Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng liên tiếp bởi các đợt dịch Covid 19, thị trường BĐS đã được thử lửa trong những điều kiện khắc nghiệt nhất mà các giai đoạn khó khăn trước đây chưa từng trải qua. Mất mát và thiệt hại về con người, tiền của và các cơ hội kinh doanh quá lớn không thể đo đếm hết. Năm 2021 đã khép lại với sự kỳ vọng tốt hơn cho năm 2022 khi mà chỉ sau 3 tháng chính thức mở cửa trở lại sau quy định giãn cách XH kéo dài, các hoạt động kinh tế đang bật dậy nhanh chóng và mức độ hồi phục tốt. Tuy chưa đồng đều ở các ngành nghề kinh tế khác nhau, chỉ riêng trong lĩnh vực BĐS mức độ hồi phục ghi nhận đạt từ 70% trở lên tùy phân khúc và khu vực vùng miền. Tâm lý thị trường vào thời điểm cuối năm khá tốt, giao dịch sôi động nhộn nhịp hẳn lên trong điều kiện giá vẫn tiếp tục gia tăng và nguồn cung vẫn còn khan hiếm. 

fb-img-1641539494960-1641539735.jpg
 

Một số xu thế sẽ dẫn dắt thị trường 2022 được kỳ vọng như sau: 

💢 Xu thế về phát triển dự án: Thị trường sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi các CĐT lớn có thương hiệu với chiến lược đầu tư và phát triển vào các dự án quy mô hàng trăm ha trở lên bao gồm các khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng hay khu công nghiệp tại các vị trí tiềm năng. Đây là chiến lược phát triển mang tính dài hạn và bền vững hơn giai đoạn trước đây khi các CĐT đi cùng với quy hoạch chung của các khu vực vùng miền và tạo động lực phát triển kinh tế XH cho địa phương. Các quỹ đất lớn sẽ được săn lùng và dự phòng cho kế hoạch phát triển dài hạn ít nhất cho 10 năm sắp tới. Các thành phố lớn sẽ phát triển theo mô hình đa cực ngày càng rõ nét. Kết nối hạ tầng giao thông liên vùng vẫn là điểm hạn chế lớn cho chiến lược phát triển này, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. 

💢Xu thế về sản phẩm: Chất lượng sản phẩm và không gian sống ngày càng được chú trọng và nâng cao. Thị hiếu của khách hàng mua ở có sự dịch chuyển đáng kể ra khỏi các khu vực trung tâm hiện hữu với mật độ dân số cao, khả năng bảo vệ an toàn dịch bệnh thấp do dễ lây lan. Dịch bệnh Covid đã bộc lộ các điểm yếu và bất cập của quy hoạch đô thị trong thời gian vừa qua khiến hành vi lựa chọn nhà ở đang thay đổi. Bên cạnh đó xu thế lựa chọn của nhà đầu tư BDS sẽ có sự chọn lọc kỹ càng và ưu tiên lựa chọn theo mức độ uy tín của các CĐT nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo giá trị gia tăng của tài sản. Các dự án quy mô lớn có giỏ hàng khá đa dạng ở nhiều phân khúc phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. 

💢Xu thế ứng dụng công nghệ sẽ tiếp gia tăng nhanh chóng từ việc tìm kiếm sản phẩm đến các giải pháp tiếp thị, bán hàng, quản lý BDS cũng như giải pháp đầu tư BĐS. Đây là cuộc chạy đua để nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định thương hiệu và gia tăng hiệu quả kinh doanh trong tình huống dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Việc chuyển đổi số trong BĐS đang ngày càng được chú trọng giúp DN tăng tính chủ động và sẵn sàng linh hoạt ứng phó theo kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Các quy định về pháp lý về số hóa BĐS sẽ tiếp tục được hoàn thiện và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới. 

💢Bên cạnh đó, việc nâng cao tính chuyên nghiệp của các CĐT, nhà môi giới và NĐT sẽ giúp cho thị trường phát triển theo hướng minh bạch và bền vững hơn. Kiểu đầu tư mang tính cơ hội, manh mún theo phong trào, luồn lách các quy định luật pháp sẽ dần bị loại bỏ. Thị trường cần sự tăng trưởng một cách lành mạnh, không còn nhiều cơ hội cho kiểu phát triển quá nóng hay không bền vững.

💢Khối đầu tư ngoại vẫn tiếp tục rót tiền vào BĐS do tiềm năng của đầu tư BĐS trong dài hạn vẫn còn rất lớn. Xu thế liên kết, hợp tác sẽ diễn ra sôi động khi các CĐT nhỏ ít nguồn lực sẽ dần rút lui và nhường lại thị phần cho các thương hiệu lớn có nguồn lực đầu tư khủng từ nguồn lực bổ sung từ các đối tác trong và ngoài nước. 

💢Giá cả BĐS sẽ khó giảm nhiệt trong tình hình tâm lý thị trường đang tốt, nguồn cung BĐS vẫn giảm so với nhu cầu của thị trường. Giá cả tiếp tục có xu hướng gia tăng do lệch pha cung cầu kéo dài và đã thiết lập mặt bằng giá mới ở các phân khúc. Mặt khác một phần áp lực giá cả tiếp tục bị tác động từ cuộc đấu giá thành công có mức giá đột biến 2,4 tỷđ/m2 cao hơn 8 lần so với mức giá bình quân của thị trường khu vực Thủ Thiêm. Mặc dù đây là hiện tượng cá biệt không đại diện cho giá khu vực này nhưng cũng đã tạo một cú sốc về giá vào thời điểm cuối năm gây nhiễu thị trường và khiến cho không ít NĐT hoang mang. 

Năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức khi những khó khăn do dịch bệnh vẫn còn đó, diễn biến dịch bệnh sắp tới như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ tuy nhiên tâm thế của các DN vẫn luôn nỗ lực hết sức tiến về phía trước, tìm mọi giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng tốc trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh của mình. Việc tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý dù có nhiều điểm sáng nhưng vẫn có độ trễ trong việc thực thi các quy định vì vậy như nguồn cung dự án vẫn chậm và chưa có thể cải thiện ngay trong năm 2022. 

Chính phủ đã công bố quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu KT-XH trong năm 2022 với tỉ lệ tăng trưởng GDP sẽ là 6-6,5% để bù lại giai đoạn tăng trưởng chậm do tác động của dịch bệnh. Các gói hỗ trợ kinh tế sẽ góp phần gia tăng nguồn lực phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn. Đây cũng là nền tảng quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng. Tại TP HCM, khu Đông tiếp tục là điểm sáng và là tâm điểm phát triển mới khi Tp Thủ Đức sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra nhằm nâng tầm vị thế của mình như kỳ vọng mà BLĐ thành phố đã đặt ra. 

Dịch bệnh là yếu tố khách quan làm xáo trộn nghiêm trọng các hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN. Đây cũng là lúc các DN nhìn nhận đánh giá lại nguồn lực của mình, gia tăng khả năng thích nghi và ứng phó linh hoạt trong tình huống khẩn cấp đồng thời mở ra các cơ hội thay đổi nhanh chóng và quyết liệt hơn nhằm tìm ra các giải pháp phát triển phù hợp trong thời kỳ mới chấp nhận sống chung an toàn với dịch bệnh với tâm thế bình tĩnh và thận trọng nhưng không an phận để nắm bắt mọi cơ hội phát triển và vượt qua nghịch cảnh.