-Nhắc đến Lâm Minh Chánh, nhiều người biết ông với rất nhiều danh xưng khác nhau như doanh nhân, chuyên gia, giảng viên, một người truyền cảm hứng. Nếu chọn một, ông muốn người ta nhớ đến mình ở danh phận nào?

Tôi nghĩ rằng kiến thức rất quan trọng, kiến thức thay đổi con người, và cả xã hội theo chiều hướng tốt hơn. Vì thế tôi luôn muốn bản thân mình là một người truyền cảm hứng, một người kết nối giữa những người cho và người nhận kiến thức.

Những gì tôi làm hiện nay như chăm chỉ viết bài, quay clip trên facebook, hay lập các nhóm để kết nối mọi người là nhằm mục đích đó. Tôi muốn mình là một người gieo hạt mầm kiến thức đúng với nghĩa của cụm từ này. Rất nhiều người cũng đang làm như thế. Mỗi người quăng những hòn đá của mình xuống hồ nước. Mỗi người tạo ra 1 cơn sóng nhỏ. Nếu đủ người làm thì sẽ đến lúc mặt hồ dậy sóng.

chanh-on-1616146788.jpeg
Ông Lâm Minh Chánh muốn mọi người nhớ đến mình với biệt hiệu LMC- Người gieo hạt mầm kiến thức.

-Nếu một người nhìn vào những gì ông đã làm trên facebook Lâm Minh Chánh, họ sẽ có suy nghĩ, một người rất thành công, ông có đồng ý nhận định đó không?

Cuộc sống ai cũng có những thành công và thất bại xen lẫn. Tôi đạt được những thành tựu nhất định trong nghề nghiệp quản lý, trong việc khởi nghiệp, trong việc nhận được và cho đi kiến thức, trong việc truyền bá những điều tích cực, trong những mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội...

Dĩ nhiên tôi cũng có những thất bại cả lớn cả nhỏ. Nhưng tôi không dừng ở đó. Tôi không quá sợ thất bại, tôi xem thất bại là là những kinh nghiệm quý báu để tôi làm tốt hơn khi có những cơ hội mới. Tôi thích câu nói “Thành công không phải là đích đến. Thành công là một hành trình”.

-Nếu được làm lại, ông sẽ làm gì?

Tôi sẽ chọn khởi nghiệp sớm hơn, khoảng 35 tuổi, thay vì gần 45 tuổi và trở thành người chia sẻ tri thức sớm hơn.

-Ông sẽ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nào?

Tôi sẽ chọn khởi nghiệp trong 2 lĩnh vực tài chính và giáo dục. Đó là 2 ngành tôi thích và tôi làm tốt. Tài chính là ngành tôi có kiến thức và trải nghiệm. Giáo dục là ngành tôi có thế mạnh và đam mê.

-Trong cuốn Tài chính cá nhân, ông chia sẻ “bí kíp” để một người có thể nghỉ hưu sớm. Vậy, ông tính khi nào mình nghỉ hưu?

Trong cuốn sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”, tôi có chia sẻ về độc lập, tự do tài chính khi chúng ta đạt 1 độ tuổi nào đó. Bằng cách kiếm tiền nhiều hơn nhu cầu, quản lý tiền khôn ngoan và biết cách đầu tư tiền thì mỗi chúng ta đều có thể đạt sự độc lập tài chính, không làm mà vẫn có thu nhập ở mức mong muốn, ở độ tuổi nào đó.

Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nghỉ hưu sớm, vì nghỉ sớm thì coi như tôi đã chết rồi. Điều này được hiểu là tôi không còn tạo ra giá trị, không còn tư duy, trăn trở trước các vấn đề của cuộc sống. Tức là tôi không còn ý nghĩa cho chính mình và cho những người khác. Sống như thế thì vô vị lắm.

-Từ những gì đã trải qua, nếu đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân trẻ, ông sẽ khuyên gì?

Để khởi nghiệp thành công, chúng ta cần phải có một ý tưởng có thị trường và khả năng thực thi ý tưởng đó. Để phát triển doanh nghiệp thành công, chúng ta cần có tinh thần kiên trì theo đuổi mục tiêu nhưng lại biết bỏ cuộc đúng lúc, cần trang bị kỹ năng cơ bản, kiến thức quản trị kinh doanh. Một doanh nhân thành đạt, cùng lúc phải đội 3 mũ “Người chuyên môn”, “nhà quản trị” và “Doanh nhân”.

