
THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ?
Theo cách nghĩ đơn giản của mình, thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của bạn. Như vậy bạn cần gây dựng niềm tin ngay từ khi khởi nghiệp chứ không phải đợi đến lúc công ty phát triển lớn mạnh rồi mới làm. Và để có được niềm tin từ người tiêu dùng bạn cần cung cấp những dịch vụ tốt nhất có thể, và để có dịch vụ tốt bạn cần có đội ngũ nhân sự tốt, và để có nhân sự tốt bạn cần tạo ra môi trường làm việc tốt, văn hóa làm việc tốt, phúc lợi tốt, thuế số minh bạch.
Có nhiều bạn nói: Cứ làm từ từ rồi sửa sau nhưng thực tế để sau sẽ khó sửa hơn so với khi bạn làm tốt từ đầu. Có thể ban đầu công ty không phát triển nhanh nhưng bạn đừng quá lo lắng hay sốt ruột, bạn cần hiểu, bạn đang xây dựng một nền móng vững chắc cho công ty và nó cần thời gian để hình thành. “Good things take time” =)))))))
Có thể ban đầu bạn chưa có đủ tài chính để trả lương và thưởng xứng đáng cho nhân sự của mình, thay vào đó, bạn có thể đối xử thật tốt với họ. Ban đầu chia sẻ trách nhiệm rồi về sau là chia sẻ quyền lợi với họ. Ngoài ra, bạn cũng có thể chia sẻ cổ phần công ty để họ gắn bó dài lâu với công ty hơn nếu họ là một nhân sự sáng giá.
MINH BẠCH THUẾ GIÚP LÀM THƯƠNG HIỆU?
Câu hỏi làm khó rất nhiều bạn, tuy nhiên nếu bạn hiểu thì sẽ thấy điều này không hề khó. Từ đầu nếu các khoản thuế được minh bạch, bạn có thể công khai chia sẻ mọi thông tin trong công ty với các cộng sự, vì bạn đâu có gì bí mật phải giấu?
Với mình, việc công khai thông tin cũng là cách để các đồng nghiệp hiểu được những khó khăn ở bước đầu, hiểu được lý do bạn chưa thể chi trả được mức lương xứng đáng cho mọi người. Việc công khai thông tin cũng là để các cộng sự được hiểu rõ về định hướng phát triển của công ty để từ đó có thể đóng góp các ý kiến tốt nhất.
Các đồng nghiệp, cộng sự khi đã hiểu và thông cảm thì khả năng cao họ cũng chính là những đại sứ thương hiệu đầu tiên của công ty, họ quảng bá thương hiệu hoàn toàn miễn phí. Ở thời điểm đầu, chắc chắn bạn chưa có lợi nhuận, nên cho dù công khai mọi thứ bạn cũng chưa phải nộp thuế nhiều, vì vậy mình đâu có gì để mất đúng không? Sau nay khi công ty phát triển, có lợi nhuận, bạn có nộp cũng là đóng góp cho đất nước, cho xã hội, cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty bạn mà ngược lại, các cộng sự sẽ cảm thấy tự hào và yên tâm hơn vì họ làm việc trong một công ty minh bạch, được trả lương xứng đáng, được đảm bảo quyền lợi. Đó cũng chính là làm thương hiệu. Vì nếu các đồng nghiệp - những người đồng hành cùng bạn trong mỗi bước đi mà còn không tự hào về công ty của bạn thì giấc mộng dài khiến người tiêu dùng tự hào về công ty của mình sẽ chẳng bao giờ có hồi kết.
CHỈN CHU CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, BAO BÌ, DỊCH VỤ
Bên cạnh mảng nhân sự, để có niềm tin các bạn chắc chắn cần phải có sản phẩm tốt. Ở những ngày đầu, bạn nên dồn hết khả năng để tạo nên những sản phẩm tốt nhất có thể. Như mình chia sẻ trong các bài trước, bạn có thể tự sản xuất hoặc tốt nhất thuê gia công bên ngoài, miễn là bạn có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm một cách sát sao nhất. Sản phẩm đạt là khi bạn và các đồng nghiệp cũng đều yêu thích, nếu các đối thủ làm tốt hơn thì bạn buộc phải cố gắng cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ngoài chất lượng sản phẩm thì bao bì bạn cũng nên đầu tư thật chỉn chu, đừng giữ suy nghĩ “sau này bán được nhiều rồi đầu tư cho bao bì cũng không muộn”. Bao bì là “người bán hàng thầm lặng”, bao bì đẹp, bắt mắt sẽ giúp sản phẩm của bạn có được cảm tình của người tiêu dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, mà khi người tiêu dùng quan tâm thì khả năng cao họ sẽ mua về dùng thử (hiệu quả hơn nếu sản phẩm cũng có giá cả hợp lý). Khi họ đã mua về dùng thử mà chất lượng tốt thì khả năng mua lại là rất cao, vòng lặp đó sẽ giúp bạn có được tệp khách hàng trung thành cho công ty. Và như vậy là bạn cũng đang đầu tư cho thương hiệu đó.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải liên tục theo dõi thị trường, kiểm tra sản phẩm của mình, của đối thủ, phải liên tục tiếp thu ý kiến góp ý của người tiêu dùng một cách nghiêm chỉnh. Bạn có thể chưa điều chỉnh được sản phẩm ngay nhưng nếu người tiêu dùng cảm nhận được sự chân thành và sự mong muốn cải thiện sản phẩm của bạn thì mình nghĩ đa số người tiêu dùng sẽ tiếp tục ủng hộ bạn, vì họ hiểu đó là tư duy cầu thị, không kiêu căng, không tự mãn. Bạn thật sự phải rất cố gắng đó, vì điều này không dễ đạt được đâu.
