📉Minh Phú tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm 2025 dù liên tiếp thua lỗ hai năm liền, khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với loạt nội dung quan trọng, từ kế hoạch kinh doanh, đề xuất thay đổi nhân sự cấp cao đến phương án phát hành cổ phiếu ESOP.
“Vua Tôm” đặt mục tiêu:
- Sản lượng sản xuất 60.000 tấn.
🔻Doanh thu hơn 15.667 tỷ.
- Lợi nhuận trước thuế 1.091 tỷ và lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận này cao nếu so với tình hình thua lỗ gần đây. Trước đó, năm 2023 công ty lỗ 105 tỷ và sang năm 2024 mức lỗ tăng lên 190 tỷ.

Dù đã chủ động “đi lùi” trong kế hoạch 2023, thực tế vẫn tiêu cực hơn kỳ vọng. Đáng nói, kế hoạch 2024 lại mang màu sắc lạc quan vượt trội khi đặt mục tiêu doanh thu hơn 18.500 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.265 tỷ⚠️ con số rốt cuộc không thể đạt được, khiến nhà đầu tư nghi ngại về khả năng MPC hiện thực hóa kế hoạch 2025.
Về nhân sự cấp cao, HĐQT trình ĐHĐCĐ miễn nhiệm ông Bùi Anh Dũng khỏi vị trí thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm cá nhân. Đồng thời, MPC đề cử bà Lê Thị Dịu Minh Phó Tổng giám đốc hiện tại vào HĐQT.
➡️ Bà Dịu Minh là con gái ông Lê Văn Quang (TGĐ) và bà Chu Thị Bình (Chủ tịch HĐQT), hiện nắm giữ hơn 13,1 triệu cổ phiếu MPC (~3,27% vốn).
Gia đình “Vua Tôm” đang sở hữu khoảng 181 triệu cổ phiếu (tương đương 45,1% vốn), trong đó bà Bình là cổ đông lớn nhất với 70,3 triệu cp (17,5%), ông Quang nắm 64,4 triệu cp (16%) và ba người con gái khác đều sở hữu trên 11 triệu cổ phiếu MPC mỗi người.
➡️ Đặc biệt, bà Dịu Minh còn là CEO Công ty Cổ phần Đầu tư Long Phụng, cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của thế hệ kế thừa trong cấu trúc quản trị của Minh Phú.
Ngoài ra, MPC trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 154.700 cổ phiếu ESOP (0,04% vốn) cho người lao động với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu, kèm điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm.
📌Động thái giữ chân nhân sự dài hạn trong bối cảnh kinh doanh nhiều thách thức. Đồng thời, công ty cũng xin ý kiến phê duyệt hợp đồng mua bán với công ty con Minh Phú Hậu Giang (nắm 98% vốn) trị giá tới 2.000 tỷ do vượt quá 35% tổng tài sản nên cần được ĐHĐCĐ thông qua theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MPC đã giảm khoảng 28% từ đầu năm, từng có thời điểm rơi xuống dưới mệnh giá, về vùng 9.000 đồng/cp do ảnh hưởng chung từ tình hình kinh tế và biến động thuế quan. Tuy nhiên, cổ phiếu đã hồi phục trở lại vùng trên mệnh giá và hiện giao dịch quanh mức 10.600 đồng/cp (theo ghi nhận phiên 2/6).
Sau chuỗi năm thua lỗ và không hoàn thành kế hoạch, việc tiếp tục đặt kỳ vọng lợi nhuận gần 1.000 tỷ trong năm 2025 khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng thực thi và tính thực tế của chiến lược này. Liệu năm 2025 sẽ là bước ngoặt để “Vua Tôm” trở lại đường đua, hay tiếp tục là một năm hụt hơi nữa trong bối cảnh ngành thủy sản đầy biến động?