Đây là cuộc chiến của 2 siêu cường với các bộ óc chiến lược, tham vọng và dài hạn. Kết quả và khi nào kết thúc không thể khẳng định trước được. Nhưng các kịch bản thì có thể dự báo.
III. Kịch bản nào cho cuộc chiến tranh tranh thương mại Mỹ Trung?
Những đồng nghiệp của tôi cho rằng đánh vào công nghệ để kéo tụt Trung Quốc lại. Nhưng đánh thế nào? Việc đánh vào ZTE, Huawei và các công ty công nghệ có thể ngăn chặn trước mắt đà tăng trưởng các công ty này nhưng khó làm họ phá sản và dừng bước. Trung Quốc có thị trường nội địa rất lớn, đi đầu nhiều lĩnh vực và với tiềm lực kinh tế hiện nay của Trung Quốc thì việc này chỉ có thể gây khó chịu, làm chậm nhưng không giúp nước Mỹ đánh sập Trung Quốc. Nước Mỹ cũng đâu phải không có điểm yếu.
Theo tôi các kịch bản sẽ là:
1. Cuộc chiến này không dẫn đến chiến tranh nóng trực diện và sẽ kéo dài cho đến khi có kẻ thắng người thua rõ ràng, như với Liên Xô hay Nhật Bản trước đây mà đến giờ chưa gượng lại được.
2. Cuộc chiến tranh thương mại chỉ là đòn phủ đầu nhưng không phải cân bằng thâm hụt thương mại là đích nhắm. Kể cả thâm hụt thương mại với Mỹ về bằng 0, nước Mỹ sẽ tìm ra lý do khác để gây chiến. Mục đích là để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại cả E, I và A.
3. Khi ai đó bắt đầu cuộc chiến tranh đều có mục tiêu. Vậy nước Mỹ nhắm vào đâu?
Đích nhắm là thị trường tiền tệ, nơi yếu nhất của nền kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ đang là bệ đỡ cho sản xuất nước này. Nhưng không phải trực diện vào đó một cách yếu ớt như trước đây - mà bài bản lớp lang hơn..
Chính sách thuế, một công cụ tài khoá, sẽ được dùng để tấn công trước. Các công cụ chính trị ngoại giao, kể cả các kiểu cấm vận trá hình sẽ được sử dụng. Các vấn đề xưa cũ tưởng đã quên như nhân quyền có thể sẽ được nhắc lại. Các giá trị cốt lõi của Trung Quốc (Chủ quyền nhà nước, An ninh quốc gia, Toàn vẹn lãnh thổ, Thống nhất đất nước, Ổn định chính trị xã hội, Phát triển bền vững) sẽ bị chọc ngoáy. Tất cả đều sẽ được sử dụng để rung lắc đối thủ gấy bất ổn.
Rồi vào thời điểm thích hợp sẽ dùng với các vũ khí tiền tệ đánh chót.
(Kiểu như pháo binh, không quân tấn công trước, đến xe tăng rồi mới đến bộ binh xông lên dứt điểm).
Phàm đánh trận, như đánh cờ, luôn phải có mục tiêu rõ ràng. Và tại mỗi trận đánh phải khai thác vào điểm yếu của đối thủ chứ chả ai ngược lại, nhất là với địch thủ ngang tầm. Nếu chưa có điểm yếu thì tạo ra nó.
Sẽ có thể tiếp tục đánh vào các công ty, nhưng không nhất thiết là công ty công nghệ, thuộc các lĩnh vực có độ ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế Trung Quốc. Công nghệ không phải là đích ngắm trực tiếp. Các công ty công nghệ thì có thể.
4. Dự rằng trước hết bằng các công cụ tài khoá (thuế) Mỹ muốn bào mòn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Sau đó qua các cuộc đàm phán ngoại giao và "đánh đổi" lợi ích (cách làm mà Tổng thống Trump rất quen thuộc với tư cách một nhà doanh nghiệp), trừng phạt đe doạ để cắt dần thị trường tiêu thụ của hàng hoá Trung Quốc, hạn chế tiến đến rút bớt luồng đầu tư nước ngoài hơn 130 tỷ USD hàng năm vào Trung Quốc cũng làm tăng dự trữ ngoại hối. Song song với đó việc tạo ra bất ổn còn làm dòng tài sản chảy mạnh hơn ra ngước ngoài. Cách làm này đạt 3 mục tiêu:
- Trước mắt để Trung Quốc phải co lại giữ dự trữ ngoại hối không dám tung tiền ra gây ảnh hưởng các quốc gia khác (hạn chế ảnh hưởng tại vùng E).
- Làm dòng vốn của nền kinh tế Trung Quốc quay chậm lại gây bất ổn kinh tế.
- Tạo tiền đề cho các điểm yếu của kinh tế Trung Quốc bộc lộ rõ nét hơn.
