Chúng ta hay ví thuyết trình như một màn trình diễn nghệ thuật với phần quan trọng nhất chính là giây phút kết thúc, giây phút mà mọi cảm xúc háo hức, đợi chờ đã tạm lắng xuống và nhường chỗ cho những suy tư, chiêm nghiệm. Đây là lúc mà con người phải đối diện với những dư vị sau cùng của một hành trình thưởng thức, thời khắc mà ta sẽ quyết định, hoặc đem lòng yêu mến mà suy tư, khắc khoải hoặc sẽ rời đi không luyến lưu.
Đó là lý do mà cuối mỗi của bài thuyết trình, các diễn giả thường cố gắng tìm cho mình một hương vị riêng, một cách thức, một ấn tượng rất riêng để chinh phục và neo giữ cảm xúc trong trái tim khán giả. Có người khép lại phần trình bày bằng một thông điệp. Có người thả nhẹ một câu chuyện ý tứ. Cũng có người vội vã kết thúc như sắp buông bỏ được một gánh nặng trong lòng.
Nhưng dù các lựa chọn có thiên biến vạn hóa đến mức nào, thì một phần kết thúc hoàn hảo luôn được xây dựng từ những bí mật riêng, giống như những “luật ngầm” - thứ sẽ khiến bạn phải bất ngờ về mức độ hiệu quả khi áp dụng chúng. Minh chứng rõ nét nhất chính là từ bài thuyết trình của những diễn giả tầm cỡ trên thế giới.
Cái kết bất hủ trong những bài thuyết trình thay đổi thế giới
Năm 2005, Steve Jobs đã có một bài phát biểu khiến sinh viên toàn cầu phải “mê say” tại Đại học Stanford. Đến với buổi chia sẻ, Steve mang tới 3 câu chuyện khác nhau về những sự kiện, những dấu mốc không thể nào quên trong cuộc đời mình. Ba câu chuyện, ba màu sắc và tưởng chừng sẽ là ba bài học riêng lẻ mà ông cố gắng truyền tải tới người nghe thì khi kết thúc, Steve lại tinh tế nhắc lại tận 3 lần quan điểm “Hãy luôn đam mê, hãy luôn dại khờ”. Chỉ bằng một thủ pháp nghệ thuật rất nhỏ nhưng Steve lại tạo ra nguồn xúc cảm cực kỳ mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến người nghe. Nó khiến người ta phải chú ý, phải ghi nhớ và ngẫm nghĩ về thông điệp một cách đau đáu như chính những câu chuyện mà nhà lãnh đạo Apple đã mang tới.
Hay bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter có tên “Lý tưởng nước Mỹ”, thay vì cố gắng mang tới cho người nghe thật nhiều những hình dung về một tương lai mới dành cho Hoa Kỳ, từ mở đầu đến kết thúc bài chia sẻ, ông luôn thẳng thắn khẳng định trực tiếp mục tiêu của bài diễn thuyết là gì. Điều đó tạo cho người nghe một dấu ấn riêng, sự ghi nhớ sâu đậm và nỗi khắc khoải nhất định về thông điệp ông truyền tải.
Barry Schwartz lại chọn kết thúc bài thuyết trình của mình theo cách “không giống ai”. Trong bài phát biểu về “Nghịch lý của sự lựa chọn” tại TED, ông đã kết thúc bài thuyết trình của mình bằng một bức tranh biếm hoạ trên tờ The New Yorker với một cái bình cá, trong đó có một con cá bố và một con cá con. Bên dưới bức tranh là lời cá bố nói với con mình: “Con có thể trở thành bất cứ thứ gì con muốn – không có giới hạn”. Cái kết với hình ảnh kích thích thị giác, xen lẫn một chút hài hước và một phép ẩn dụ đã tạo cho bài nói một phong cách và một hình dung rất khác biệt trong tâm trí người nghe.
Bí mật đầu tiên của kết bài thuyết trình hoàn hảo
Thời gian và dung lượng kiến thức có thể ghi nhớ của con người luôn có giới hạn. Trong khi một bài thuyết trình có thể kéo dài đến một tiếng, thậm chí là hai tiếng liên tục. Nghĩa là lượng thông tin mà người nói mang lại là cực kỳ khổng lồ với cơ chế ghi nhớ của não bộ trong khoảng thời gian và không gian giới hạn như thế. Điều đó buộc diễn giả phải có cho mình những “thủ thuật” nhất định nhằm giúp người nghe xâu chuỗi và ghi nhớ tốt vấn đề. Lý thuyết này có tên gọi là Tổng kết khái quát, với mục đích chính là giúp khán giả tổng hợp lại những nội dung quan trọng nhất.
Điều này lý giải vì sao những slide trình chiếu của Apple luôn theo một nguyên tắc là cực ít chữ (trung bình chỉ 40 chữ/slide) và thay vào đó, các nhà lãnh đạo của “nhà táo” sử dụng rất nhiều những hình ảnh mang tính liên kết cao. Cách làm này vừa giúp kích thích thị giác vừa thu hút sự tập trung của người nghe về nội dung bài nói - một phương pháp hỗ trợ cực kỳ hiệu quả cho quá trình diễn thuyết, tránh rơi tình huống nói thao thao bất tuyệt trên sân khấu.
