Cách đây hai hôm tôi có biên một bài về 10 quốc gia đứng thứ hạng cao nhất trên thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và trong danh sách đó không có tên Hàn Quốc. Có một bạn nêu câu hỏi rất hay là tại sao không có tên quốc gia này trong khi Hàn Quốc là cường quốc đi đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn nói chung, và chip tiên tiến nhất nói chung.

430097297-7661981113825506-476951943828688424-n-1709880148.jpg
 

Và dưới đây là câu trả lời về những lý do khiến quốc gia này chưa lọt được vào TOP đầu trong cuộc đua AI:

1. SẢN XUẤT CHIP BÁN DẪN VÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO là hai loại kỹ năng và công nghệ khác hẳn nhau: Ngành bán dẫn đòi hỏi một số chuyên môn cụ thể, như quy trình sản xuất, thiết kế và chế tạo.

Tuy nhiên, việc phát triển AI lại là lĩnh vực tổng hợp, đa ngành , phụ thuộc rất nhiều vào các lĩnh vực như học máy (machine learning), khoa học dữ liệu (data science) và phát triển các thuật toán. Mặc dù Hàn Quốc rất xuất sắc trong lĩnh vực chất bán dẫn, nhưng họ lại thiếu các kỹ năng chuyên biệt cần cho AI.

2. TRỌNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN: Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào sản xuất và phát triển các linh kiện phần cứng.

Ngược lại, AI đòi hỏi đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các thuật toán, khung phần mềm và các ứng dụng AI phức tạp. Các quốc gia như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng năng lực nghiên cứu AI, nhờ đó giúp họ dẫn đầu về công nghệ AI.

3. SỰ THIẾU VẮNG CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ LỚN: Trong cuộc đua AI, các công ty công nghệ lớn thường đóng vai trò chủ đạo nhờ sở hữu chuyên môn, kinh nghiệm, nguồn nhân, vật lực lớn và khả năng tiếp cận thị trường mạnh mẽ.

Đây là điều mà Hàn Quốc lại không có. Mặc dù Hàn Quốc có các công ty công nghệ nổi tiếng như Samsung, LG, nhưng các công ty này không có được quy mô và tầm ảnh hưởng toàn cầu như những gã khổng lồ của Mỹ như Google, Amazon, Microsoft hay các công ty công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent - những công ty đã đầu tư rất nhiều tiền của vào nghiên cứu và phát triển AI từ rất lâu.

4. TÍNH KHẢ DỤNG VÀ KHẢ NĂNG TRUY CẬP DỮ LIỆU (DATA AVAILABILITY AND ACCESSIBILITY): Các thuật toán và mô hình AI yêu cầu lượng lớn dữ liệu đa dạng và chất lượng cao để huấn luyện và cải tiến Ai. Các công ty và tổ chức có quyền truy cập và khai thác kho dữ liệu có giá trị lớn này sẽ có ưu thế vượt trội so với các đối thủ trong việc phát triển AI.

Trong khi Hàn Quốc phải mất rất nhiều công sức để thúc đẩy việc chia sẻ và tiếp cận dữ liệu để tạo lập kho dữ liệu lớn, thì các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Trung Quốc lại có lợi thế hơn nhờ dân số đông, lượng tương tác lớn, nên kho dữ liệu cũng lớn hơn gấp bội.

5. CẠNH TRANH TOÀN CẦU: Cuộc đua AI trên phạm vi roàn cầu có tính cạnh tranh cao, trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực vươn lên vị trí đầu bảng trong cuộc cách mạng AI. Trong khi đó, Hàn Quốc dường như đang đi sau trong việc đầu tư nguồn lực con người và tài chính trong cuộc đua này.

Từ câu chuyện của Hàn Quốc, ta có thể tạm thời rút ra kết luận, công nghệ Semiconductor và AI là những loại công nghệ rất khác biệt. Thành công ở lĩnh vực Semiconductor không có nghĩa là thành công trong lĩnh vực AI. Tuy vậy, cần thấy rằng Hàn Quốc có nền tảng về công nghệ tiên tiến rất lớn. Hàn Quốc đã bắt đầu thấy được điểm yếu của mình và đang nỗ lực bắt kịp cuộc đua AI, với việc chính phủ và các công ty tư nhân liên tục đưa ra các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.