Mới đây, Bộ Quốc phòng và Bộ Công Thương vừa có văn bản bày tỏ ủng hộ việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn.

Tổng mức đầu tư theo hồ sơ của hãng hàng không này là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.

4 cổ đông của IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. 

Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Trao đổi với báo chí, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết một tàu bay của IPP Air Cargo đã được xuất xưởng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được vận chuyển về Việt Nam vì đang chờ AOC (chứng chỉ khai thác máy bay) từ Cục Hàng không. Hiện 3 chiếc khác đang được lắp ráp và dự kiến xuất xưởng vào cuối năm nay.

“Điều này thể hiện ’người thật, việc thật’ và chứng minh quyết tâm của tôi trong việc xây dựng IPP Air Cargo. Tôi rất nôn nóng được cấp phép nhưng vẫn chờ và chấp nhận làm theo quy định của các bộ, ngành”, vị tỷ phú này chia sẻ.

Từ tháng 9/2021, Tập đoàn Boeing đã chào hàng 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Phía Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương của ông Hạnh Nguyễn đã xác nhận sẽ mua 10 chiếc máy bay này.