Leadership, với mình, từng là micro, spotlight và những buổi họp có tiếng vỗ tay đúng lúc. Cho đến khi mình làm việc tại một văn phòng nhỏ ở Bắc Âu – nơi mọi thứ vận hành bằng sự lặng lẽ gần như tuyệt đối - mình mới biết "leadership" có thể định nghĩa hoàn toàn khác. Không ai nói quá nhiều. Không ai phô trương. Ai cũng chỉ âm thầm làm đúng phần việc của mình – như thể đó là điều tối thiểu để tồn tại trong hệ sinh thái này.

Sáng hôm đó trời lạnh tê, mình đến sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho buổi thuyết trình đầu tiên với phòng nội dung. Tay run vì cà phê chưa kịp ngấm, mình căng mắt rà lại từng dòng slide, gõ thêm vài ghi chú – rồi nhận ra túi rác to vẫn nằm ngay cạnh bàn mình. Theo luật bất thành văn thì người ngồi gần phải mang ra điểm tập kết cuối hành lang. Nhưng lúc ấy, mình đã định bụng “xong họp rồi mang cũng được” – kiểu trì hoãn có vẻ vô hại mà mình hay mắc phải.

lanh-dao-kha-nang-anh-huong-1745627613.jpg

J. – sếp trực tiếp của mình – đi ngang qua. Không nói gì. Chỉ lặng lẽ nhấc túi rác lên, mở cánh cửa sau vốn rất nặng vì hơi ẩm, rồi bước đi. Áo khoác nâu sẫm, giày dính chút bùn, bóng lưng lặng lẽ mà tự nhiên khiến mình ngồi thẳng lưng lại. Không ai trong phòng ngẩng lên, nhưng mình thấy mình bị nhìn thấy – theo cách dịu dàng và đủ lực để điều chỉnh chính mình.

Vài tuần sau, mình trễ deadline. Một dự án dồn dập, nhiều chi tiết, cộng thêm việc mình cứ muốn làm cho “chỉn chu hơn một chút nữa”. Mình biết mình đang quá tải. Nhưng không dám nói. Chỉ gửi mail trễ hơn kế hoạch gần một ngày.

Sáng hôm sau, khi vừa bước vào văn phòng, J đã đứng đợi ở bàn làm việc của mình. Không trách móc mà cũng không yêu cầu giải trình chi cả.

Anh chỉ nói chậm rãi:
“Tôi xin lỗi vì không điều chỉnh timeline khi thấy workload của em bắt đầu căng. Đáng lẽ tôi nên thấy sớm hơn.”

Câu đó làm mình nghẹn một nhịp. Mình không biết phải nói gì. Vì đúng ra – mình mới là người cần xin lỗi. Nhưng anh đã nhận phần đó về phía mình – không phải để bao che, mà như một cách nhắc rằng: trách nhiệm không chỉ nằm ở người làm, mà cả ở người dẫn dắt.

----

Mấy câu chuyện tủn mủn thế này mình đã trải qua rất nhiều trong suốt thời gian làm việc ở Bắc Âu - những trải nghiệm mà trước đó thời còn đi làm trong nước mình không hề biết tới.

Mình nhận ra là:

Có những kiểu lãnh đạo không xuất hiện trên sân khấu. Không thuyết trình. Không dẫn dắt bằng tiếng nói – mà bằng cách họ sống, lặng lẽ và liêm chính.

Leadership, hóa ra, có thể bắt đầu từ một túi rác.
Hoặc một lời xin lỗi đúng lúc.
Và đôi khi, thế là đủ để người khác muốn đi xa cùng mình.



Vậy nên:

Không phải ai có hàng trăm nghìn người theo dõi cũng đang tạo ra ảnh hưởng thật sự.
Và cũng không phải ai chọn sự lặng lẽ đều vô hình trong hành trình của người khác.

Lãnh đạo không còn là vai trò.
Mà là năng lực tạo ảnh hưởng –Từ cách bạn hiện diện, lựa chọn, và sống mỗi ngày.

Một năng lực không cần spotlight.
Chỉ cần ba điều cốt lõi:
• Hiện diện có chủ đích.
• Sự tin cậy không dao động.
• Tầm nhìn giúp người khác nhìn rõ chính mình.