Theo tôi, chúng ta không thể chờ có đủ mọi thứ mới khởi nghiệp, vì khi đó chúng ta đã lớn tuổi và không còn nhiệt huyết. Chúng ta không thể khởi nghiệp quá trẻ khi trong tay không có một cái gì ngoại trừ mong muốn và khát vọng. Thống kê cho thấy tỷ lệ thành công của các bạn trẻ, 18 - 21 tuổi, là rất thấp. Theo tôi, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp hãy đi làm 5-7 năm rồi hãy bắt đầu.

-Ở trên ông có đề cập đến câu- Biết bỏ cuộc đúng lúc, trong khi tỷ phủ Jack Ma lại khuyên mọi người nên kiên trì. Liệu có mâu thuẫn gì giữa hai lời khuyên không?

Hoàn toàn không mâu thuẫn. Kiên trì là chúng ta không từ bỏ mục tiêu lớn của mình. Nhưng trên đường đi đến mục tiêu, nếu nhận ra mình đi sai hướng, không có đường ra thì chúng ta phải biết bỏ cuộc đúng lúc, để kiếm hướng đi khác để làm lại. Năm 2012, sau khi khởi nghiệp sàn vàng VTG, và chuỗi Trung tâm toán tư duy Hoa Kỳ Mathnasium, tôi có làm sàn thương mại điện tử websieuthi. Tôi đã không tìm được chìa khoá thành công cho sàn TMĐT của mình. Mỗi tháng tôi thua lỗ, 200-500 triệu/tháng. Vậy mà tôi kéo đến 3,4 năm. Tâm lý sợ mất hẳn những gì đã đầu tư (chi phí chìm) và sợ mất mặt vì không thành công đã làm cho tôi không dám “bỏ cuộc”.

Sau này khi đã bình an, tôi nghiệm ra sai lầm này của mình. Tôi khuyên các bạn khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ rằng “Hãy suy nghĩ kỹ, trong 6 tháng tới mình có làm được điều gì mới để thay đổi tình hình, để giảm lỗ thì tiếp tục. Còn nếu không có phương án rõ ràng nàp thì hãy bỏ cuộc, càng sớm càng tốt” Bỏ cuộc đó để tạo ta 1 cuộc khác. Bỏ cuộc chứ đừng từ bỏ mục tiêu!

-Hiện tại, ông có nhiều thứ cùng một lúc mà người ngoài nhìn vào đều mơ ước. Ông có thấy mình là người may mắn không?

Tôi là người có chút may mắn chứ không quá may mắn. Nếu tôi là người quá may mắn thì tôi đã Khác lắm rồi.

-Hiện tại facebook Lâm Minh Chánh có hơn 100.000 lượt người theo dõi. Vậy, để “nuôi bạn đọc” của mình, ông có thấy áp lực khi viết những bài viết mới không?

Thường mỗi ngày tôi viết 1-2 bài, với các chủ đề: thời sự, xã hội, kinh tế, văn hoá, và những vấn đề tôi và bạn bè facebook của tôi quan tâm. Tôi viết khá nhanh, vì trước khi viết, tôi tôi đã suy nghĩ về ý để viết. Tôi luôn học hỏi, tôi dành 5% - 10% thời gian và tiền bạc để cập nhật kiến thức. Khi ngừng làm mới cái đầu, chúng ta sẽ đi thụt lùi so với xã hội, và chính bản thân chúng ta.

-Là một người nổi tiếng trên mạng xã hội và mong muốn là người truyền đạt tri thức, ông có cảm thấy áp lực vì phải cố gắng, phải gồng lên để “giữ lấy” hình ảnh ấy không?

Thời gian trước đây, tôi thường gồng lên để thể hiện bản thân, để theo kịp dòng chảy. Mà khi gồng thì sẽ mỏi. Theo thời gian, tôi “bình an” và tự tin hơn. Hiện tại, tôi vẫn cố gắng để tiến bộ mỗi ngày. Đó là sự cố gắng tự nhiên chứ không phải gồng. Vì vậy tôi thoải mái lắm.

-Câu cuối cùng anh muốn gửi đến những người đọc bài phỏng vấn này của anh?

Luôn tích cực, luôn học hỏi. Thích cái gì thì làm cái nấy, đừng “thì, là, mà” tốn thời gian lắm. Hãy sống có giá trị hoặc cho bản thân, hoặc cho người khác, hoặc cho cộng đồng, từng ngày!

-Xin cảm ơn ông!