dau-mo-nga-0-1662174244.jpg
Nhà máy diesel tại Giếng dầu Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu mỏ Irkutsk, vùng Irkutsk, Nga. Ảnh: Reuters

Có một thực tế là hiện tại Nga đang xuất khẩu một lượng dầu ít hơn, nhưng lại có doanh thu và lợi nhuận lớn hơn, riêng trong tháng 6, số lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm 7,5 triệu thùng nhưng doanh thu lại tăng 700 triệu USD, đạt 20,4 tỷ USD tăng 40% so với năm 2021.

Theo Aljazeera-Reuters thì dự kiến trong năm 2022 thu nhập của Nga từ xuất khẩu năng lượng lên đến 337,5 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2021.

Cách đây mấy ngày, hãng Gazprom thông báo họ đã đạt lợi nhuận đáng kinh ngạc 41,75 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2022, tăng trưởng 158% so với năm 2021 và họ dự kiến chi trả cổ tức 0,85 USD/cổ phiếu, nâng tổng mức chi trả cổ tức lên 20,26 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc điện Kremlin có thêm hơn 10 tỷ USD trong ngân sách.

Chính vì vậy các Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước G7 (Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada) đã đồng ý kế hoạch áp trần giá dầu của Nga, nghĩa là họ sẽ đưa ra một giá trần và các quốc gia tham gia chính sách sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga được vận chuyển qua đường biển với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.

Một quan chức G7 nói: “Chúng tôi sẽ cắt giảm khả năng tài trợ cho cuộc chiến của ông ấy từ xuất khẩu dầu của Putin bằng cách cấm các dịch vụ, chẳng hạn như bảo hiểm và cung cấp tài chính, cho các tàu chở dầu của Nga trên mức giá đã thỏa thuận”.

Ngay sau đó, Điện Kremlin cho biết Nga sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giới hạn giá đối với các nguồn năng lượng của Nga - mức giới hạn mà Moscow cho rằng sẽ dẫn đến sự bất ổn đáng kể của thị trường dầu mỏ toàn cầu. "Chúng tôi chỉ đơn giản là sẽ không hợp tác với họ theo các nguyên tắc phi thị trường" (người phát ngôn của Nga Dmitry Peskov).

Các công ty dầu mỏ của Nga sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang các thị trường bên ngoài châu Âu, bởi khả năng rất lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, những đối tác thương mại lớn của Nga - có thể không tuân theo chính sách của G7 đối với dầu của Nga. Họ đã không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và Trung Quốc vẫn rất vui khi mua dầu của Nga.

Ngày 2/9, Gazprom của Nga thông báo đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt tới Đức, vốn dự kiến vận hành trở lại vào 3/9, sẽ tiếp tục bị khóa cho tới khi một tuabin được sửa chữa, qua đó đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu.

Giới quan chức Mỹ lo ngại rằng những động thái đó có thể khiến giá năng lượng tăng vọt và có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái nếu hàng triệu thùng dầu của Nga bất ngờ bị rút khỏi thị trường toàn cầu, làm giảm đáng kể nguồn cung dầu thô của thế giới. Các quan chức chính quyền Mỹ đã ước tính rằng giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng hoặc cao hơn nếu các nỗ lực áp đặt giới hạn giá dầu không thành công.

 

(Tập hợp từ các báo Anh, Mỹ: Theguardian, cnn, ft, reuters, nytimes, euronews, cnbc…).