Obama lại có một “thủ thuật” cực kỳ hiệu quả khác, đó chính là việc liên tục lồng ghép những câu chuyện mang tính tò mò và hài hước cao. Con người vốn thường ưu tiên ghi nhớ những câu chuyện hơn là kiến thức suông, do đó, “thủ thuật” này sẽ tháo bỏ tâm thế phòng thủ của người nghe, làm mờ đi những ranh giới và tạo nên bầu không khí thoải mái hơn trong việc tiếp nhận. Sự vui vẻ và thiện cảm cũng giúp đẩy nhanh hơn việc ghi nhớ và nắm bắt về thông điệp mà người nói truyền tải.
Để diễn giải trọn vẹn một vấn đề, chúng ta cần 15, 30 thậm chí là 90 phút chia sẻ. Thế nhưng, việc quan trọng nhất là làm sao tạo ra sự ghi nhớ một kiến thức hoàn toàn mới cho người nghe trong khoảng thời gian ngắn nhất, diễn giả chỉ có chừng một phút hoặc thậm chí ít hơn. Các yếu tố như rõ ràng, thuyết phục, tính hiệu quả cao dù được các diễn giả sử dụng xuyên suốt phần thuyết trình, tuy nhiên, vẫn luôn cần một phần kết luận tổng kết lại tất cả những vấn đề cần đi qua. Có như vậy, khán giả mới có thể ghi nhớ và tiếp tục bàn luận về chủ đề này sau khi kết thúc, hoặc ít nhất là sử dụng được kiến thức này trong cuộc sống hàng ngày.
Kết bài thuyết trình đầy mê hoặc
Ngoài yêu cầu phải tổng kết khái quát và “chốt hạ” được vấn đề theo cách ấn tượng nhất, những bài thuyết trình thành công trên thế giới còn rất chú trọng trong việc lan tỏa nguồn cảm hứng thay đổi và thúc đẩy sự hành động từ trong tâm thức của người nghe. Tức là quá trình Thăng hoa cảm xúc của khán giả sau khi những lời chia sẻ mới là hành trình xây dựng ý nghĩa thực sự cho những bài nói.
Giá trị cuối cùng của thuyết trình không nằm ở việc phô bày hay thỏa mãn cái tôi cá nhân của người nói, mà nằm ở khả năng kích thích quá trình thay đổi, hành động, hoặc tạo sự suy ngẫm, ưu tư cho người nghe. Ngoài ra, phải làm sao để chạm đến cảm xúc, khiến cho khán giả thấy chính mình trong đấy, nhận được sự đồng cảm và thậm chí rơi lệ vì diễn giả.
Cả một bài diễn thuyết dài gần 30 phút nhưng chỉ cần lắng đọng được một câu vào lòng khán giả cũng đã đủ để minh chứng cho sự thành công của một cái kết bài mỹ mãn. Một câu thôi, nhưng phải khiến người ta suy nghĩ và day dứt không ngừng. Một câu đủ để mỗi cá nhân phải đau đáu về thực tại, phải suy tư khôn nguôi về những đổi thay của tương lai và quan trọng nhất là thôi thúc con người phải hành động.
Với “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện quá tốt việc khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí đồng lòng cả dân tộc. Chỉ với một bài nói ngắn gọn nhưng Người đã triệu hồi trái tim sục sôi của hàng triệu con dân, thúc đẩy tinh thần chiến đấu và lan tỏa khát khao tự do đến cháy bỏng. Chính cảm hứng bất diệt ấy đã góp phần rất lớn vào việc làm nên chiến thắng vẻ vang cho quân và dân ta trong những năm tháng lịch sử cam go nhất.
Như xưa kia Nguyễn Trãi cũng đã dùng chính nguồn sức mạnh ẩn sau những lời nói, những con chữ của mình để chiêu dụ biết bao tướng giặc phải đầu hàng vô điều kiện, vừa khiến giặc tâm phục khẩu phục, vừa bảo toàn được lực lượng vẹn nguyên cho quân và dân ta. Ông đã thành công xây dựng và truyền tải nguồn cảm hứng mãnh liệt, đến mức hậu thế mai sau khi tìm về với tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập” đã phải kính phục mà thốt lên rằng: con chữ của ông có sức mạnh như 10 vạn quân. Cho dù là 10 năm, 20 năm hay 100 năm sau thì những con chữ với xúc cảm mãnh liệt cùng uy lực xuất chúng như thế vẫn mãi là nguồn cảm hứng thăng hoa bất diệt cho bao thế hệ người Việt.
Càng đi sâu phân tích, chúng ta càng cảm nhận được rất rõ: thuyết trình thực sự là một nghệ thuật và người diễn giả chính là những nghệ sĩ. Ở đó, dù chỉ là một phút kết lại phần trình bày cũng đòi hỏi ở diễn giả khả năng nắm bắt và kỹ năng thể hiện đỉnh cao. Kết bài thuyết trình hoàn hảo nhất định phải Tổng kết khái quát được vấn đề theo cách riêng của người nói và phải tạo ra được những Điểm chạm thăng hoa - nguồn sức mạnh khiến bao thế hệ nhắc nhớ và liên tục học hỏi như cách mà Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh hay Steve Jobs đã từng làm.