----

#Bạn có thể dẫn dắt – ngay cả khi không ai gọi bạn là “leader”

Sẽ có người tìm đến bạn –khi họ lạc hướng, mất niềm tin, hoặc không biết bắt đầu từ đâu.

Nếu bạn có thể khiến họ muốn tiếp tục – dủ chỉ một bước rất nhỏ - thì cũng đã là dẫn dắt rồi.

Chẳng cần danh hiệu. Chỉ cần thiết thực để có người muốn đi cùng mình là đủ.

----

#Leadership dành cho người làm việc độc lập thì thế nào?

Dành cho bạn – người không có team, không chức danh cụ thể nhưng mỗi ngày vẫn phải:
• Tự kéo mình dậy làm việc.
• Tự phân biệt điều gì là thật – và điều gì là đủ.
• Tự nâng tiêu chuẩn – dù chẳng ai đòi hỏi.
• Tự giữ mình đi tiếp – kể cả khi không ai chứng kiến.

Bạn không cần lãnh đạo ai.
Nhưng nếu không thể dẫn dắt chính mình – sẽ rất khó để đi xa. Hoặc để người khác đặt niềm tin.

Và đôi khi, chỉ bằng sự nhất quán, tử tế và bình tĩnh trong cách sống, bạn đã dạy người khác rất nhiều điều – dù không cố ý.

----

#Ba trụ cột của người dẫn đường thầm lặng

(1) Hiện diện có chủ đích

Không cần xuất hiện thật nhiều.
Chỉ cần đúng lúc – đủ sâu, đủ tĩnh, đủ thật.
Đôi khi chỉ một bài viết bạn lặng lẽ đăng tuần trước –ai đó đã lưu lại, đọc đi đọc lại, và thay đổi hướng đi của mình.

(2) Sự tin cậy

Người ta không theo bạn vì bạn “giỏi”.
Mà vì bạn “thật”.
Bạn sống đúng với điều mình nói.
Làm thật. Sai thì sửa. Không biết thì học.
Và khi đã nói – bạn chịu trách nhiệm với điều mình nói.

(3) Tầm nhìn

Không cần bạn phải đi trước mười năm. Chỉ cần đứng ở một điểm cao hơn –
Để nhìn rõ bản chất, đặt đúng câu hỏi, và mở ra một góc nhìn người khác chưa thấy.

----

#Dẫn dắt theo kiểu “người dẫn đường nhỏ”

Không phải ai cũng muốn làm thầy, làm coach, hay influencer.
Nhưng ai cũng có thể là một người thầm lặng chỉ đường.
• Người viết đều đặn – dù chẳng ai thả tim.
• Người trả lời tử tế – không vì content, mà vì sự quan tâm.
• Người chia sẻ những điều chưa trọn vẹn – nhưng thật.
• Người sẵn sàng dạy lại cho người sau – dù chỉ một lần duy nhất.

Bạn có thể không nổi bật.
Nhưng bạn đáng tin.

Và đôi khi, thế là đủ để ai đó đi cùng bạn một đoạn đường rất xa.

----

Hãy nhớ là: #Leadership không đo bằng số người theo dõi

Leadership đo bằng độ sâu của ảnh hưởng bạn để lại trong cuộc đời người khác.

Hãy thử hỏi mình:
• Giá trị nào bạn không bao giờ thỏa hiệp khi làm nghề?
• Ai từng nói với bạn: “Nhờ bạn mà mình thay đổi”?
• Nếu có 5 người học theo bạn mỗi tuần – họ đang học gì từ cách bạn sống?

Bạn không cần sân khấu lớn để dẫn dắt.
Chỉ cần đứng vững trên điều mình tin –
Và tiếp tục hiện diện: thật, đủ, đều.

Người đáng theo – không phải người ăn to nói lớn nhất.
Mà với mình, là người đã-thât-sự-sống nhất.



Nếu bạn thấy mình chưa đủ “dẫn dắt ai” – hãy bắt đầu từ việc dẫn dắt chính mình.

www.facebook.com/photo?fbid

Theo Linh Phan