Theo một báo cáo phân tích của CTCK FPTS gần đây, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sử dụng tới 60% nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu để sản xuất ra các sản phẩm sữa bột, sữa nước, sữa chua, sữa đặc… và chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất của Vinamilk trong 5 năm qua.
Do đó, không khó hiểu khi áp lực lớn nhất đối với Vinamilk trong suốt năm 2021 cũng như với triển vọng tương lai chính là giá sữa bột nguyên liệu. Cụ thể, giá sữa bột nguyên liệu tăng mạnh từ đầu năm 2020 đến nay khiến cho lợi nhuận của Vinamilk bị bào mòn. Cùng với sữa bột nguyên liệu thì chi phí thức ăn chăn nuôi, đường… đều tăng mạnh.

Báo cáo tài chính quý 1/2022 mới công bố của Vinamilk chỉ ra rằng, doanh thu quý này đạt 13.940 tỷ đồng – tăng 5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.283 tỷ đồng – giảm 12%. Đây là quý thứ 5 liên tiếp Vinamilk có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Tại đại hội cổ đông 2022, ban lãnh đạo công ty cho biết, giá của tất cả các nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 37-40% so với cùng kỳ. Đối phó lại tình trạng tăng giá nguyên liệu, Vinamilk đã tăng khoảng 5% giá bán bình quân trong Q1/2022. Công ty cũng đã chốt giá các hợp đồng nguyên vật liệu đến tháng 8/2022.
Theo đánh giá trong báo cáo phân tích mới đây của CTCK SSI, Vinamilk đã tăng 5% giá bán bình quân so với cùng kỳ nhưng tăng trưởng sản lượng chỉ chưa đầy 2% đối với thị trường trong nước, cho thấy sự phục hồi về nhu cầu vẫn còn rất yếu.
Biên lợi nhuận gộp trong quý 1 đạt 40,5%, giảm so với con số 42,1% của Q4/2021 và 43,5% của Q1/2021. Đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp thấp nhất của Vinamilk kể từ Q2/2015 đến nay.
Tuy nhiên, dù sụt giảm nhưng con số biên lợi nhuận gộp của Vinamilk bình quân 5 năm qua vẫn đạt trên 46% - thậm chí còn cao hơn của Masan Consumer, là đơn vị kinh doanh các mặt hàng như mì ăn liền, nước mắm công nghiệp, gia vị… Sử dụng 60% nguyên liệu đầu vào là sữa bột vẫn đem lại lợi thế về giá thành sản xuất cho Vinamilk.
Trong các sản phẩm sữa bò nước trên thị trường, có 02 dòng sản phẩm chính là sữa tươi (có nguồn gốc từ sữa tươi nguyên liệu) và sữa hoàn nguyên (có nguồn gốc từ sữa bột). Các chuyên gia của FPTS phân tích, nguồn cung sữa tươi nguyên liệu tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào lượng sữa thu mua từ nông dân. Theo chia sẻ của Vinamilk, sữa tươi nguyên liệu thu mua có giá cao hơn khoảng 30% so với sữa bột nguyên liệu nhập khẩu, nên các sản phẩm sữa tươi cũng có giá thành cao hơn so với các sản phẩm sữa hoàn nguyên. Do đó, việc các doanh nghiệp sữa tập trung phát triển vùng nguyên liệu bò sữa tự chủ là rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung sữa tươi trong nước cũng như khả năng cạnh tranh trong ngành.
Vinamilk đã tích cực đầu tư phát triển các trang trại, siêu trang trại bò sữa để tăng nguồn cung sữa tươi cho hệ thống sản xuất, chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu rủi ro giá sữa nguyên liệu khi biến động cao. Công ty đã khởi động các trang trại bò sữa mới: trang trại bò tại Quảng Ngãi (quy mô 4.000 con) đã đi vào hoạt động; trang trại tại Lào (quy mô 8.000 con) dự kiến cho ra sản phẩm vào năm 2023; trang trại Mộc Châu (quy mô 4.000 con) đã khởi công xây dựng; và trang trại bò tại Cần Thơ (quy mô 8.000 con) đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép.
Tuy nhiên, phải mất vài năm nữa, các trang trại này mới có thể cho ra sản phẩm, hỗ trợ giảm tỷ lệ sữa bột nguyên liệu của Vinamilk xuống thấp hơn hiện tại.