Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB) tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) được thành lập năm 2008.

Cổ đông sáng lập của LPBank là Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Hiện nay, với số vốn điều lệ 17.291 tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp toàn quốc, LPBank là một trong các Ngân hàng Thương mại Cổ phần lớn nhất tại Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, thay đổi gần đây trong Ban điều hành và Hội đồng quản trị của ngân hàng là một điểm khá đáng chú ý.

Trong tháng 3 vừa qua, ông Phạm Doãn Sơn thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc (TGĐ) sau 15 năm gắn bó tại LPB. Phó TGĐ Hồ Nam Tiến được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc. Ông Hồ Nam Tiến là người có thâm niên công tác tại LPB với hơn 10 năm làm việc tại ngân hàng kể từ 2010. 

Tại ĐHCĐ vừa qua, ông Nguyễn Văn Thùy, ông Hồ Nam Tiến (quyền TGĐ), ông Bùi Thái Hà (Phó TGĐ), ông Lê Minh Tâm (thành viên độc lập) được bầu tham gia HĐQT thay thế ông Phạm Doãn Sơn (nguyên TGĐ) và ông Dương Công Toàn. 

"Chúng tôi lưu ý rằng ông Nguyễn Văn Thủy là em trai của Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy, tham gia HĐQT từ năm 2022 và được bầu vào vị trí Chủ tịch vào tháng 12 năm 2022. Chủ tịch Nguyễn Văn Thùy có mối quan hệ mật thiết với Tập đoàn Xuân Thiện, một trong những doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam và ThaiGroup, một công ty lớn trong ngành bất động sản và xi măng", báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect phân tích.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm 2023, LPB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng (TOI) và lợi nhuận ròng lần lượt là 3,1 nghìn tỷ đồng (-3,9% so với cùng kỳ) và 1,2 nghìn tỷ đồng (-12,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 22% và 26% dự phóng 2023 của VnDirect. TOI giảm là do thu nhập lãi giảm 3,5% do biên lãi thuần (NIM) giảm và thu nhập ngoài lãi giảm 6,5% do khoản lỗ thuần 12 tỷ đồng đến từ hoạt động khác (trong khi quý 1/2022 lãi 191 tỷ đồng), được bù đắp một phần nhờ khoản lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 145 tỷ đồng (trong khi quý 1/2022 lỗ 15 tỷ đồng) và thu nhập phí ròng (NFI) tăng 4,0% so với cùng kỳ. 

TOI giảm và chi phí hoạt động tăng 16,6% so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận trước dự phòng giảm 15,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tín dụng giảm mạnh 28,2% so với cùng kỳ và 82,9% so với quý trước đã giúp lợi nhuận ròng chỉ giảm 12,5% so với cùng kỳ. 

Trong qúy 1/2023, tín dụng tăng 2,7% so với quý trước, cao hơn mức tăng trưởng 2,1% của hệ thốn. Về phía nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tiếp tục tăng trưởng tốt 5,3% so với quý trước (so với +11,8% trong quý 4/2023) khi khách hàng chuyển từ các kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sang kênh an toàn hơn là gửi tiết kiệm. Tiền gửi cá nhân tăng 17,9% so với quý trước trong khi tiền gửi doanh nghiệp giảm 17,7%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm 3,5 điểm % so với cùng kỳ xuống 5,3% vào cuối quý 1/2023 – đây là xu hướng phổ biến ở hầu hết các ngân hang khi tiền gửi có kỳ hạn tăng nhanh hơn số dư CASA.

"Do tăng trưởng cho vay trong quý 1/2023 tốt hơn dự kiến, chúng tôi tăng dự phóng tăng trưởng cho vay khách hàng của LPB trong 2023 - 2024 cao hơn một chút lên khoảng 13,0%/năm từ mức 12,0% trước đó, được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng 12,8%/năm của tiền gửi khách hàng so với 10,9% trước đó. Có khả năng LPB sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn kỳ vọng khi tỷ lệ CAR của ngân hàng đã được cải thiện lên mức 12,4% vào cuối 2022 (so với 11,3% vào cuối 2021)", VnDirect nhận định.

NIM giảm 70 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,4% (-10 điểm cơ bản so với quý trước) trong qúy 1/2023 do COF tăng 200 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 6,5% trong khi lợi suất tài sản tăng 105 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 9,4%. NIM giảm không đáng ngạc nhiên khi lãi suất huy động đã tăng mạnh trong quý 4/2022 và tiền gửi tiếp tục tăng nhanh hơn cho vay trong quý 1/2023. Dù vậy, lãi suất huy động hiện đã giảm xuống thấp hơn so với đầu năm. 

Cụ thể, lãi suất tiền gửi 12 tháng của LPB đã giảm 80 điểm cơ bản so với đầu năm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng COF và NIM của LPB sẽ dần được cải thiện trong phần còn lại của năm nay, nhất là nửa cuối năm. Trong 2023 - 2024, ước tính NIM của LPB sẽ giảm khoảng 35 điểm cơ bản từ mức trong 2022 xuống ~3,7% (thấp hơn một chút so với dự phóng ~3,8% trước đó). 

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 1,5% nhưng không thay đổi so với quý trước. Kết quả này tốt hơn so với nhiều ngân hàng khác khác. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 50 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 2,0%, cho thấy chất lượng tài sản có suy giảm nhưng chưa đến mức đáng báo động. Mức tăng tỷ lệ nợ nhóm 2 của LPB cũng thấp hơn so với các ngân hàng khác trong quý 1/2023.

Đáng chú ý, LPB đã sử dụng dự phòng để xử lý 1,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong quý 1/2023 (tương ứng với tỷ lệ 2,0% trên dư nợ cho vay). Con số này tương đối lớn khi trong cả năm 2022, LPB chỉ sử dụng 1,4 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu (tỷ lệ 0,6%). Mặc dù xử lý nợ xấu tăng mạnh, chi phí dự phòng chỉ đạt 226 tỷ đồng trong quý 1/2023, tương ứng với tỷ lệ 0,4% dư nợ cho vay bình quân trong quý do LPB đã giải phóng một phần dự phòng mà họ đã trích lập trong năm 2022. Vì vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đã giảm từ 142% vào cuối 2022 xuống còn 111% vào cuối quý 1/2023. 

Hiện tại, cổ phiếu LPB đang giao dịch ở mức P/B 2023 là 0,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm là 1,2 lần. Theo đánh giá của VnDirect, giá mục tiêu của cổ phiếu này là 17.400 đồng/cổ phiếu.