5. Khi lượng dự trữ ngoại hối teo dần sẽ không còn khả năng đỡ thị trường tiền tệ, trong bối cảnh vòng quay vốn bị chậm lại (điều tối kỵ với các thị trường tiền tệ mất cân đối hay có vấn đề về nợ), thị trường bất ổn mất niềm tin... đó là lúc kỳ vọng một cuộc khủng hoảng của thị trường tiền tệ tự thân xảy ra hoặc chỉ bởi vài động thái mang tính “châm mồi” kích hoạt nhằm tạo sự sụp đổ dây chuyền mang tính hệ thống. Kịch bản này là điều Mỹ mong muốn nhất. Biện pháp “châm mồi” thì nhiều và dân chuyên nghiệp biết cách làm. Chỉ cần như Ác Si Mét: Hãy cho tôi một điểm tựa (để kê đòn bẩy)! Nhất là khi vật cần tác động đã ở thế mất cân bằng. Đó là trò chơi của THẾ nhiều hơn là trò chơi của LỰC. Nên nhớ lại kịch bản của khủng hoảng tài chính châu Á: Quỹ đầu cơ của Soros trong vài tháng chỉ bằng vài tỷ USD đã làm tan nát và kéo lùi lại hàng chục năm sự phát triển của nền kinh tế các nước Đông Nam Á thông qua một sơ đồ cực kỳ đơn giản dựa trên những lỗi hệ thống của nền kinh tế tiền tệ tại các quốc gia này. Trung Quốc không giống các nước Đông Nam Á lúc đó về cơ cấu, độ mở và thanh khoản của thị trường nên sơ đồ trò chơi chắc là khác nhưng hoàn toàn có thể tạo ra một diễn biến như vậy. Có các ý kiến cho rằng Soros thành công với các nước Đông Nam Á nhưng thất bại ở Hongkong do có Trung Quốc. Đúng là thế nhưng lúc đó đối thủ chỉ là một quỹ đầu cơ. Còn đối thủ bây giờ lại là cả một quốc gia hùng mạnh. Dấu hiệu rõ nhất thể hiện sự biến động của thị trường tiền tệ chính là tỷ giá USD/RMB. Sự khủng hoảng của thị trường tiền tệ, nếu xảy ra, sẽ làm tê liệt nền kinh tế (phá vỡ nguồn lực tác động lên vùng E), gây tình trạng bất ổn bên trong đất nước 1.4 tỷ dân đang âm ỷ các mâu thuẫn sắc tộc. Khi đó hiển nhiên quyền lực mềm sẽ yếu đi, các chương trình phát triển công nghệ (vùng I), khám phá không gian (vùng A) sẽ bị chững lại như nước Nhật, nước Nga ngày nào và khả năng gượng dậy hay đuổi kịp là rất khó khăn.
6. Trung Quốc sẽ làm gì?
a. Có 3 phương án xảy ra:
- PA1: Trung Quốc chịu thua một cách có ý đồ để tránh đổ vỡ và chấp nhận tăng giá trị RMB lên (gấp đôi như Nhật? Hay ít nhất 30%) và mất năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
- PA2: Thị trường tiền tệ hỗn loạn, mất kiểm soát như các nước Đông Nam Á hay Liên Xô cũ. Đồng RMB giảm mạnh và kéo tụt GDP (còn một nửa? hay 2/3?) Với nguồn dự trữ ngoại hối hiện nay khả năng can thiệp ngắn hạn khá mạnh và điều này khó xảy ra. Nhưng khi quỹ này đã cạn thì là câu chuyện khác.
- PA3: Chịu được sức ép của Mỹ trong một thời gian dài, Trung Quốc giữ nguyên vẹn chính sách tiền tệ và tìm được tăng trưởng sau một thời gian khó khăn. Khi ấy cơn nhức đầu sẽ chuyển sang nước Mỹ bởi nước Mỹ cũng có vấn đề của mình.
b. Cho đến hôm nay người ra đòn liên tục là nước Mỹ. Trung Quốc vẫn chịu đòn là chính, chống trả khá yếu ớt và thụ động. Có phải chăng Trung Quốc không có gì để chống đỡ? Có vẻ như Trung Quốc đang chơi bài nhẫn, kéo dài thời gian để dò tìm điểm yếu của Mỹ hơn là không có gì đế đáp trả. Không thể coi thường Trung Quốc với tầm nhìn rất dài hơi của họ. Hãy nhớ lại Trung Quốc đã phá giá Nhân dân tệ (RMB) 50% năm 1994 trước khi họ hội nhập sâu rộng như thế nào và cho đến nay vẫn bị cho là đã làm yếu quá mức đồng RMB nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Cũng không thể không đánh giá đúng mức, không tôn trọng với những gì họ đã làm được để thực hiện tham vọng trở thành cường quốc số 1 trong suốt nhiều thập niên qua.
c. Trung Quốc đang nghĩ gì?
