Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2024 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Theo đó, trong quý 3/2024, ACB ghi nhận 5.202,2 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro. Con số này giảm nhẹ so với mức 5.556,1 tỷ đồng của quý 3/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, ACB ghi nhận 16.793,2 tỷ đồng lợi nhuận thuần trước trích lập rủi ro tín dụng, tăng nhẹ so với mức 16.507 tỷ đồng 9 tháng cùng kỳ năm 2023.
Về chi phí rủi ro tín dụng, trong quý 3/2024, ACB phải trích lập 358,2 tỷ đồng giảm đáng kể so với mức 520,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, ACB phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 1.458,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.482,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Về lãi ròng, trong quý 3/2024, ACB bãi lãi 3.870,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 4.037,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ACB ghi nhận lãi ròng 12.244,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 12.038,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, dù lãi ròng vẫn ổn định và tăng nhẹ, tuy nhiên có một mảng kinh doanh mà ACB đang tụt phong độ khá mạnh trong quý 3/2024 khi lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận trên BCTC hợp nhất suy giảm đến 94,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong quý 3/2024, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư của ACB suy giảm đến 94,6% so với cùng kỳ từ mức 881,9 tỷ đồng (quý 3/2023) xuống chỉ còn 47,1 tỷ đồng (quý 3/2024).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư của ACB ghi nhận ở mức 249,8 tỷ đồng, giảm 80,7% so với mức 1.298,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
ACB muốn “hút” 45.000 tỷ đồng từ trái phiếu trong năm 2024
Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 3 năm 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu trong 15 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tuỳ thuộc theo nhu cầu của thị trường.
Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo ACB, mục đích phát hành trái phiếu là phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, HĐQT ACB cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 và lần 2 năm 2024 với quy mô phát hành tối đa mỗi đợt là 15.000 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ phát hành lượng trái phiếu lên tới 45.000 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.
Đáng chú ý, cùng thời điểm công bố thông tin về kế hoạch phát hành thêm 15.000 tỷ đồng trái phiếu, ACB cũng công bố kế hoạch tăng vốn cho chứng khoán ACB lên mức 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, tại Nghị quyết số 4304/TCQĐ-HĐQT.24 do ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB ký ban hành đã thông qua việc tăng vốn của Công ty TNHH Chứng khoán ACB thêm 3.000 tỷ đồng, từ mức 7.000 tỷ đồng hiện tại lên thành 10.000 tỷ đồng sau khi được UBCK chấp thuận.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến đầu tháng 10, ACB đã phát hành thành công 12 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Qua đó đưa ACB trở thành đơn vị phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất thị trường. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 18.900 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023.
Nguồn: Lê Sáng / https://markettimes.vn/lai-tu-mua-ban-chung-khoan-giam-manh-acb-ghi-nhan-lai-rong-3-870-3-ty-dong-trong-quy-3-2024-67472.html