Đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn, Nguyễn Trung Hiếu, nhà sáng lập của +84.  Được biết +84 là nhà hàng tại Hàn Quốc được thành lập từ tháng 2/2016 với mục tiêu đưa món ăn Việt Nam chuẩn vị Việt tới thị trường Hàn Quốc.

Qua 6 năm hoạt động, +84 đã chứng minh được độ an toàn, sự cạnh tranh, sức mạnh khi vẫn tồn tại và phát triển trong khi các thương hiệu khác đã phải đóng cửa, rời khỏi thị trường. +84 cũng đã lên những đài truyền hình rất nổi tiếng ở Hàn Quốc như KBS, tvN, OBS và đài truyền hình VTV2 Việt Nam.

Hiện tại +84 có 2 chi nhánh ở phố cổ Insadong và phố Tây Itaewon. Giãn cách xã hội do dịch nên tháng 3/2022, chi nhánh Insadong bán được 240 triệu, tháng 4 bán được 420 triệu và tháng 5 bán được 580 triệu. Với chi nhánh Itaewon, doanh thu tháng 3 đạt 240 triệu, tháng 4 đạt 410 triệu và tháng 5 là 480 triệu. +84 đặt mục tiêu bán từ 800 triệu đến 1 tỷ doanh thu mỗi tháng cho mỗi chi nhánh.

lan-dau-tien-tai-shark-tank-viet-nam-startup-tro-ve-tu-han-quoc-muon-ban-dut-cong-ty-cho-cac-ca-map-1-1661706435.jpg
Nguyễn Trung Hiếu, nhà sáng lập của +84

Menu của +84 có tất cả các món của 3 miền Bắc – Trung – Nam chuẩn vị, đã được công thức hóa. Nhân viên chỉ cần tẩm vào các món ăn sẽ ra được đúng vị. +84 cũng tối ưu một ngày 2 nhân viên có thể bán được 20 triệu doanh thu. “Và đặc biệt chúng tôi có phương pháp marketing, có thể giúp +84 làm chủ nguồn khách hàng”, Trung Hiếu nhấn mạnh.

Với những lợi thế đã nêu, Trung Hiếu mong muốn bán thương hiệu +84 với giá 15 tỷ cho 100% cổ phần.

Cách ra giá này khiến các Shark vô cùng bất ngờ và Trung Hiếu phải xác nhận lại rằng anh muốn bán cả công ty với 2 cửa hàng.

Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về cam kết tạo ra lợi nhuận cho các Shark, Trung Hiếu cho biết anh có mối quan hệ ở Hàn Quốc với những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, máu lửa, có thể tin tưởng được. Những bạn trẻ này sẵn sàng hợp tác khi Shark muốn đầu tư hoặc mua lại +84. 

“Nếu em bán được thương hiệu +84 và quán Insadong thì thời gian đầu em sẽ đồng hành với vai trò cố vấn và tư vấn”, Trung Hiếu nói.

Giải thích lý do muốn sang nhượng quán, Trung Hiếu nói anh vẫn ở Hàn Quốc nhưng không muốn làm quán nữa vì có con đường riêng.

“Thế sao bạn không kiếm ngay một nhà đầu tư nào đấy bên Hàn Quốc họ hiểu. Chứ tôi tiếng Hàn chả biết, cũng không có việc gì để sang thường xuyên. Đầu tư ai giám sát, ai quản lý được”, Shark Hưng thắc mắc và nhanh chóng ra quyết định không đầu tư.

lan-dau-tien-tai-shark-tank-viet-nam-startup-tro-ve-tu-han-quoc-muon-ban-dut-cong-ty-cho-cac-ca-map-1661706435.jpg
 

Shark Liên cho biết bà tin vào sự thành công như Trung Hiếu đã nói. “Nhưng không thể nào bạn chuyển nhượng 100%. Chúng tôi đầu tư, đương nhiêu chúng tôi phải tính rất kỹ, cặn kẽ, không thể nào dư tiền đến mức độ đưa ra 15 tỷ để lấy hai quán của bạn mà không nhìn thấy nó ở đâu cả. Em phải đặt em vào chúng tôi”, Shark Liên nêu vấn đề. Sau đó bà cũng quyết định không đầu tư.

Shark Hùng Anh cũng thắc mắc: “Bạn đến đây mục tiêu của bạn là bán tài sản. Tôi tưởng tôi nghe nhầm đó. Bạn nói bạn bán đứt quán đó, sau đó bạn giao cho chúng tôi rồi tôi làm cái gì?”. Cuối cùng, Shark Hùng Anh quyết định không mua lại quán này của Trung Hiếu.

Lý giải cặn kẽ hơn với Trung Hiếu, Shark Hưng cho biết theo format Shark Tank ở một số nước, việc chào bán công ty cho các Shark có khả thi chứ không vi phạm nguyên tắc cuộc chơi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu các Shark mua lại cửa hàng, Trung Hiếu về nước thì ai sẽ là người giúp các Shark duy trì lợi nhuận như đã cam kết.

“Giống như tôi nói là nhượng quán hay tiền vào cửa thì thông thường người ra đi không mang theo bất cứ thứ gì. Tất cả nhân viên, nhân sự hệ thống, trang thiết bị dụng cụ… để lại nguyên vẹn như thế. Và thậm chí họ còn cam kết sẽ ở lại tiếp 1 hay 2 năm nữa để tiếp tục điều hành, đảm bảo rằng lợi nhuận và doanh thu không suy giảm và người đó sẽ không làm gì cạnh tranh trực tiếp đến thương hiệu gốc. Bởi vì bạn không đưa ra được phương án khi bán cho các Shark thì các Shark làm gì với nó”, Shark Hưng phân tích.

lan-dau-tien-tai-shark-tank-viet-nam-startup-tro-ve-tu-han-quoc-muon-ban-dut-cong-ty-cho-cac-ca-map-5-1661706435.jpg
 

Về phía Shark Erik, ông cũng từ chối đầu tư với lý do chỉ muốn đầu tư vào Việt Nam mà không phải là Hàn Quốc. 

Còn lại Shark Bình, ông đưa ra quan điểm, bán hàng thành công cần 4 đúng: đúng người; đúng “tội” – “tội” có nghĩa là người đấy phù hợp để mua hàng; đúng nơi – bán phải ra đúng chợ; đúng lúc – chợ họp sáng mình đem ra chiều không được. 

“Với cái này em nên lên chương trình Shark Tank Hàn Quốc sẽ phù hợp và có khi em “trôi” ngay”, Shark Bình khuyên và quyết địnhb không đầu tư. 

Trước khi khép lại thương vụ, Trung Hiếu cho biết lý do anh đến Shark Tank Việt Nam để bán thương hiệu: “Tại vì ở Việt Nam, các công ty của Hàn thành công rất nhiều. Nhưng ở Hàn Quốc, em chưa thấy công ty nào của người Việt Nam. Em cũng mong muốn với nguồn lực của các Shark sẽ rất mạnh, lúc đó con số và bức tranh sẽ khác. Em cảm ơn các Shark đã cho em lời khuyên”.