyên liệu sẽ là yếu tố chính giúp quyết định một món ăn có ngon hay không. Kiểm soát được nguồn nguyên liệu hay tốt hơn là độc quyền được một vài dòng nguyên liệu sẽ rất quan trọng để có thể làm ra được những món ăn thực sự ngon mang tính signature của quán. Pizza 4Ps rất có ý thức trong việc này. Họ tạo ra sản phẩm phô mai burrata thủ công tại Đà Lạt. Ngoài ra 4Ps cũng truyền thông rất tốt về sự rõ ràng của nguyên liệu và quy trình chế biến, tạo sự tin tưởng từ khách hàng. Chủ động về nguồn nguyên liệu cũng giúp sau này 4Ps có thể phát triển thành một số dòng sản phẩm FMCG bán tại kênh siêu thị cao cấp khá tốt.

4. Marketing tốt đưa khách hàng đến quán, trải nghiệm tốt đưa khách hàng quay trở lại: Pizza 4Ps bán đồ ăn Italia nhưng bên trong là văn hóa phục vụ của người Nhật vốn nổi tiếng với tinh thần hiếu khách Omotenashi. Bạn sẽ thấy trải nghiệm về dịch vụ của 4Ps cao hơn các chuỗi nhà hàng khác vài bậc. Có thể nói 4Ps đã mang dịch vụ fine-dining đến gần hơn với khách hàng phổ thông. Mà thực ra Omotenashi không phải là một thứ gì đó quá khó, chỉ là bạn thực sự đặt mình vào vị trí khách hàng và cố gắng phục vụ với toàn thể tâm trí của mình. Nó không phải những thứ lớn lao mà đôi khi là những điều nhỏ. Những thứ nhỏ bé đó tạo nên khác biệt lớn, ví dụ như giỏ bọc vải để khách hàng để đồ, băng vệ sinh trong nhà vệ sinh. Khách hàng còn lâu mới quý bạn, trừ phi họ thấy rằng bạn thực sự quan tâm. Mà sự quan tâm trong ngành F&B bắt đầu chính từ những điều nhỏ nhặt

5. Lấy con người làm trung tâm và triển khai được trên quy mô lớn: Nhiều brand tuyên bố điều này nhưng thực sự làm được và đặc biệt với nhân sự ngành F&B. Điểm giỏi ở 4Ps nữa đó là mình cảm thấy họ không nói quá nhiều về văn hóa doanh nghiệp hay nhân sự hay people centric các kiểu nhưng con người của 4Ps với cung cách phục vụ của mình đã cho khách hàng cảm nhận về văn hóa của doanh nghiệp này một cách rõ nét.

6. Mô hình linh hoạt xoay quanh nhu cầu của khách hàng: Trước khi có dịch Covid, 4Ps không ship tận nhà, có thể bởi vì họ sợ ảnh hưởng đến trải nghiệm dùng món sẽ mất đi khi rời xa khỏi không gian và dịch vụ trong nhà hàng của Pizza 4Ps. Tuy nhiên khi đại dịch bùng nổ, Pizza 4Ps nhanh chóng kết hợp với các nền tảng #FoodApp và tự xây kênh delivery của riêng mình. Đợt Covid mình cũng đặt hàng 4Ps qua Grabfood để test món Thay đổi nhanh chóng để thích ứng với tình hình thị trường, nhất là trong thời kỳ đại dịch. Sau đó mình cũng thấy 4Ps phát triển các dòng pizza đông lạnh, phô mai khối bán thành dạng sản phẩm tiêu dùng nhanh luôn trên website của 4Ps và các kênh bán lẻ khác…

7. R&D “điên” tạo nên những món ăn đột phá: Ngoài những món đinh của 4Ps gây thương nhớ mạnh như Spaghetti cua thì mình nghĩ team R&D của 4Ps cũng rất phá cách và khá “điên”. Những sản phẩm như pizza cá hồi sốt miso, pizza bò wagyu hay cho nấm truffle vào bánh là những sản phẩm được R&D kiểu điên thú vị nhưng sản phẩm kiểu như Pizza Bún đậu mắm tôm thì nó là “điên” thực sự

8. Công nghệ là tốt nhưng công nghệ xoay quanh nhu cầu thực của khách hàng mới quan trọng: Được biết team 4Ps đầu tư hàng năm hơn 40 tỷ cho đội công nghệ và thực sự tạo ra được nhưng trải nghiệm vượt trội, cụ thể là hệ thống đặt bàn và giao hàng trực tuyến hiệu quả. Trong khi đó một số chuỗi khác cũng đầu tư vào công nghệ không kém nhưng so ra không hiệu quả bằng. Theo mình thì bởi 4Ps đầu tư công nghệ nhưng xoay quanh những nhu cầu rất thiết thực của khách hàng, đúng tinh thần custumer centric chứ một số bên đầu tư công nghệ nhưng lại thành IT centric mà bỏ quên mất là khách hàng có thực sự cần công nghệ đó ko. Hệ thống giao hàng trực tuyến của 4Ps có tính năng xác định vị trí khách hàng để gửi đơn hàng đến nhà hàng gần nhất rất hay. Nền tảng đặt bàn trực tuyến cũng giúp khách có thể tự do chọn chỗ ngồi và giờ giấc phù hợp, tối ưu cho cả khách hàng và 4Ps

4Ps đã có khoản đầu tư ban đầu từ Seedcom và những brand của Seedcom đầu tư mình đều thấy nét văn hóa tập trung vào con người rất rõ nét. Sau đó Mekong Capital đầu tư vào Pizza 4Ps vào tháng 1 năm 2018 và 2022 Cool Japan Fund, một quỹ đầu tư do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đầu tư khoảng 10 triệu USD vào Pizza 4Ps, mua lại cổ phần từ Mekong Capital. Pizza 4Ps mở rộng tốt và mức lợi nhuận cũng gia tăng rất tốt chứ không theo kiểu “đốt tiền lấy tăng trưởng”: Sau đợt Covid chịu lỗ thì Pizza 4Ps có mức lợi nhuận sau thuế đạt 115,3 tỷ đồng và mình nghĩ rằng với cách đi rất điềm đạm và nền móng vững chắc từ mô hình kinh doanh đến văn hóa con người, 4Ps sẽ tiếp tục là một trong những chuỗi F&B thành công nhất của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây và trong 10 năm kế tiếp