- Trước mắt rõ ràng Trung Quốc đang theo đuổi PA3. Họ chờ khi Mỹ lộ hết bài mới xuất chiêu trong khi âm thầm bố trí lại lực lượng để sửa sai do việc bộc lộ tham vọng hơi sớm quá? Họ cũng có thể đánh vào những lĩnh vực nước Mỹ đang tạm thời bỏ qua là làm lỏng các mối quan hệ chiến lược truyền thống của Mỹ (như Nga đã làm được với Thổ Nhĩ Kỳ). Đó còn là thị trường tương lai. Cách này không phải không khả thi nếu người Trung Quốc sau cơn bĩ cực này học được cách đóng vai cường quốc một cách bài bản chứ không còn là hình ảnh của một "trọc phú nhiều tiền xấu tính". Bên cạnh đó họ có thể dùng kế "Kim thiền thoát xác" để "chuyển đòn": Mỹ đâu có định đánh vào Lenovo (vốn là IBM) hay đâu có đánh vào Volvo dẫu đã thành của Trung Quốc!
- Nhớ lại khủng hoảng châu Á 1997-1998: Thái Lan làm theo đơn thuốc kê bởi IMF và World Bank (Mỹ hậu thuẫn) để nhận hỗ trợ tài chính từ 2 tổ chức này. Malaysia đứng đầu là ông Mahathir từ chối hoàn toàn và làm theo cách của mình. Cuối cùng tốc độ hồi phục của 2 quốc gia này như nhau. Tôi tin chắc Trung Quốc không quên chuyện này, ít nhất khi nhìn vào các chính sách quản lý thị trường tiền tệ và thị trường vốn của họ hiện nay. Chắc họ sẽ ứng xử theo kịch bản Malaysia (PA2) nếu vì lý do nào đó thị trường tiền tệ khủng hoảng có nguy cơ mất kiểm soát.
- Không có khả năng Trung Quốc chấp nhận quy hàng như Nhật (PA1) bởi thế và lực khác nhau.
Một câu chuyện có thật:
Một đấu sỹ đấm box (tôi quên tên) gặp đối thủ có phần trên cơ. Rất khó khăn để thắng. Cho đến khi anh ta phát hiện có 1 cái mụn nhỏ trên bả vai đối thủ. Anh ta liền giữ khoảng cách, kéo dài trận đấu và nhắm chỉ vào cái mụn mà đấm đòn xa kịch liệt. Do các đấu sĩ boxing chuyên dùng vai tản đòn nên đối thủ mặc kệ không né, dùng vai chịu trận và nhăm nhăm đấm vào đầu để knock out đối thủ. Cuộc đấu kéo dài dằng dai... cho đến lúc đấu sĩ có phần trên cơ giơ một tay dừng trận đấu xin thua: cái mụn nhỏ do bị đấm liên tục đã thành cái nhọt sưng tấy và gây tê liệt cả một cánh tay.
Mỹ Trung ai cũng có mụn. Xem ai sẽ thắng ai đây!
Tóm lại đây là cuộc chiến của 2 siêu cường với các bộ óc chiến lược, tham vọng và dài hạn. Kết quả và khi nào kết thúc không thể khẳng định trước được. Nhưng các kịch bản thì có thể dự báo.
Còn giờ là lúc dõi xem cặp USD/RMB nhảy múa điệu nào!
——————-
PS1. Tôi đăng những suy nghĩ này (hơi lộn xộn vì viết bằng điện thoại và chưa đầy đủ lắm hởi độ rộng của đề tài) được tôi nêu ra tại một cuộc thảo luận về chiến tranh thương mại với các đồng nghiệp là có lý do. Nội dung chưa thống nhất là đích ngắm của cuộc chiến và kịch bản của tôi. Bọn tôi đã thoả thuận tôi sẽ public nó lên và hàng năm, vào buổi trưa của một ngày đã chọn cho đến khi cuộc chiến kết thúc, cả nhóm sẽ ngồi ăn trưa review tình hình để đánh giá và:
1. Cho đến khi kịch bản nêu tại III. không diễn ra tôi sẽ trả tiền các bữa ăn.
2. Nếu kịch bản này diễn ra thì các đồng nghiệp sẽ mời tôi ăn với số lần tôi đã ứng ra mời họ (gốc) cộng thêm một số lần đúng bằng như thế nữa (lãi).
3. Chỉ số chính quyết định thắng thua là diễn biến tỷ giá USD/RMB.
(Hy vọng những người trong cuộc có đọc và phản hồi qua PM nếu tôi ghi lại sai).
PS2. Mong muốn gì từ cuộc chiến:
1. Như đã nói chiến tranh thương mại hay tiền tệ sẽ không thành chiến tranh nóng trực diện. Nhưng trong điều kiện tranh giành ảnh hưởng, chiến tranh nóng là không thể loại trừ (mà hình như đang manh nha). Dẫu vậy vẫn mong nó đừng xảy ra.
2. Cuộc chiến tranh nóng nếu xảy ra, tất nhiên như vẫn thế, sẽ là cuộc chiến tranh uỷ nhiệm (Proxy War) ở một nơi khác ngoài lãnh thổ 2 nước. Mong đó sẽ không là Biển Đông. Mong các nước trong khu vực tỉnh táo.
3. Khi chiến tranh xảy ra, các nước không tham chiến dễ hưởng lợi. Mong trong đó có Việt Nam.
PS3. Xin hãy nhớ kỹ câu chuyện boxing: Kẻ mạnh không phải là kẻ ra đòn mạnh mà là kẻ chịu được đòn nặng!
Hết./.