Xu hướng tiêu dùng liên tục thay đổi, vì vậy bạn cũng phải liên tục đổi mới, ra sản phẩm mới. Và để có niềm tin bạn cần cung cấp dịch vụ từ đầu tốt nhất có thể. Ví dụ như đổi trả hàng lỗi, cận date cho dù trong hợp đồng không có điều khoản đó. Bạn làm tốt dịch vụ thì các đối tác sẽ chia sẻ các thông tin thị trường để bạn làm tốt hơn nữa. Và chính các đối tác thương mại cũng là nhưng đại sứ thương hiệu miễn phí cho bạn, khi bạn gặp lỗi nào đó thì họ cũng chính là những người giúp bạn sửa lỗi, bởi vì họ biết bạn không cố tình làm ra các lỗi đó và bạn sẽ cố gắng sửa lỗi ngay. Đó chính là làm thương hiệu.
CUỐI CÙNG, ĐẦU TƯ CHO TRUYỀN THÔNG
Và phần cuối cùng cũng là phần mà đa số các bạn nghĩ ban đầu: Đầu tư cho truyền thông. Ngoài việc bạn đã có sản phẩm tốt, đội ngũ nhân sự tốt, hệ thống phân phối tốt thì bạn cũng nên nghĩ tới việc quảng bá cho sản phẩm của bạn. Với thời đại mà Internet phát triển như hiện nay, bạn hoàn toàn có thể tự làm hoặc thuê đội ngũ truyền thông bên ngoài với chi phí thấp để chạy quảng bá trên Google, Facebook, Zalo, Instagram hoặc trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,Tiki... Nếu được, các bạn nên làm song song các hạng mục này ngay từ đầu, vì ngoài việc mang lại doanh số thì sự hiện diện trên MXH hay các sàn TMĐT cũng là hình thức quảng bá cho thương hiệu của bạn đó.
Ngoài ra nếu bạn kể được câu chuyện khởi nghiệp của bạn nữa thì càng tốt (như mình đang kể về câu chuyện Khởi Nghiệp Tuổi 50 đây nè hehe…). Bạn thấy đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm mà còn được tặng kèm theo một câu chuyện khởi nghiệp với nhân vật có thật thì chắc chắn sẽ cảm thấy có thể tin tưởng và thích thú hơn.
Bạn không cần gò bó bản thân trong một chủ đề khởi nghiệp đâu, bên cạnh chủ đề này bạn còn có thể kể về bạn, về gia đình bạn, về nơi bạn sinh ra, lớn lên...về nơi bạn khởi nghiệp, về thành công cũng như thất bại của bạn... Kể gì cũng được nhưng sự chân thật phải là tiên quyết, vì người tiêu dùng sẽ có thể phát hiện ra ngay nếu bạn không nói thật.
Cuối cùng, như lần trước mình có nói sơ qua, nếu bạn có cơ hội xuất hiện miễn phí tại các game show truyền hình, nhất là về khởi nghiệp, về kinh doanh thì đừng ngần ngại mà từ chối. Đó có thể là cơ hội “có một không hai”, bạn đang muốn kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình mà, vậy nên hãy tận dụng thật tốt những cơ hội đến với mình.
Nếu bạn đang làm tốt các điều mình đã nói trên thì không có lý do gì để bạn từ chối, vì khi bạn xuất hiện trên sóng truyền hình, giới báo chí liên quan sẽ quan tâm đến bạn, cộng đồng mạng cũng vậy. Với mình mà nói, đây là cơ hội lớn để bạn lan tỏa câu chuyện của mình, cũng như là cơ hội để bạn chia sẻ kinh nghiệm với những người mới bắt đầu con đường khởi nghiệp. Cộng đồng khởi nghiệp càng lớn mạnh thì bạn càng lớn mạnh hơn như câu nói của người xưa: “Nước lên thì thuyền lên”.
Gần đây, mình có thuyết phục khá nhiều bạn tham gia vòng Audition của Chương trình Shark Tank Việt Nam, có bạn đồng ý, và cũng có bạn từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Còn riêng với mình, nếu Ban Tổ chức Chương trình cho phép mình tham gia một lần nữa thì nhất định mình sẽ đăng ký tham gia và chắc chắn lần này mình sẽ làm tốt hơn, sẽ giành được deal của các cá mập .