"Kỳ lân công nghệ" chuẩn bị lên sàn chứng khoán

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo, 35.844.262 cổ phiếu VNZ của CTCP VNG sẽ chính thức niêm yết trên sàn Upcom từ ngày 5/1/2023. Trong số đó, 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng, tương đương chưa đến 350 triệu USD, chưa bằng phân nửa định giá công ty các đây 8  năm.

VNG là một tập đoàn công nghệ khởi nghiệp từ game và giờ đã trở thành "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam. Chủ tịch và CEO VNG là ông Lê Hồng Minh.

Năm 2003, Lê Hồng Minh cùng vài người bạn thành lập một phòng chơi game nhỏ để chơi game và làm một vài dịch vụ kinh doanh kèm theo. Ban ngày, ông là một nhân viên tài chính, đến tối lại là chủ quán game. Một năm sau, ông Minh quyết định nghỉ việc và cùng một số người bạn có chung sở thích thành lập công ty Vinagame. 

Năm 2005, Võ Lâm Truyền Kỳ được VNG phát hành tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của game này khiến website đăng ký còn bị “sập” khi mở cửa vì quá tải.

Đến năm 2006, doanh thu của Vinagame đã đạt 17 triệu USD, gấp 6 lần năm 2005. Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD, trở thành "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) đầu tiên tại Việt Nam – theo World Startup Report.

Hiện, doanh nghiệp này đang hoạt động trong 4 mảng chính: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử, Dịch vụ điện toán đám mây. Một số sản phẩm đình đám phải kể đến ứng dụng nhắn tin và gọi điện ra đời đầu năm 2012 là Zalo, sản phẩm thanh toán điện tử Zalopay ra mắt năm 2016, Kiki - trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài trụ sở chính tại Việt Nam, VNGGames hiện đã có văn phòng đại diện tại hầu hết các nước Đông Nam Á (Thailand, Malaysia, Singapore, Indonesia, …) để phục vụ hàng triệu gamers tại hơn 130 quốc gia trên toàn Thế Giới.

Trong lần sinh nhật lần thứ 15 của VNG, ông Lê Hồng Minh từng chia sẻ về khát vọng 2332 của công ty: “VNG đặt ra một khát vọng mới "2332" cho 5 năm tiếp theo. 2332 có nghĩa là lấy cột mốc năm 2023, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới và 320.000 khách hàng doanh nghiệp. VNG sẽ cố gắng hết sức và tập trung các nguồn lực để hướng tới những cột mốc này”.

Ông Lê Hồng Minh

VNG kinh doanh ra sao?

Tháng 5/2017, ông Lê Hồng Minh và đại diện Tập đoàn Nasdaq Bob McCooey từng ký một thoả thuận về việc VNG sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Công ty này đặt mục tiêu huy động hơn 4 tỷ USD, qua đó đạt định giá 39,6 tỷ USD.  

Năm 2020, doanh thu thuần của VNG đạt 6.024 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt là 40% và 57% so với năm 2019, tương đương 255 tỷ đồng và 261 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua (- 246 tỷ đồng).

Vào ngày 30/9, theo BCTC tự lập, VNG có 31 công ty con và 7 công ty liên kết. VNG ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết là 4.442,2 tỷ đồng, tăng 73,9% so với đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào CTCP Zion chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư 2.561,5 tỷ đồng và số dư trích lập dự phòng là 2.269,3 tỷ đồng

Tại công ty liên kết của VNG, số tiền đầu tư đã tăng mạnh từ 277 tỷ đồng hồi đầu năm 2022 lên mức 1.273 tỷ đồng vào cuối tháng 9.Trong số 3 khoản đầu tư mới vào công ty liên kết trong kỳ, có hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào Telio và Funding. Giá trị khoản đầu tư của VNG vào Telio và Funding trong 9 tháng đầu năm nay lần lượt là 515 và 512 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm cho thấy VNG lỗ trước thuế 497 tỷ đồng. Trong các công ty liên kết, mang lại khoản lỗ lớn nhất trong kỳ là Telio (46 tỷ đồng), sau đó là Funding (26 tỷ đồng).

Tiki Global, một công ty liên kết đang khiến VNG gánh khoản lỗ luỹ kế lớn nhất lên tới 510 tỷ đồng (chiếm tới 84,5% tổng lỗ luỹ kế từ các công ty liên kết), trong kỳ này Tki Global đã không còn gây lỗ. Vào ngày 30/9/2022, VNG nắm giữ 14,64% quyền sở hữu của Tiki Global.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 của VNG đã thông qua việc bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV (BigV) với giá 177.881 đồng/cổ phiếu. Nếu VNG bán thành công cổ phiếu quỹ cho BigV, BigV sẽ nâng tỷ lệ sở hữu ở VNG lên 24,42% vốn điều lệ.

Theo bản công bố thông tin, tại ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn là VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ, tương đương 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành; CTCP Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ, chiếm 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ, tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành.

Mặc dù có những thành tựu lớn tại Việt Nam, tuy nhiên, theo một bài phân tích trên Nikkei Asia được đăng tải năm 2021, VNG trở thành một tổ hợp gồm hơn 20 dịch vụ khác nhau, được nhóm lại một cách lỏng lẻo như fintech, điện toán đám mây, game và các nền tảng như ứng dụng trò chuyện. Một số nền tảng của VNG hầu như không thu hút sự chú ý như trang thương mại điện tử, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm.

Các dịch vụ khác chưa thành công vì VNG chưa thể xin giấy phép hoạt động ngân hàng để cung cấp các khoản vay hoặc các sản phẩm tài chính khác. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh của VNG còn khá chồng chéo.