Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia ngày 31/12 thông báo tạm thời cấm xuất khẩu than trong tháng 1 đối với các đối tượng là doanh nghiệp khai thác, kinh doanh than có các giấy phép: IUP (Kinh doanh khai thác mỏ - Mining Business License); IUPK (kinh doanh khai thác, sản xuất, vận hành mỏ - Production Operation Special Mining Business License) và PKP2B (Hợp đồng đặc nhượng – Concesion Agreement).

Theo cơ quan này, việc tạm cấm xuất nhằm đảm bảo nguồn cung than nguyên liệu cho các nhà máy điện than của Indonesia, ngăn ngừa rủi ro thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nước này đồng thời buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than phải hoàn thành nghĩa vụ cung ứng 25% tổng lượng than xuất khẩu cho thị trường nội địa.

Chính phủ Indonesia cho biết khi nguồn cung than nội địa được đáp ứng đầy đủ, các doanh nghiệp sản xuất sẽ được nối lại hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

78-16412695086942049580768-1641378167.jpeg

Ngay lập tức, Bộ Công thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu than của Việt Nam cần nhanh chóng khẩn trương liên hệ với các đối tác xuất khẩu than Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao trong tháng 1.

Đồng thời cần theo dõi chặt chẽ các thông tin cập nhật về chính sách, quản lý điều hành liên quan tới mặt hàng than tại trang tin điện tử Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia – hoặc thông qua Thương vụ Việt Nam tại Indonesia.

Nguồn cung năng lượng Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Nhiệt điện hiện tại vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam, khoảng 49,3% tổng sản lượng điện tính đến cuối năm 2019. Việc này làm dấy lên lo ngại thiếu điện ở nước ta trong thời gian tới.

Indonesia luôn là nơi Việt Nam tiêu thụ nhiều than nhất với tổng sản lượng nhập khẩu lên đến 14 triệu tấn, tương đương 1,2 tỷ đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2021. Tỷ lệ này giảm 11% về lượng nhưng tăng 65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm hơn 41% lượng nhập khẩu than của Việt Nam.

Năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi nhu cầu điện cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, sống chung với dịch COVID-19. Việc này làm dấy lên sức ép đối với tổng nguồn cung điện cả nước hiện nay vốn có nguy cơ thiếu hụt từ thuỷ điện, đặc biệt là ở miền Bắc, theo dự báo trước đó của EVN.

Cụ thể, với nền nhiệt trên 360C kéo dài ở các tháng 5, 6, 7, miền Bắc vào mùa hè có tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất trong các ngày nắng nóng cực đoan.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhận định, mối lo miền Bắc thiếu điện trong mùa khô năm 2022 hiện hữu khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt so với các năm.

Như vậy, cùng với lệnh cấm mới nhất từ Indonesia, nguồn cung năng lượng Việt Nam trong năm 2022 có thể trải qua một vài thách thức đáng kể.

Theo Báo Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia cũng bày tỏ quan điểm cho rằng quyết định của Chính phủ Indonesia là quá vội vã và thiên vị. Cơ quan này cho rằng cần phải phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp bởi “các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế của đất nước, bất cứ chính sách nào của Chính phủ đều có tác động tới cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, chính sách cấm xuất khẩu than cần phải thảo luận với cộng động doanh nghiệp.”

Giá than Trung Quốc rục rịch tăng

Ở một diễn biến khác, ngay sau khi chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu, giá than nhiệt tại Trung Quốc đã tăng đến 7,8% chỉ trong vài ngày đầu năm 2022.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, tính riêng trong phiên 4/1, giá than nhiệt giao tháng 5 đã tăng 7,3% ngay khi vừa mở cửa.

Sau đó, vào lúc 9 giờ 25 phút (giờ Việt Nam), giá than neo quanh mức 708 nhân dân tệ (tương đương 111,1 đô la Mỹ)/tấn, cao hơn 5,5% so với đầu phiên và tiến dần đến mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 25/11/2021.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 178 triệu tấn than từ Indonesia (chủ yếu là than nhiệt), chiếm hơn 60% tổng lượng than nhập khẩu của nước này.

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và thị trường than nước này vẫn đang hỗn loạn sau khi giá than tăng cao kỷ lục vào tháng 10/2021 do thiếu nguồn cung. Ngày 19/10/2021, giá than giao dịch trên sàn Trịnh Châu đã đạt đỉnh 1.848 nhân dân tệ/tấn.